17/04/2023 08:04 GMT+7

Start-up Việt ở Phần Lan: 'Tôi muốn cạnh tranh sòng phẳng'

Rào cản ngôn ngữ hạn chế tiếp cận thông tin - suy nghĩ ấy gợi mở Trần Ngọc Thái tìm lời giải với sản phẩm khởi nghiệp Hei.io, ứng dụng dịch tức thời sang 70 ngôn ngữ.

Trần Ngọc Thái (giữa) - nhà sáng lập Hei.io - top 10 start-up hàng đầu ở vườn ươm start-up Helsinki Incubators - Ảnh: NVCC

Trần Ngọc Thái (giữa) - nhà sáng lập Hei.io - top 10 start-up hàng đầu ở vườn ươm start-up Helsinki Incubators - Ảnh: NVCC

Anh bắt tay làm Hei.io năm 2021. Tháng 8-2022, Thái đưa gia đình đến Phần Lan vì muốn từ đây đẩy Hei.io vươn ra toàn cầu.

Nếu đã có ý tưởng và tin điều đó, hãy kiên trì, đừng bỏ cuộc giữa chừng mà tập trung nghiên cứu để cho ra một sản phẩm chất lượng.

TRẦN NGỌC THÁI

Thử sức ở một nước phương Tây

Thái là người sáng lập Voiz FM, ứng dụng sách nói có bản quyền và podcast với lượng người dùng thường xuyên hằng tháng đến gần 200.000. 

Với kinh nghiệm sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), huấn luyện AI đọc sách, anh rời vị trí CEO, tập trung phát triển ý tưởng về ứng dụng mới, giúp lồng tiếng hoặc tạo phụ đề cho video từ một ngôn ngữ sang các ngôn ngữ khác, hoặc dịch nội dung trao đổi tại cuộc họp, sự kiện sang ngôn ngữ khác.

Sau ba tháng, bản thử nghiệm Hei.io đầu tiên được Thái giới thiệu, có 9/10 nhà đầu tư trong giới công nghệ muốn đầu tư. Nhà đầu tư thiên thần đầu tiên là Peter Vesterbacka, cha đẻ của trò chơi Angry Birds, vốn có sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng khởi nghiệp

Vesterbacka thuyết phục Thái đưa gia đình sang Phần Lan để sống trong hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu thế giới. "Tôi muốn thử sức ở một quốc gia phương Tây, cạnh tranh sòng phẳng với các start-up khác" - Thái kể.

Và anh đến Phần Lan, nhận được sự hỗ trợ của chính phủ nước này cho lộ trình khởi nghiệp với khoản vốn 60.000 euro. Nếu chứng minh được sự cần thiết và giá trị, công ty có cơ hội nhận các khoản vốn tiếp theo 200.000 euro, 1 triệu euro, 5 triệu euro của chính phủ Phần Lan.

Các TP tại khu vực Helsinki có cố vấn làm việc trực tiếp với start-up. Người cố vấn này cùng phân tích kế hoạch, khó khăn vướng mắc để cùng công ty tìm cách giải quyết. Cần vốn, cố vấn hướng dẫn đến các quỹ phù hợp, thậm chí họ còn chỉ cho biết chỗ khi cần xoay tiền trả lương ngắn hạn.

Tăng trưởng nhanh

Các cố vấn của Hei.io - Ảnh chụp màn hình

Các cố vấn của Hei.io - Ảnh chụp màn hình

Hei.io hiện có khoảng 5.500 người mua là các công ty trong các lĩnh vực đào tạo, giải trí muốn chuyển ngữ các video có sẵn sang ngôn ngữ khác, các công ty sản xuất video và các YouTuber. Nếu chỉ dùng chức năng sẵn có trên website, giá 120 USD/năm. Nếu muốn có thiết lập riêng, người dùng lớn sẽ trả chi phí ban đầu 15.000 USD/năm để được AI huấn luyện về dữ liệu các từ chuyên ngành, đảm bảo đầu ra đạt độ chính xác gần như tuyệt đối.

Để chuyển ngữ một video từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, trước đây cần có người dịch, người lồng tiếng hoặc làm phụ đề. Hei.io cắt giảm hai khâu này. Trên website, khách hàng tải video cần dịch, chọn các tùy chọn mong muốn, sau đó nhận video đã được dịch, lồng tiếng và làm phụ đề sang ngôn ngữ mong muốn. Chưa kể có thể lồng tiếng, làm phụ đề sang 70 ngôn ngữ khác nhau và có thể chọn 250 kiểu giọng nói.

"Có thể nói chúng tôi đã thay đổi cuộc chơi trong lĩnh vực này. Công ty đã đạt doanh thu gần 500.000 USD sau 10 tháng ra mắt. Với tốc độ tăng trưởng này, đến 2027 chúng tôi sẽ đạt doanh thu hàng chục triệu USD và ít nhất 50% trong đó là lợi nhuận" - Thái hào hứng.

Start-up trên sân chơi quốc tế

Hei.io - ứng dụng dịch tức thời một ngôn ngữ sang 70 ngôn ngữ khác - Ảnh chụp màn hình

Hei.io - ứng dụng dịch tức thời một ngôn ngữ sang 70 ngôn ngữ khác - Ảnh chụp màn hình

Hei.io được Agoda, chính phủ bang Queensland (Úc), Liên Hiệp Quốc... sử dụng. Dự kiến tháng 5-2023, công ty sẽ gặp hai nhà đầu tư mạo hiểm và một trường đại học để kêu gọi khoản đầu tư 500.000 euro để phát triển thêm vài tính năng mới và mở rộng thị trường quốc tế. 

"Chúng tôi muốn phát triển nhanh hơn, vì giai đoạn xây dựng sản phẩm hầu như đã hoàn tất" - Thái nói.

Nhìn tốc độ tăng trưởng gần như hằng ngày, Thái nói thích nhưng khá căng thẳng, vì lúc nào cũng có khó khăn. Họ nhận quá nhiều yêu cầu của khách về những tính năng mới, báo cáo tính năng bị lỗi, đặt hàng... Rồi vừa giải quyết nhu cầu khách hàng vừa tuyển và trực tiếp hướng dẫn người mới, Thái nói không thể phân thân cùng lúc nhiều nơi. Anh thừa nhận còn nhiều thứ phải sắp xếp.

Nằm trong top 10 start-up của Helsinki Incubators, Thái cho biết có cơ hội để giới thiệu ứng dụng của mình với các công ty công nghệ lớn như Google, IBM. Và nhà sáng lập quê Quảng Ngãi ấy tự nhận sẽ cần nỗ lực nhiều để đến được những sự kiện này. 

Là người châu Á duy nhất giữa các nhà khởi nghiệp, nhà đầu tư phương Tây, anh nói khi cạnh tranh ở sân chơi quốc tế, mình không dở nhưng khá bất lợi vì thiếu môi trường mà tiếng Anh là bất lợi đầu tiên.

Thái nói học sinh ở Phần Lan lớp 7 - 8 đã phải đi thực tập, các kỹ năng thuyết trình, bán ý tưởng của các bạn cũng tốt hơn. Các công ty có trách nhiệm nhận và tạo điều kiện để học sinh vào thực tập. 

"Tính tự lập và tự chủ của các bạn rất cao, được xây dựng từ bé, nên thú thật tôi cũng khớp khi cạnh tranh trực tiếp với các bạn. Nhưng tôi quyết tâm rồi, có hạn chế thì mìnhcố gắng nhiều hơn. Tôi tin sự trải nghiệm, tự tin, bền bỉ sẽ mang lại chiến thắng" - Thái tâm sự.

Dù đã sang Phần Lan song đội ngũ phát triển sản phẩm, lập trình của Hei.io vẫn đặt ở Việt Nam. Anh nói mình tin vào trình độ của các tài năng người Việt. Nhiều công ty trong nước vẫn sử dụng ứng dụng của anh miễn phí để phát triển nội dung.

Anh nói chính sự kiên trì, bám chặt ý tưởng mà có thể đạt được những điều như hiện tại, bởi nhiều người nghe ý tưởng của anh đều nói không làm được. Nhưng Thái không bỏ cuộc, cứ kiên trì làm vì thích và tin vào ý tưởng của mình. 

"Tôi chưa từng nghĩ nhiều người sẽ mua ứng dụng và không có kế hoạch cho sự bùng nổ khách hàng cho đến ngày điều đó xảy ra. Tôi đã sẵn sàng để công ty tăng trưởng 100 lần" - Thái tự tin cho hay.

Hôm nay 17-4, chọn 20 start-up tiêu biểu

Hôm nay (17-4), hội đồng thẩm định Tuổi Trẻ Start-Up Award sẽ làm việc để chọn 20 start-up tiêu biểu, trong đó có một start-up đặc biệt trong các dự án, ý tưởng tham gia. Chiều cùng ngày sẽ có họp báo giới thiệu về chương trình.

Các start-up tiêu biểu sẽ nhận khoản hỗ trợ từ sự đồng hành của các đơn vị: VinaCapital, FE Credit, Ngân hàng ACB, Thái Bình Group, Volvo, IDICo, Tín Nghĩa Corp., Saigontourist Group, Sân Golf Thủ Đức... Suất hỗ trợ cho start-up đặc biệt trị giá 100 triệu đồng từ GIBC.

Dự kiến ngày 21-4, giải đấu thường niên Tuổi Trẻ Golf Tournament For Start-up diễn ra tại sân Golf Thủ Đức (phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức, TP.HCM). Gala trao giải cho golfer xuất sắc và chương trình giao lưu, kết nối cùng các start-up tiêu biểu vào tối cùng ngày.

Trong khi đó, talk show "Cảm hứng khởi nghiệp" có chủ đề "Trong khủng hoảng, tìm thấy cơ hội?" sẽ được tổ chức ngày 26-4 tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Nguyên Phó thủ tướng Đức gốc Việt Philipp Rösler - lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ - sẽ là một trong các diễn giả chính của chương trình này. Lễ vinh danh và trao hỗ trợ các start-up tiêu biểu cũng diễn ra tại đây.

Start-up Việt ở Phần Lan: 'Tôi muốn cạnh tranh sòng phẳng' - Ảnh 6.

Start-up kỳ cựu Hoàng Tuấn Anh: "Thất bại lại thêm kinh nghiệm vận hành, quản lý rủi ro"Start-up kỳ cựu Hoàng Tuấn Anh: 'Thất bại lại thêm kinh nghiệm vận hành, quản lý rủi ro'

Nổi tiếng với phát minh "ATM gạo" giúp người nghèo, Hoàng Tuấn Anh cho biết những lần trầy trật càng giúp anh có nhiều kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên