Nhiều bạn trẻ ngồi bên nhau nhưng chỉ chăm chú vào... màn hình điện thoại - Ảnh: QUANG ĐỊNH
TS Brian McCauley (giảng viên Trường ĐH RMIT VN):
Giới hạn thời gian vào mạng của trẻ nhỏ
Nhìn chung, rất khó để giúp một người thoát khỏi việc nghiện một thứ gì đó. Tuy nhiên, ít nhất các bậc phụ huynh có thể giới hạn thời gian con em mình sử dụng các thiết bị điện tử, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ.
Trẻ nên được khuyến khích tham gia các hoạt động giúp ích cho sức khỏe. Việc dùng smartphone hoặc các thiết bị khác để truy cập Facebook chỉ nên là phần thưởng, chứ không phải là việc làm quen thuộc mà trẻ nghĩ đến đầu tiên.
Còn với thanh thiếu niên, điều này khó khăn hơn vì ở độ tuổi này, các bạn trẻ đã sở hữu và biết cách sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử của riêng mình. Nỗ lực tách con cái khỏi các thiết bị này chỉ gây ra những vụ tranh cãi không cần thiết.
Vì vậy, nên áp dụng một số quy tắc đơn giản, ví dụ không dùng điện thoại trong thời gian gia đình tập trung ăn uống, hoặc trẻ vị thành niên phải để điện thoại ở nơi khác trước khi đi ngủ. Ngoài ra, các trường học cần đầu tư nhiều hơn vào việc giảng dạy và giáo dục về việc sử dụng mạng xã hội.
Theo dữ liệu thống kê, có đến 60% người Mỹ chia sẻ các đường dẫn chỉ vì dòng tít có vẻ hấp dẫn, trong khi họ hoàn toàn không đọc nội dung bài báo. Người ta có xu hướng chia sẻ các thông tin gây sốc hoặc tiêu cực và điều này ngày càng trở nên phổ biến.
Nhiều năm trước, giáo sư truyền thông George Gerbner đã miêu tả khái niệm "Mean world syndrome" (tạm dịch: Hội chứng thế giới xấu xa) nói về nội dung các chương trình truyền hình. Theo đó, càng theo dõi nhiều thông tin về giết người, bạo lực, chúng ta càng nghĩ rằng thế giới này là một nơi thật tồi tệ.
Khái niệm này cũng có thể được áp dụng với việc đọc nội dung trên mạng xã hội, nhưng khác ở chỗ người sử dụng mạng xã hội hoàn toàn có thể thay đổi tình thế bằng cách chia sẻ những câu chuyện tích cực.
Khi bạn bè và các mối quan hệ khác trên mạng xã hội của chúng ta đọc được càng nhiều thông tin tốt đẹp xảy ra trên thế giới, họ sẽ càng cảm thấy hạnh phúc hơn. Điều này cũng có nghĩa là mỗi chúng ta đều có trách nhiệm trong việc biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn.
Một điều khác mà người dùng có thể kiểm soát chính là các thông tin hiện lên trên trang chủ của mình. Hãy ngừng theo dõi hoặc thậm chí hủy kết bạn với những người hoặc các trang thường xuyên đăng tải những chuyện tiêu cực. Thay vào đó, hãy kết bạn hoặc theo dõi những trang hoặc người bạn thường chia sẻ những câu chuyện đẹp...
Ông Ray Kuschert (người Úc):
Có rất nhiều điều tuyệt vời xảy ra trên mạng xã hội
Tôi dùng mạng xã hội mỗi giờ. Phải nói rằng đó là thứ gây nghiện đối với tôi vì tôi thấy cần thiết cho việc liên lạc với gia đình mình ở Úc, là phương tiện cho công việc và phương tiện giao tiếp của tôi với học trò. Tuy nhiên, thậm chí cả những lúc không có các nhu cầu trên, tôi vẫn lên mạng xã hội mà không có lý do gì cả...
Thường xuyên sử dụng mạng xã hội, tôi thấy có một thực tế đáng buồn là ở đó người ta có thể ẩn danh và đưa ra những bình luận rất kinh khủng. Vài năm trước, người mẫu nổi tiếng của Úc Charlotte Dawson đã tự tử sau khi bị công kích liên tục và lâu dài bởi những người ẩn danh trên mạng. Theo tôi, việc ẩn danh trên mạng nên chấm dứt bằng cách buộc mọi người phải đăng nhập bằng số căn cước để có được tài khoản...
Tuy nhiên, không thể phủ nhận mạng xã hội có những lợi ích to lớn cho cộng đồng. Cá nhân tôi, thông qua mạng xã hội, đã liên lạc được với những người bạn học và đồng nghiệp mà mình đã không gặp trong 30 năm qua. Thêm nữa là thông qua mạng xã hội, chúng ta có thể tìm được những người có chung sở thích với mình. Tôi là người thích chạy bộ và là thành viên một nhóm những người thích chạy bộ ở Việt Nam trên mạng.
Có rất nhiều điều tuyệt vời nữa xảy ra trên mạng xã hội. Tôi đã thấy ở TP.HCM, thông qua mạng xã hội, cộng đồng người nước ngoài giúp đỡ những người khác gặp rắc rối. Hoặc thông qua mạng xã hội, với tư cách cá nhân, tôi có thể quyên tiền từ Úc, Mỹ và trên toàn thế giới cho các hoạt động từ thiện ở địa phương mình đang sống.
Ông Bill Harany (người Canada):
Chia sẻ tin tốt để cân bằng cuộc sống
Tôi nghĩ người dùng mạng xã hội nên chia sẻ nhiều thông tin tích cực hơn. Ngày nay, hầu hết những gì người ta gọi là tin tức đều là về chuyện xấu như chiến tranh, tội phạm, thiên tai... nên chúng ta cần chia sẻ nhiều tin tức tốt hơn để cân bằng cuộc sống của mình.
Tôi từng làm việc cho một tờ báo nhiều năm trước và tôi cho rằng tin xấu dễ viết hơn vì bạn chỉ cần trả lời được năm câu hỏi: "Ai, cái gì, ở đâu, khi nào, tại sao" thì bạn đã có tin về một sự kiện rồi. Còn những tin tốt hay tích cực thì khó viết hơn vì bạn phải vất vả hơn trong thể hiện để có thể khiến người đọc cảm thấy thú vị nhưng lại không quá sến súa...
Để sử dụng mạng xã hội một cách tích cực, tôi nghĩ chúng ta nên nhớ những quy tắc ứng xử chung như không chửi thề, không phát biểu thù hằn với người khác, không bình luận phân biệt giới tính, không nói chuyện bạo lực và không công kích cá nhân. Tôi nghĩ hầu hết các mạng xã hội đều có các quy tắc nói trên, nhưng họ thường để quản trị trang quản lý và không phải lúc nào đội ngũ quản trị trang cũng làm tốt chuyện này.
Cô Rita Rasimaite (người Lithuania):
Xấu hay tốt là do cách nhìn nhận sự việc
Ngày nay, rất nhiều người mất quá nhiều thời gian để lướt mạng xã hội. Thật đáng buồn khi mọi người đi chơi với nhau nhưng ai cũng dán mắt vào điện thoại của mình. Tôi không phải là ngoại lệ nên nghĩ chúng ta cần phải học cách kiểm soát việc sử dụng mạng xã hội vì mọi chuyện đang đi quá xa rồi! Tôi biết có người ở trên mạng xã hội cả ngày vì họ không kiểm soát được bản thân trong việc này.
Theo tôi, nhiều người mê mạng xã hội vì cuộc sống trên đó thú vị hơn ngoài đời thực. Trên mạng, bạn có thể là bất cứ ai mình muốn, có thể cho người ta thấy cuộc sống của bạn theo cách bạn muốn. Nhiều người trên mạng thường hay so sánh bản thân với người khác. Điều này vừa tốt vừa xấu.
Ví dụ như thấy bạn bè của mình có cuộc sống quá tốt, bạn nhìn lại bản thân mình và thấy chán chường, điều này là xấu. Tuy nhiên, nếu bạn nhìn người khác sống tốt và tìm thấy động lực cho mình, cảm hứng cho mình thì lại rất tốt. Ví dụ như khi tôi thấy bạn bè mình đăng hình chạy marathon và tôi muốn được như vậy - đây là điều tốt cho bản thân tôi nhờ có cảm hứng từ cuộc sống của bạn bè.
Như vậy, tác động từ mạng xã hội có thể là xấu hoặc tốt tùy theo cách mình nhìn nhận sự việc trên mạng.
Quan hệ trong đời thực tốt hơn trên mạng xã hội
Facebook theo dõi toàn bộ dữ liệu của bạn và họ có thể bán cho những công ty quảng cáo. Nhiều sinh viên năm nhất của tôi đã bị sốc khi tôi chỉ cho họ thấy rằng việc quảng cáo một sản phẩm dễ dàng đến mức nào.
Vì vậy, chúng ta cần tăng cường giáo dục để giúp các bạn trẻ ý thức về việc họ đã tiết lộ bao nhiêu thông tin cá nhân và những mối nguy tiềm tàng khi chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội.
Chúng ta cũng cần dạy cho các bạn trẻ hiểu rằng những gì họ thấy trên Facebook chưa hẳn là thực, và cuộc sống của những người khác chưa chắc đã tốt hơn mình. Tôi mong các bạn trẻ nhận ra rằng những mối quan hệ và bạn bè trong đời thực luôn quan trọng và tốt hơn là trên mạng xã hội.
Brian McCauley
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận