Phóng to |
Ông Mark Gillin, giám đốc điều hành AmCham tại TP.HCM, trao đổi với ông Đỗ Nhất Hoàng, cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, tại buổi đối thoại -Ảnh: Thanh Đạm |
Phóng to |
Ông Đỗ Nhất Hoàng (thứ hai từ phải qua) trao đổi với các nhà đầu tư - Ảnh: Đình Dân |
Những thắc mắc trong việc cấp phép thủ tục đầu tư, vấn đề thuế, chất lượng lao động, mức lương tối thiểu, thủ tục hành chính, sự minh bạch về môi trường đầu tư... cũng được lãnh đạo TP.HCM giải đáp cởi mở, thẳng thắn tại buổi đối thoại.
Rào cản chất lượng lao động
"Vấn đề cải thiện trong hai khu vực chính sách và thực thi luật pháp sẽ được triển khai đồng bộ từ địa phương đến các bộ ngành nhằm tạo môi trường thu hút đầu tư tốt nhất" Ông Đỗ Nhất Hoàng (cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài) |
Bỏ qua hết phần phát biểu chào hỏi mang tính nghi lễ, ông Lê Mạnh Hà - phó chủ tịch UBND TP.HCM - gợi ý đại diện các nhà đầu tư nước ngoài nhanh chóng tập trung nêu lên những khó khăn, vướng mắc gặp phải thời gian qua.
Và người đăng đàn đầu tiên là chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JBAH), ông Yamaguchi Kimio, khi cho biết môi trường đầu tư của VN hiện nay đã cải thiện nhưng chưa đạt được những kỳ vọng của doanh nghiệp Nhật. Các nhà đầu tư đến từ Nhật vẫn đang gặp những khó khăn trong hoạt động sản xuất hằng ngày đến vấn đề thủ tục hành chính. “Dịch vụ logistic và vận chuyển, yếu tố hạ tầng của VN chưa đáp ứng nổi do thiếu sự kết nối đồng bộ. Trong khi đó chúng tôi gặp nhiều yêu cầu nhiêu khê trong thủ tục hải quan, thủ tục trùng lắp và đòi hỏi giấy tờ quá nhiều. Vấn đề lao động cũng tồn tại nhiều trở ngại như: hạn chế sử dụng lao động ngoài giờ, vấn đề lương cơ bản thay đổi giữa năm cũng làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc quản lý, lập kế hoạch kinh doanh. Ngoài ra còn có khó khăn về tình trạng hối lộ, tham nhũng...” - ông Yamaguchi Kimio liệt kê.
Theo ông Paik In Ki - trưởng ban hỗ trợ kinh doanh Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc, năm 2013 với việc sửa đổi Luật lao động cũng làm nhiều nhà đầu tư gặp khó khăn, một số quy định của Luật môi trường khiến các nhà đầu tư tạm ngưng hoặc thu hẹp dự án. Tiếp lời, bà Nicola Connolly - phó chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) tại VN - nói: “Hầu hết doanh nghiệp đều phản ảnh khi tuyển dụng lao động đều phải đào tạo lại, hiệu suất lao động không cao, trong khi đó VN lại ràng buộc giờ làm thêm không quá 200 giờ/năm (trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ)...”.
Trước các ý kiến của nhà đầu tư, ông Đỗ Nhất Hoàng - cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ kế hoạch - đầu tư) - cho rằng cũng đã nhận được nhiều ý kiến về vấn đề làm thêm giờ của người lao động vì có những ngành nghề làm theo mùa, và người lao động cũng mong muốn làm thêm để tăng thu nhập. Bản thân Bộ Kế hoạch - đầu tư cũng đã trao đổi với Bộ Lao động - thương binh và xã hội, và nơi này lập luận những quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động, giúp họ có thời gian tái tạo sức lao động. “Với tình hình hiện nay, chúng tôi cũng đã đề xuất nên có thêm phương án nữa ngoài quy định 300 giờ hiện nay” - ông Hoàng cho biết.
Cải thiện chính sách
Ông Lê Mạnh Hà cho biết về nguyên tắc, hiện nay UBND các tỉnh thành có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng nếu dự án kinh doanh có điều kiện thì trong quá trình thẩm tra, địa phương phải tham khảo ý kiến bộ ngành, nếu được đồng ý TP mới cấp. “Mặc dù quyền cấp của chúng tôi nhưng các bộ ngành không đồng ý thì dự án cũng khó được cấp. Điều này cũng như giấy phép mẹ, giấy phép con. Khi chúng tôi ký là chúng tôi chịu trách nhiệm mà chúng tôi phải hỏi nữa thì coi như các bộ ký chứ không phải chúng tôi ký” - ông Hà nói.
Hiện nay để hạn chế thời gian và thủ tục cấp phép lâu, rườm rà, UBND TP.HCM đã linh hoạt khi thẩm tra, tự chia ra ba trường hợp. Thứ nhất, đối với những dự án đơn giản và đã có tiền lệ thì khi trình bộ ngành được hỏi không trả lời TP sẽ chủ động tự cấp. Thứ hai là những dự án đã quá bình thường, tức đã cấp nhiều lần rồi thì không hỏi nữa hoặc hỏi mà không chờ bộ trả lời. Thứ ba là các dự án phức tạp liên quan đến yếu tố nhạy cảm buộc phải hỏi ý kiến các bộ ngành. Ngoài ra, theo ông Hà, để cải thiện môi trường thu hút đầu tư, TP đang đề xuất sửa đổi Luật đầu tư. Cụ thể, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư cũng được ứng xử như các doanh nghiệp trong nước chỉ cần đăng ký thành lập doanh nghiệp có pháp nhân trước, khi có dự án mới đăng ký chứng nhận đầu tư. Việc này sẽ tinh giản thủ tục và thời gian cho nhà đầu tư.
Theo ông Mark Gillin - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ (AmCham) tại VN, các vấn đề mà nhà đầu tư đưa ra tại buổi đối thoại không chỉ tập trung nội dung nó như thế nào mà mong muốn cải thiện hơn quá trình thực hiện để làm sao các doanh nghiệp nước ngoài có thể nắm bắt được chính sách của Nhà nước và có ứng xử kịp thời. “Mức lương tối thiểu, thời gian nghỉ thai sản hay vấn đề làm thêm giờ của người lao động... nếu như doanh nghiệp nước ngoài được cùng bàn thảo từ khi lấy ý kiến thì họ sẽ dễ dàng chấp nhận hơn” - ông Mark Gillin nói.
Ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết hiện nay đã có những nhóm đề xuất lên Chính phủ nhằm cải thiện môi trường đầu tư. Tuy nhiên với các nhóm giải pháp này phải có những thay đổi lớn về hệ thống luật đầu tư nên cần thời gian và lộ trình cụ thể. “Theo nghiên cứu của chúng tôi, vào năm 2014 thế giới sẽ có khoảng 1.600 tỉ USD và 2015 có khoảng 1.800 tỉ USD luân chuyển từ kênh đầu tư ra nước ngoài. Đặc biệt trong đó có dòng vốn đầu tư đang hướng vào châu Á mạnh nhất là các nước ASEAN, trong đó có VN. Hiện chúng tôi đang có điều tra so sánh chính sách đầu tư của VN với năm quốc gia khác trong khu vực để có cơ sở điều chỉnh chính sách và sửa Luật đầu tư trong thời gian sắp tới...
* Bà Nicola Connolly (phó chủ tịch EuroCham tại VN): Mất dần tính cạnh tranh So với hội nghị năm ngoái, chất lượng hội nghị năm nay tốt hơn hẳn. Tôi đánh giá cao những câu trả lời thẳng thắn từ phía lãnh đạo. Nhưng nhìn sang các nước xung quanh trong khu vực ASEAN, tình hình cải thiện môi trường đầu tư của nhiều nước cũng đang tốt lên khiến một số doanh nghiệp trong hội tính tới việc di dời nhà máy đến các nước khác. Ở đây cho thấy VN đang mất dần tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút dự án mới. VN như đang đứng giữa ngã ba đường trong vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài, nếu VN không định hướng được thì sẽ mất dần ưu thế. * Ông Herb Cochran (giám đốc điều hành AmCham): Thiếu lao động tay nghề cao Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp của chúng tôi đã gặp sự cố mất điện tới bốn lần, dẫn đến ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất vì những tai nạn khách quan như sự cố cần cẩu làm đứt hệ thống điện toàn miền Nam. Chúng tôi đề nghị TP phải có hành động lập tức để giải quyết vấn đề mất điện vì điều đó gây tổn thất lớn cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao. Thứ hai, việc thiếu một lực lượng lao động có tay nghề cao đã làm doanh nghiệp VN khó khăn để nâng lên, tham gia vào chuỗi giá trị cao hơn ngay cả khi chi phí lao động tiếp tục tăng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận