16/01/2019 20:54 GMT+7

'Bác sĩ điều trị chỉ phải chịu trách nhiệm ra y lệnh chữa trị'

VŨ TUẤN - DANH TRỌNG
VŨ TUẤN - DANH TRỌNG

TTO - Lãnh đạo Sở Y tế Hòa Bình khẳng định như vậy tại phiên tòa xét xử vụ án sự cố chạy thận làm 9 người chết tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, chiều 16-1.

Bác sĩ điều trị chỉ phải chịu trách nhiệm ra y lệnh chữa trị - Ảnh 1.

Hoàng Công Lương tiếp tục giữ quyền im lặng vì "sức khỏe không đảm bảo" - Ảnh: DANH TRỌNG

Chiều 16-1, hội đồng xét xử (HĐXX) đã đề nghị bà Bùi Thu Hằng - phó giám đốc Sở Y tế Hòa Bình - trả lời các câu hỏi của HĐXX, viện kiểm sát và các luật sư.

"Trách nhiệm là của bệnh viện"

Theo luật sư, trong văn bản trả lời trước đó, Sở Y tế Hòa Bình xác định bác sĩ Lương không phải chịu trách nhiệm về nguồn nước RO, việc ra y lệnh và xác nhận của bác sĩ Lương vào y lệnh của hai bác sĩ còn lại cũng đúng. Bà Hằng cho rằng việc phân công nhiệm vụ của bác sĩ Lương bà không biết, đề nghị luật sư hỏi đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (BVĐK Hòa Bình).

Bác sĩ điều trị chỉ phải chịu trách nhiệm ra y lệnh chữa trị - Ảnh 2.

Phó giám đốc Sở Y tế Hòa Bình rời phiên tòa chiều tối 16-1 - Ảnh: DANH TRỌNG

Luật sư đề nghị bà Hằng xác định có hay không việc sai sót về chuyên môn của bác sĩ Lương trong khi xử lý sự cố ngày 29-5-2017.

Phó giám đốc Sở Y tế Hòa Bình khẳng định bác sĩ Lương và các bác sĩ khác thực hiện phù hợp với diễn biến của bệnh nhân đang chạy thận lọc máu, không sai về quy trình. Còn các vấn đề khác có đúng quy trình hay không còn phụ thuộc vào phân công của lãnh đạo bệnh viện.

"Bác sĩ điều trị chỉ phải chịu trách nhiệm ra y lệnh chữa trị. Ngoài ra, điều dưỡng cũng phải kiểm tra nguồn nước. Tuy nhiên triển khai như thế nào do bệnh viện phân công", bà Hằng nói.

Bà Hằng cho rằng việc BVĐK Hòa Bình đưa hệ thống lọc nước RO số 2 vào sử dụng ngay sau khi sửa chữa mà chưa có kết quả xét nghiệm AAMI thì "tùy theo bệnh viện có cần hay không", vì đây là tiêu chuẩn của Mỹ. Việc xét nghiệm cần từ 10-14 ngày nên không bệnh viện nào có thể chờ được. 

Đại diện viện kiểm sát hỏi về trách nhiệm của Sở Y tế trong sự cố chạy thận làm 9 người chết, bà Hằng cho biết "trách nhiệm là của bệnh viện, không thể nói trách nhiệm của Sở Y tế được".

Bà Hằng cho hay hằng năm sở đều có văn bản tổng kết, đánh giá việc thực hiện các kỹ thuật, trong đó có kỹ thuật chạy thận nhân tạo của BVĐK Hòa Bình. Trong quá trình đánh giá, thống kê, nhận thấy trong vòng một năm có hơn 15.000 người phải chạy thận. Vì vậy, việc thành lập Đơn nguyên thận nhân tạo là điều dễ hiểu. 

"Thử tưởng tượng, số người này phải xuống Bệnh viện Bạch Mai chạy thận thì tốn kém đến mức nào", bà Hằng nói.

HĐXX hỏi quan điểm của Sở Y tế về việc bệnh viện đánh giá ban đầu là bệnh nhân sốc phản vệ, không phải do nguồn nước, dẫn đến việc cấp cứu sai quy trình, gây ra sự cố nghiêm trọng. Bà Hằng cho hay việc đánh giá, chẩn đoán ngay thời điểm đó rất khó. Bệnh viện cũng đã xin ý kiến tư vấn của Bệnh viện Bạch Mai để kịp thời cứu chữa các bệnh nhân lọc máu. 

"Với tình huống hy hữu như vậy, việc xử trí ban đầu là phù hợp với điều kiện và diễn biến của người bệnh. Triệu chứng ban đầu cũng là một triệu chứng của sốc phản vệ. Thời điểm đó, chúng tôi cũng không dám nói nguyên nhân gây ra sự cố là gì, chỉ khi hội đồng chuyên môn là những giáo sư, bác sĩ giỏi của Bệnh viện Bạch Mai kết luận thì mới rõ. 

Sự cố này là một thảm họa, không thể đòi hỏi phác đồ nào hợp lý hơn. Tôi khẳng định rằng phác đồ này không làm cho tình trạng bệnh nhân xấu đi", bà Hằng trình bày.

Bác sĩ Lương im lặng cả với luật sư

Luật sư Hoàng Ngọc Biên, người bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương, đề nghị đặt câu hỏi cho chính thân chủ của mình. Tuy nhiên, bác sĩ Lương xin được tiếp tục giữ quyền im lặng như đã có đơn gửi HĐXX từ sáng do bị cáo này cảm thấy sức khỏe chưa đảm bảo.

Các bị cáo Trần Văn Sơn - nguyên kỹ thuật viên bảo dưỡng thiết bị Đơn nguyên lọc máu và bị cáo Trần Văn Thắng - nguyên trưởng phòng vật tư thiết bị y tế BVĐK Hòa Bình - tiếp tục đổ lỗi cho nhau.

Bị cáo Thắng cho rằng theo quy chế của bệnh viện, khi nhận được đề xuất của các khoa hoặc khi thấy cần sửa chữa, bảo dưỡng mà vượt quá thẩm quyền thì phòng vật tư thiết bị y tế sẽ lập biên bản đánh giá tình trạng hỏng hóc, liên hệ với nhà sản xuất, cung cấp thiết bị khảo sát, đưa ra nội dung chi tiết cần sửa chữa.

Theo quy chế nội bộ, phòng vật tư thiết bị y tế phối hợp cùng phòng tài chính kế toán lấy báo giá. Trên thực tế phòng vật tư thiết bị y tế giao cho từng cán bộ kỹ thuật phụ trách từng khoa trực tiếp lập biên bản thiết bị hỏng hóc và liên hệ nhà cung cấp đưa ra chi tiết. Sau khi được duyệt về chủ trương sẽ lấy báo giá của các đơn vị về giao lại cho phòng tài chính kế toán để thực hiện các thủ tục tiếp theo. 

"Riêng việc sửa chữa hệ thống RO số 2 thuộc nhiệm vụ của Trần Văn Sơn, Sơn trực tiếp quản lý thiết bị tại Đơn nguyên thận nhân tạo" - bị cáo Thắng nói.

Bác sĩ điều trị chỉ phải chịu trách nhiệm ra y lệnh chữa trị - Ảnh 3.

Bị cáo Trần Văn Thắng - nguyên trưởng phòng vật tư thiết bị y tế BVĐK Hòa Bình - Ảnh: DANH TRỌNG

Về trách nhiệm giám sát việc sửa chữa hệ thống nước RO số 2, bị cáo Trần Văn Sơn cho rằng vì vào ngày nghỉ và bị cáo đang theo học lớp tại chức ở Bệnh viện Bạch Mai nên không có mặt ở bệnh viện. Việc cử người khác thay thế công việc giám sát do lãnh đạo phòng phân công, bị cáo không biết.

Trong khi đó, bị cáo Trần Văn Thắng nói bị cáo Sơn theo học hệ vừa học vừa làm, nhưng đang trong thời gian làm đồ án chuẩn bị tốt nghiệp nên vẫn bố trí được thời gian, vì vậy không phân công người thay thế. 

"Sơn đi học theo lớp vừa học vừa làm nên không có gì thay đổi, Sơn chỉ đi học vào tối thứ sáu, các ngày thứ bảy và chủ nhật nên không làm ảnh hưởng đến công việc của Sơn tại phòng và Sơn vẫn đảm nhiệm công việc" - Thắng trình bày.

Bị cáo Đỗ Anh Tuấn - giám đốc Công ty Thiên Sơn - cho rằng công ty không có trách nhiệm phải cử kỹ thuật viên giám sát, vận hành hệ thống lọc nước RO mà chỉ có trách nhiệm đối với máy chạy thận. Vì thế việc thông báo, yêu cầu sửa chữa khi có sự cố của hệ thống lọc nước là trách nhiệm của BVĐK Hòa Bình.

"Khi sự cố xảy ra ngày 29-5-2017, Quốc là người báo cho tôi. Bình thường khi có sự cố xảy ra liên quan đến máy móc thì kỹ sư của bệnh viện sẽ gọi điện cho công ty. Việc theo dõi này là theo dõi đối với máy chạy thận, không bao gồm hệ thống RO", Sơn khai. 

Ông Trương Quý Dương mong xét xử Ông Trương Quý Dương mong xét xử 'có tình' cho bác sĩ Lương

TTO - Bị cáo Trương Quý Dương nói giữa bị cáo với bác sĩ Hoàng Công Lương "tình như chú cháu, nghĩa như thầy trò" và mong HĐXX cân nhắc, xét xử "có tình".

VŨ TUẤN - DANH TRỌNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên