Cơ quan Hàng không vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA) thông báo tàu thăm dò thuộc sứ mệnh Hằng Nga 6 đã hạ cánh thành công xuống khu vực bồn địa Nam Cực - Aitken (SPA) của Mặt trăng vào sáng 2-6.
Tân Hoa xã cho biết tàu thăm dò sẽ bắt đầu hành trình thu thập những mẫu vật nằm ở vùng tối của Mặt trăng.
Sứ mệnh 53 ngày
Các nhà nghiên cứu trên thế giới tin rằng các mẫu vật ở khu vực SPA có thể chứa manh mối về lịch sử và quá trình hình thành ban đầu của Mặt trăng.
Trong khi đó, một số chuyên gia khác dự đoán những mẫu vật do sứ mệnh Hằng Nga 6 mang về sắp tới là chìa khóa mở "chiếc hộp Pandora" về nguồn gốc của cả Mặt trăng, Mặt trời và Trái đất.
Giới chuyên gia nhận xét bản thân sứ mệnh Hằng Nga 6 đã cung cấp hàng loạt dữ liệu quan trọng và thực tiễn về mặt kỹ thuật, giúp thúc đẩy tham vọng chinh phục Mặt trăng của Trung Quốc.
Mặt trăng là vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái đất có chu kỳ tự quay quanh trục của nó bằng đúng một vòng nó quay quanh Trái đất. Vì thế, chỉ có một mặt của Mặt trăng hướng về phía Trái đất. Mặt còn lại được gọi là vùng tối của Mặt trăng và nơi này có vô số lòng chảo sâu và tối tăm.
Tàu Hằng Nga 6 sẽ thực hiện sứ mệnh phức tạp kéo dài 53 ngày kể từ khi nó cất cánh từ Trái đất vào hôm 3-5.
Con tàu này sẽ cố gắng lấy một số mẫu đất và đá ở vùng tối của Mặt trăng để mang về Trái đất phục vụ cho công việc nghiên cứu. Đồng thời, Hằng Nga 6 vẫn sẽ nỗ lực thực hiện một số thí nghiệm ngay trên Mặt trăng.
"Sứ mệnh Hằng Nga 6 là sứ mệnh lấy mẫu và trở về đầu tiên của con người từ vùng tối của Mặt trăng. Nó liên quan đến nhiều cải tiến kỹ thuật, rủi ro cao và khó khăn lớn", CNSA tuyên bố.
Theo chuyên trang về khoa học vũ trụ Space (Mỹ), việc quan sát và giữ liên lạc với các tàu vũ trụ nằm ở vùng tối của Mặt trăng - khu vực mà mọi hiểu biết của nhân loại còn tương đối hạn hẹp, là vô cùng thử thách.
Để thực hiện được nhiệm vụ quan sát và duy trì liên lạc với tàu vũ trụ ở vùng tối, các nhà khoa học phải sử dụng thêm một số thiết bị hỗ trợ khác.
Trung Quốc đang lên kế hoạch thực hiện thêm hai nhiệm vụ nữa thuộc sứ mệnh Hằng Nga.
Năm 2030, Bắc Kinh dự kiến sẽ đưa phi hành gia lên Mặt trăng và tiến hành xây dựng cơ sở nghiên cứu ở khu vực Cực Nam - nơi nhiều nhà khoa học và nhà thiên văn học tin rằng nước dạng đá và các loại khoáng sản quý như titan tồn tại.
Cuộc đua khốc liệt
Đáng chú ý, sứ mệnh Hằng Nga 6 của Trung Quốc trùng với thời điểm Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đang triển khai chương trình Artemis 2 nhằm đưa tàu vũ trụ có người lái bay quanh Mặt trăng.
Các quan chức Mỹ nhận định cuộc chạy đua không gian mới đã bắt đầu.
Theo Đài CNN, nhiều quốc gia trên thế giới không ngừng nỗ lực mở rộng các chương trình khám phá Mặt trăng trong hàng chục thập niên qua.
Trọng tâm chính của cuộc đua đến Mặt trăng nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn tài nguyên tự nhiên quý hiếm, mở rộng khả năng khám phá không gian của nhân loại hay thậm chí phô diễn sự phát triển về trình độ kỹ thuật khoa học của chính mình.
Vào những năm 1960 - 1970, Mỹ và Liên Xô đã có màn so kè gay gắt trong cuộc đua không gian hoành tráng. Khi đó, cả hai bên đều thành công mang về những mẫu vật từ Mặt trăng.
Những năm gần đây, một số đối thủ đáng gờm khác trên đường đua không gian dần lộ diện như Ấn Độ và Nhật Bản.
Báo New York Times nhận định đường đua chinh phục không gian của nhân loại gần đây đã xuất hiện thêm một đối thủ mới là Trung Quốc.
Cũng theo tờ báo Mỹ, cuộc chạy đua không gian ở thế kỷ 21 không chỉ là cạnh tranh trong lĩnh vực khoa học mà còn là một cuộc cạnh tranh thương mại với sự mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn.
Các chuyên gia nhận định Trung Quốc cũng giống như Mỹ đều đặt những mục tiêu to lớn hơn đối với "chị Hằng". Trong số đó là kế hoạch thiết lập một khu căn cứ trên vệ tinh này để tiến hành khai thác những nguồn tài nguyên tiềm năng, đồng thời biến Mặt trăng thành "bệ phóng" cho những sứ mệnh không gian đầy tham vọng trong tương lai.
"Chúng tôi sẽ hình thành không gian Cislunar - khu vực nằm giữa Trái đất và Mặt trăng, và chính nơi này sẽ trở thành vùng rộng lớn giúp mở rộng không gian sinh sống của loài người" - trung tướng Trương Dục Lâm, cựu phó chủ nhiệm Bộ Phát triển trang bị Quân ủy Trung ương Trung Quốc, trả lời tờ Nhật báo Nhân Dân hồi năm 2019.
Một quan chức cấp cao khác làm việc trong chương trình khám phá không gian của Trung Quốc từng tiết lộ ý tưởng biến không gian Cislunar thành một đặc khu kinh tế, mang lại 10.000 tỉ USD cho nền kinh tế của đất nước tỉ dân.
Những lần Trung Quốc thăm "chị Hằng"
Trong khi cuộc đua đến Mặt trăng của Mỹ và Liên Xô bùng nổ từ những năm 1960 thì đến cuối tháng 10-2007, Trung Quốc mới phóng tàu vũ trụ đầu tiên của chương trình khám phá Mặt trăng Hằng Nga 1.
Ngày 14-12-2013, tàu tự hành Thỏ Ngọc thuộc sứ mệnh khám phá Mặt trăng Hằng Nga 3 đáp thành công xuống Mặt trăng. Đây là con tàu đầu tiên của đất nước tỉ dân hạ cánh xuống Mặt trăng và là con tàu vũ trụ đầu tiên trong vòng 37 năm đến Mặt trăng kể từ khi Liên Xô phóng tàu Luna 24 lên vệ tinh này vào năm 1976.
Đến tháng 1-2019, tàu Hằng Nga 4 hạ cánh xuống vùng tối của "chị Hằng". Sự kiện này đánh dấu bước tiến lớn của Bắc Kinh trên hành trình chinh phục không gian và cũng là sự kiện đánh dấu lần đầu tiên một tàu thăm dò của Trái đất đáp xuống vùng tối của Mặt trăng.
Một năm sau đó, tức năm 2020, tàu Hằng Nga 5 đến Mặt trăng và lấy một vài mẫu đất đá mang về Trái đất. Đây chính là lần đầu tiên sau 44 năm con người mang về Trái đất mẫu vật từ vùng tối của Mặt trăng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận