22/04/2018 10:03 GMT+7

Sự cố chạy thận ở Hòa Bình: Bác sĩ có phải chịu trách nhiệm?

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Bác sĩ Hoàng Công Lương vừa gửi thư cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày về vụ sự cố chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình. Bác sĩ Lương khẳng định ông làm tròn trách nhiệm của mình.

Sự cố chạy thận ở Hòa Bình: Bác sĩ có phải chịu trách nhiệm? - Ảnh 1.

Bác sĩ Hoàng Công Lương (trái) và luật sư bảo vệ quyền lợi Nguyễn Văn Chiến - Ảnh: N.V.

Trong thư, bác sĩ Lương khẳng định ông làm tròn trách nhiệm trong ca chạy thận của mình, việc cơ quan chức năng khởi tố ông là hoàn toàn thiếu cơ sở.

Sau sự cố chạy thận ngày 29-5-2017 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình làm 8 người tử vong, có 3 người bị truy tố. Trong đó trường hợp bác sĩ Hoàng Công Lương (khoa hồi sức tích cực - đơn nguyên thận nhân tạo) đang được dư luận quan tâm bởi nhiều ý kiến cho rằng việc truy tố bác sĩ này là hoàn toàn thiếu thuyết phục.

Không xét nghiệm chất lượng nước

Sự việc bắt nguồn ngày 20-4-2017, điều dưỡng của khoa Hồi sức tích cực - đơn nguyên thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình phát hiện hệ thống lọc nước bị hỏng nên gọi điện báo cho Trần Văn Sơn (cán bộ phòng vật tư, trang thiết bị y tế). 

Bệnh viện liền ký hợp đồng với một công ty dược phẩm để cung cấp vật tư sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 với trị giá gần 100 triệu đồng. Công ty dược phẩm này lại ký tiếp hợp đồng với Bùi Mạnh Quốc (giám đốc Công ty Trâm Anh) với giá hơn 70 triệu đồng để Quốc trực tiếp sửa chữa.

Cáo trạng thể hiện ngày 28-5-2017, Quốc sử dụng hỗn hợp axit flohydric (HF) và axit clohydric (HCL) để sục rửa các vỏ màng lọc. Đây là những loại hóa chất không có trong danh mục được dùng trong y tế. Do cẩu thả, Quốc để tồn dư một lượng lớn hóa chất trong hệ thống nước. 

Khi sửa chữa xong, Quốc gọi điện thoại báo với Trần Văn Sơn - người được giao trách nhiệm giám sát. Sơn gọi điện thoại cho điều dưỡng viên nói hệ thống sửa chữa xong.

Sáng 29-5, điều dưỡng khoa Hồi sức tích cực khởi động hệ thống lọc nước, thấy đồng hồ báo chỉ số an toàn. Bác sĩ Hoàng Công Lương phân công công việc, ra y lệnh tiến hành chạy thận và lọc máu cho bệnh nhân. 18 bệnh nhân được lọc máu trong buổi sáng có biểu hiện nôn, ngứa, chóng mặt... Sau đó có 8 bệnh nhân tử vong.

Vụ việc xảy ra, Bùi Mạnh Quốc bị khởi tố về tội vô ý làm chết người. Trần Văn Sơn bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. 

Riêng bác sĩ Hoàng Công Lương bị khởi tố về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc các dịch vụ y tế khác. Đến tháng 11-2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình thay đổi tội danh đối với bác sĩ Lương, khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Viện KSND tỉnh Hòa Bình cáo buộc bác sĩ Hoàng Công Lương là người được đào tạo kỹ thuật lọc máu cơ bản, được trưởng khoa giao phụ trách chuyên môn, nên biết rõ nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng theo quy định. 

Nhưng vào ngày xảy ra sự việc, mới nghe điều dưỡng thông báo hệ thống nước RO sửa xong, có thể hoạt động bình thường, bác sĩ Lương không kiểm tra lại và không báo cáo với trưởng khoa theo chức trách, nhiệm vụ được giao mà vẫn cho hoạt động lọc máu. 

Bác sĩ Hoàng Công Lương bị bắt tạm giam 13 ngày, rồi được tại ngoại. Hiện nay bác sĩ Lương vẫn đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình trong thời gian chờ tòa xét xử.

Sự cố chạy thận ở Hòa Bình: Bác sĩ có phải chịu trách nhiệm? - Ảnh 2.

Bác sĩ Lương bị bắt giam 13 ngày - Ảnh: TL

Viện Khoa học hình sự Bộ Công an xác định nguyên nhân chết của 8 bệnh nhân đều do bị ngộ độc florua. 

Theo quy trình, để đảm bảo chất lượng nước trước khi đưa vào sử dụng chạy thận nhân tạo thì nhất thiết phải làm xét nghiệm để kiểm tra chất lượng nước có phù hợp với tiêu chuẩn hay không. Việc xét nghiệm tồn dư hóa chất khi súc rửa hệ thống lọc nước RO là bắt buộc. Việc này chưa được thực hiện trước khi tiến hành chạy thận cho 18 bệnh nhân.

Bác sĩ chỉ làm việc của người điều trị

Hội đồng chuyên môn Sở Y tế tỉnh Hòa Bình kết luận nguyên nhân gây tử vong cho người bệnh là do chất lượng nước chứ bác sĩ không có hành vi vi phạm pháp luật. Luật sư bào chữa cho bác sĩ Lương cũng cho rằng với sự cố xảy ra, bác sĩ Hoàng Công Lương chỉ thực hiện vai trò của người điều trị.

TS Nguyễn Huy Quang, vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế, phân tích: việc truy tố bác sĩ Lương tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng phải đáp ứng 4 yếu tố cấu thành tội phạm. Nhưng bác sĩ Lương không phải là người có chức vụ quyền hạn liên quan trực tiếp đến sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống nước RO số 2. Cho nên bác sĩ Lương không phải là chủ thể của tội danh này.

"Bác sĩ Lương được đào tạo để cấp cứu, điều trị, chăm sóc và phục hồi chức năng cho người bệnh. Bác sĩ không phải là người chịu trách nhiệm về vật tư y tế, sửa chữa máy móc. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, bác sĩ Lương được phân công chịu trách nhiệm về chuyên môn, cấp cứu khám chữa bệnh chứ không phải chịu trách nhiệm về bảo dưỡng máy móc. 

Chủ thể liên quan trực tiếp đến việc sửa chữa bảo dưỡng máy lọc nước là bị can Trần Văn Sơn chứ không phải bác sĩ Lương" - TS Nguyễn Huy Quang nhận định.

Trong thời gian qua, bác sĩ Lương giao nộp cho tòa một chứng cứ rất quan trọng. Đó là các biên bản bàn giao hệ thống lọc nước sau sửa chữa. 

Theo đó, tối 28-5-2017, Bùi Mạnh Quốc tiến hành lập biên bản bàn giao cho Trần Văn Sơn. Biên bản thể hiện rõ: sau khi thay thế các vật tư thì hệ thống ổn định khi tiến hành chạy thử, phía công ty dược phẩm chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng nước khi đưa hệ thống vào hoạt động.

Kiểm tra máy móc: không phải việc của bác sĩ

"Cáo trạng kết luận vào ngày xảy ra sự việc, bác sĩ Lương mới nghe báo cáo hệ thống lọc nước RO sửa chữa xong mà không kiểm tra lại và không báo cáo với trưởng khoa theo chức trách.

Tôi tự hỏi bác sĩ kiểm tra máy móc và chất lượng nước bằng cách nào khi không được đào tạo, không có máy móc và vật tư để kiểm tra. Việc kiểm tra chất lượng nước không thể nhìn, ngửi hay thử mà biết được.

Trong khi đó, việc bảo dưỡng sửa chữa máy lọc thận thì bệnh viện ký hợp đồng với một công ty. Công ty này lại ký hợp đồng với công ty khác. Tôi muốn có sự công bằng cho bác sĩ Hoàng Công Lương" - TS Nguyễn Huy Quang nói.

Trước đó, GS.TS Nguyễn Gia Bình - chủ tịch Hội Hồi sức - cấp cứu và chống độc Việt Nam, người trực tiếp tham gia cấp cứu cho các bệnh nhân từ khi vụ việc xảy ra - cũng có đơn kiến nghị gửi bộ trưởng Bộ Công an và các cơ quan tố tụng liên quan.

Tại đơn kiến nghị này, ông Nguyễn Gia Bình cho rằng việc cung cấp nguồn nước đảm bảo theo tiêu chuẩn lọc máu là trách nhiệm của bệnh viện, bác sĩ không có chuyên môn kỹ thuật và không được phân công làm việc này.

Bác sĩ Hoàng Công Lương khẳng định làm tròn trách nhiệm

"Tâm thư" của bác sĩ Hoàng Công Lương gửi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được các đồng nghiệp của anh đưa lên mạng xã hội từ tối 20-4. Tính đến thời điểm này, có hàng ngàn lượt chia sẻ bức thư.

Trong thư, bác sĩ Lương mong muốn được "giúp đỡ xem xét lại bản chất vụ án, đảm bảo xét xử minh bạch và công bằng đúng người đúng tội, không hàm oan người vô tội", đồng thời khẳng định trong bất kỳ hoàn cảnh nào, anh sẽ luôn là người thầy thuốc vì nhân dân.

Theo tâm thư của bác sĩ Lương, trong ca chạy thận ngày 29-5-2017, anh và các đồng nghiệp đã thực hiện đầy đủ nhiệm vụ chuyên môn trước khi chạy thận cho bệnh nhân.

Hiện giới y khoa nhiều nơi đang vận động chữ ký, đưa vào thư thỉnh nguyện gửi tới phiên tòa xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương sắp tới.

L.ANH


Bộ Y tế lên tiếng việc bác sĩ Hoàng Công Lương bị truy tố Bộ Y tế lên tiếng việc bác sĩ Hoàng Công Lương bị truy tố

TTO - Bộ Y tế cho rằng tội danh được đưa ra để truy tố bác sĩ Hoàng Công Lương chưa thật sự thuyết phục và đề nghị cơ quan bảo vệ pháp luật cân nhắc, xem xét các nguyên nhân khách quan, chủ quan, chủ thể, khách thể...

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên