16/01/2015 14:55 GMT+7

​“Sống treo” ở cồn Nhất Trí

PHAN SÔNG NGÂN
PHAN SÔNG NGÂN

TT - Hàng loạt nhà của dân ở cồn Nhất Trí, bên cửa sông Cái ra vịnh Nha Trang, bị đánh sập sau một đợt sóng lớn.

Một góc khu nhà dân ở cồn Nhất Trí - nơi các nhà chồ vừa bị sóng đánh sập
Một góc khu nhà dân ở cồn Nhất Trí - nơi các nhà chồ vừa bị sóng đánh sập

Rất nhiều hộ dân ở đây phải chịu cảnh “sống treo” chờ giải tỏa bởi một dự án có “tuổi” hơn 10 năm. 

Cồn Nhất Trí thuộc khu vực Hà Ra, P.Vĩnh Phước, là một trong những khu dân cư xưa của TP Nha Trang. Dự án quy hoạch “chỉnh trang đô thị” xây dựng kè và đường hai bên bờ sông Cái được tỉnh Khánh Hòa giao cho Ban quản lý dự án các công trình trọng điểm làm chủ đầu tư.

Ông Huỳnh Kỳ Trầm, giám đốc ban quản lý, cho biết nếu giải tỏa toàn bộ cư dân ở cồn Nhất Trí để làm dự án thì số gia đình phải di dời, bố trí tái định cư lên tới khoảng 1.500 hộ...

Dự án làm dân cơ cực

Trong số nhà vừa bị sóng đánh sập có mấy nhà của cháu tui. Nhà ở mà sửa sang gì cũng không được, muốn làm chỗ đi vệ sinh họ cũng không cho. Giờ sắp đến tết rồi mà chưa thấy chỉ chỗ cấp đất để làm lại nhà như mấy ổng đã hứa
Bà HUỲNH THỊ KỶ (nhà 12 tổ 7, cồn Nhất Trí)

Sau gần 20 ngày xảy ra vụ sóng đánh sập cả chục nhà dân ở đội 6 và 7 (đêm 21-12-2014), nhiều phụ nữ tại đây còn nhắc lại nỗi “hết hồn, hết vía” bởi chưa bao giờ có nhiều nhà bị sập nhanh đến vậy. Số nhà bị sập phần lớn đều là nhà chồ. Đó là nhà được làm bằng đủ loại vật liệu gỗ, ván, tôn... trông cũ kỹ, hoen gỉ.

Mỗi nhà chồ có rất nhiều “chân” làm bằng các cọc gỗ, trụ ximăng giống các trụ rào, cắm sâu vào cát, đứng lêu nghêu chồm trên mặt sóng nước ven bờ cồn. Ở cồn Nhất Trí còn có rất nhiều “nhà không chân” cũng được cất bằng các loại vật liệu như kiểu vừa nêu.

Sau khi nhiều nhà dân bị sóng đánh sập, ông Nguyễn Khắc Hà - phó chủ tịch UBND TP Nha Trang - cho biết đã có chỉ đạo phường hỗ trợ, hướng dẫn dân chằng chống thêm nhiều nhà còn lại ở cồn Nhất Trí để tránh bị sập thêm, thiệt hại cho dân.

Theo ông Võ Thanh Sơn - bí thư P.Vĩnh Phước, những nhà đã bị sập nằm trong số 187 nhà tạm ở cồn Nhất Trí. Gọi là “nhà tạm” nhưng hầu hết đều có “tuổi thọ” hơn 10 năm trở lên. Số nhà tạm ấy đều nằm trong diện phải giải tỏa theo quy hoạch dự án làm kè và đường bờ sông Cái của tỉnh từ năm 2004.

Khi đã có quy hoạch làm dự án thì không những không cho xây thêm nhà mới mà cả với nhà dân đang sinh sống cũng “không xây dựng kiên cố được, chính vì thế bà con cũng chỉ xây dựng dạng tạm bợ thôi” - ông bí thư phường nói. 

Nhà tạm bợ mà suốt cả chục năm không được phép gia cố nên ngày càng xuống cấp, xập xệ... trước sóng gió quanh năm bên cửa biển. Vì thế không cần đến bão lũ mà chỉ một đợt sóng lớn cũng xô sập hàng loạt nhà dân đã mỏi mòn, rệu rã sau cả chục năm phải “giữ nguyên hiện trạng” chờ giải tỏa di dời.

Cái cảnh “sống treo” chờ giải tỏa ấy đã áp xuống cả khu dân cư cồn Nhất Trí. Ngay những nhà nằm sâu bên trong cồn của nhiều hộ dân đã sinh sống tại đây 40-50 năm trở lên cũng đều bị “treo”.

Ông Nguyễn Thôn (87 tuổi, ở đội 6, có nhà xây và định cư tại cồn Nhất Trí từ năm 1960) cho biết: “Dự án giải tỏa ở đây thì tui cũng chỉ có nghe qua chứ chưa thấy họ đo đạc, thông báo gì cụ thể. Nhưng bây giờ có bão tố, phong ba mình phải sửa chữa để có nhà ở thì phải báo cáo, xin phép họ có cho mới được làm, chớ không là họ xuống phá dỡ ngay”. 

Ông Phạm Y (48 tuổi) cũng nói: “Tui ở đây hai mươi mấy năm rồi. Cách đây bảy năm, bí chỗ ở quá tui xin phép xây cái nhà cấp bốn để ở tạm, mấy ông chính quyền bắt mình phải cam kết khi giải tỏa phải chấp nhận tự tháo dỡ, không được đòi bồi thường thì họ mới cho làm”.

Rất nhiều người dân ở cồn Nhất Trí đều kêu như ông Phạm Y, ông Thôn. Hơn 10 năm sống chờ một dự án “treo”, ở cồn Nhất Trí cư dân vẫn có các nhu cầu bình thường như bao người ở nơi khác nên vẫn phải sinh sôi...

Trong khi ấy việc đầu tư, xây dựng lại bị “khóa sổ”, siết chặt nên nơi “sống treo để chờ” của 1.500 hộ dân càng trở nên chật hẹp, bí bách... Một người dân nói: “Nhiều người cực khổ quá, có khi một đời chỉ sống được chừng 50 tuổi. Còn dự án đã khiến bà con tụi tui cơ cực tới hơn 10 năm. Vậy là một phần năm cuộc đời dân phải chịu cảnh “sống treo” rồi...”.

Người dân ở cồn Nhất Trí chuẩn bị ra biển mưu sinh - Ảnh: P.S.Ngân
Người dân ở cồn Nhất Trí chuẩn bị ra biển mưu sinh - Ảnh: P.S.Ngân

Dự án hơn 10 năm còn đang “chạy vốn”

Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa LÊ ĐỨC VINH:

Chưa biết thời gian cụ thể

Chiều 15-1, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh cho biết: “Về nguồn vốn đầu tư cho dự án thì có một nhà đầu tư muốn làm theo hình thức đầu tư BT, tức là họ sẽ xây dựng, lấy quỹ đất ở chỗ đó rồi họ xây dựng khu tái định cư, bố trí tái định cư.

Thực tế họ chỉ mới làm được quy hoạch chi tiết (vừa xong), đang khoanh vùng lại và tính toán phương án, xem ở khu vực cồn Nhất Trí thì sẽ bố trí như thế nào hay sẽ làm khu vực nào trước...

Vì vậy vẫn chưa có thời gian cụ thể đối với việc giải tỏa, bố trí tái định cư cho dân”.

Phóng viên Tuổi Trẻ đã đem những điều thắc mắc, kêu than và cả nguyện vọng của bà con ở cồn Nhất Trí để hỏi lại “mấy ông dự án”.

Ông Huỳnh Kỳ Trầm nói ngay: “Không, không giải quyết được. Vì dự án thì tỉnh chưa có tiền để làm, còn đất tái định cư hiện cũng không có nên... chịu chết thôi”.

Cái chính hiện nay, theo ông Trầm là “tỉnh đang chạy vốn, đang đi vay tiền” để làm dự án đó. Song “về vốn thì khả năng bây giờ chẳng ai cho, còn đi vay thì đến nay chưa vay được”.

Trong khi đó, để thực hiện dự án bồi thường giải tỏa, tái định cư; làm đường và kè sông Cái, chỉnh trang đô thị cả khu cồn Nhất Trí thì tổng vốn đầu tư lên đến mấy ngàn tỉ đồng. “Nếu tỉnh bỏ hết tiền ra để làm thì phải nói 20 năm nữa cũng chưa đủ tiền” - ông Trầm nói.

Nếu bố trí tái định cư tại chỗ cho 500 hộ thì dự án phải giải tỏa, xây khu tái định cư cho 1.000 hộ còn lại. Số vốn đầu tư tất cả theo phương án này để tái định cư, xây dựng kè, đường tại cồn Nhất Trí cũng mất khoảng 3.000 tỉ đồng. Vì vốn đầu tư quá lớn nên tỉnh phải kêu gọi doanh nghiệp cùng đầu tư.

Phương thức “cùng đầu tư” là làm kè và đường rồi giao phần đất bên trong cho nhà đầu tư khai thác, kinh doanh theo quy hoạch của tỉnh.

Theo ông Trầm, tổng vốn theo phương án “cùng đầu tư” để khai thác kinh doanh khoảng 5.000-7.000 tỉ đồng. Trong khi đó, nếu có giải tỏa trắng cả cồn Nhất Trí thì diện tích giao lại cho nhà đầu tư chỉ được chừng 300-400 lô đất, làm sao bán được để thu lại mấy ngàn tỉ đồng.

Mà nhà đầu tư nào cũng muốn có lãi thì họ mới chịu làm. Vì vậy cũng có nhiều nhà đầu tư ngấp nghé, vào xem nhưng cuối cùng chẳng ai làm gì cả. Do đó bây giờ chưa biết lấy tiền đâu mà làm nên tỉnh cũng đang xoay hết đường này tới đường kia...

PHAN SÔNG NGÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên