18/01/2019 14:07 GMT+7

Hoàng Công Lương ký 4 y lệnh vì 'phải chia sẻ kinh nghiệm'

VŨ TUẤN - DANH TRỌNG
VŨ TUẤN - DANH TRỌNG

TTO - Phó trưởng khoa hồi sức tích cực BVĐK Hòa Bình trả lời tại phiên tòa về việc bị cáo Hoàng Công Lương ký duyệt y lệnh chạy thận của bác sĩ khác vào thời điểm xảy ra sự cố làm 9 người chết ở tỉnh này hồi tháng 5-2017.

Hoàng Công Lương ký 4 y lệnh vì phải chia sẻ kinh nghiệm - Ảnh 1.

Ông Hoàng Công Tình - phó trưởng khoa hồi sức tích cực BVĐK Hòa Bình (trái) - rời tòa ngày 18-1 - Ảnh: DANH TRỌNG

Trả lời thẩm vấn của luật sư với tư cách là người có nghĩa vụ liên quan, ông Hoàng Công Tình - phó trưởng khoa hồi sức tích cực BVĐK Hoà Bình - cho hay các bác sĩ Hoàng Công Lương, Phạm Thị Huyền và Nguyễn Mạnh Linh ở đơn nguyên lọc máu (nay là đơn nguyên chạy thận nhân tạo) thuộc khoa hồi sức tích cực có vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ như nhau.

Chữ ký của bị cáo Lương ký duyệt 4 y lệnh chạy thận cho bác sĩ Phạm Thị Huyền là "chia sẻ kinh nghiệm".

Cụ thể, ông Tình cho biết Hoàng Công Lương và các bác sĩ Phạm Thị Huyền, Nguyễn Mạnh Linh được phân công điều trị bệnh nhân tại đơn nguyên lọc máu. Bác sĩ Lương và các bác sĩ khác có chứng chỉ hành nghề có chức trách nhiệm vụ và được phép ra y lệnh lọc máu cho bệnh nhân như nhau.

Trước thời điểm xảy ra sự cố, có bác sĩ Lương, bác sĩ Huyền và bác sĩ Linh ở đơn nguyên lọc máu đều có quyền ra y lệnh.

Điều kiện của bác sĩ có quyền ra y lệnh lọc máu là phải có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa nội nói chung vì ĐH Y Hà Nội không đào tạo chuyên khoa như thận - tiết niệu mà chỉ đào tạo chung về chuyên khoa nội.

Ông Tình cho rằng bác sĩ Lương có tuổi đời, tuổi nghề cao hơn các bác sĩ khác. Trong ngành y, những ai có kinh nghiệm, có trình độ chuyên môn sâu hơn thì chia sẻ kinh nghiệm với các bác sĩ có kinh nghiệm, chuyên môn chưa sâu bằng.

Trả lời câu hỏi của luật sư tại sao trong đơn nguyên lọc máu, hai bác sĩ Hoàng Công Lương và bác sĩ Phạm Thị Huyền đều có quyền ra y lệnh lọc máu, nhưng bác sĩ Lương lại là người ký duyệt y lệnh lọc máu cho bác sĩ Huyền, ông Tình cho hay: Đối với điều trị chạy thận, các bác sĩ thường hội ý với nhau về chuyên môn trước khi ra y lệnh. 

Về quy định, bác sĩ Huyền không nhất thiết phải có chữ ký của bác sĩ Lương thì mới ra y lệnh. Thực tế, hai bác sĩ này đều có chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu và nội khoa.

Trong trường hợp này, bác sĩ Lương ký để chia sẻ chuyên môn vì bác sĩ Lương có tuổi nghề cao hơn, có kinh nghiệm nhiều hơn các bác sĩ còn lại. Vì thế các bác sĩ thường trao đổi với nhau rồi thống nhất phác đồ điều trị đó là đúng, có thể thực hiện được trong bối cảnh tình trạng thực tế của bệnh nhân.

Hoàng Công Lương ký 4 y lệnh vì phải chia sẻ kinh nghiệm - Ảnh 2.

Bị cáo Hoàng Công Lương rời tòa ngày 18-1 - Ảnh: DANH TRỌNG

Luật sư tiếp tục hỏi về trách nhiệm của bị cáo Hoàng Công Lương trong khi ký 4 y lệnh điều trị chạy thận so với bác sĩ khác cùng ca trực. Ông Hoàng Công Tình khẳng định mặc dù bác sĩ Lương là người ký duyệt, nhưng quyền và nghĩa vụ của các bác sĩ điều trị trong đơn nguyên chạy thận là như nhau.

Trong hồ sơ của cơ quan điều tra có quyết định do bị cáo Hoàng Đình Khiếu ký giao Hệ thống RO số 2 cho ông Hoàng Công Tình quản lý và sử dụng. Ông Tình khẳng định chỉ sau khi sự cố xảy ra khoảng 1 tháng, ông mới nhận được một bản photo của quyết định đó, đến bây giờ ông vẫn chưa nhìn thấy bản gốc có dấu đỏ.

"Tôi không được giao và toàn bộ nhân viên khoa hồi sức tích cực cũng như đơn nguyên chạy thận nhân tạo không ai biết việc này", ông Tình nói.

Ông Tình cho biết trong toàn bộ các lần bảo dưỡng, sửa chữa trước đó, không có một ngày nào phải dừng chạy thận để chờ kết quả xét nghiệm.

Luật sư đặt câu hỏi khi chưa có y lệnh của bác sĩ, điều dưỡng viên có được tiến hành các bước điều trị cho bệnh nhân hay không. Ông Tình cho hay: Để tiến hành 1 quy trình chạy thận chu kỳ phải kết nối rất nhiều bước và nhiều bộ phận. 

Bộ phận điều dưỡng phải chuẩn bị khởi động hệ thống nước RO, quan sát đồng hồ đo độ dẫn điện trong giới hạn an toàn. Sau đó rửa máy chạy thận, test máy chạy thận. Tất các các bước đều hoạt động tự động trên máy, nhân viên y tế không thể can thiệp để máy chạy nhanh hay chậm.

Luật sư hỏi ở bước cuối cùng, khi kết nối máy chạy thận với bệnh nhân, điều dưỡng có phải đợi y lệnh của bác sĩ hay không. Ông Tình nói khi các điều kiện của bệnh nhân được đảm bảo về mặt lâm sàng, các chỉ số của máy được đảm bảo thì điều dưỡng mới kết nối máy với bệnh nhân. 

Giải thích rõ hơn, ông Tình cho hay y lệnh của bác sĩ là y lệnh chung. Khi các điều kiện đã đảm bảo thì bác sĩ ra y lệnh, lúc đó điều dưỡng mới kết nối máy với bệnh nhân.

Phủ nhận bán thầu việc sửa chữa hệ thống nước RO vụ chạy thận Hòa Bình Phủ nhận bán thầu việc sửa chữa hệ thống nước RO vụ chạy thận Hòa Bình

TTO - Liên quan tới việc sửa chữa hệ thống nước RO số 2 dẫn đến sự cố chạy thận làm 9 người chết ở Hòa Bình, bị cáo Đỗ Anh Tuấn cho rằng phía công ty của bị cáo này 'không bán thầu'.

VŨ TUẤN - DANH TRỌNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên