02/01/2014 08:45 GMT+7

Sống thiết tha cùng Tổ quốc

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TT - Những ngày cuối năm 2013, Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam bế mạc và trong lá thư của đại hội gửi sinh viên Việt Nam trong và ngoài nước, điều đầu tiên trong lời kêu gọi là: “Mỗi sinh viên hãy luôn nêu cao tinh thần yêu nước...”.

Tinh thần yêu nước là một khái niệm rộng lớn, nhưng nó cũng cụ thể bằng những câu chuyện “sống thiết tha với Tổ quốc mình” từ chính mỗi người. Không hiểu sao khi đọc lá thư gửi những người trẻ ấy, tôi lại nhớ đến câu chuyện của những người già mà tôi vừa gặp, vừa biết...

Hẳn bạn đọc Tuổi Trẻ chưa quên câu chuyện bà cụ Phan Thị Phán vào tuổi ngoài 80 quê ở tỉnh Hải Dương, gần bốn năm trước đã may gửi tặng huyện đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng) lá cờ đỏ sao vàng rộng 100m². Lá cờ ấy, khi được trưng bày tại cuộc triển lãm “Đà Nẵng - chặng đường mới” tổ chức tại Trung tâm hội chợ triển lãm nhân kỷ niệm 35 năm giải phóng Đà Nẵng đã được nhiều người đến và ghi vào sổ cảm tưởng nhiều dòng xúc động. Không những thế, trước đó, cụ Phán cùng với nhiều người bạn trong tổ phụ lão của mình đã may hàng trăm lá cờ khác gửi đến các đảo ở Trường Sa và nhiều điểm đồn biên giới!

Tuần trước, nhân chuyến công tác ở khu vực đồng bằng sông Hồng, phóng viên Tuổi Trẻ đã ghé thăm cụ Phán. Sức khỏe cụ đã yếu nhiều, dù nằm liệt giường nhưng câu chuyện gửi cờ Tổ quốc cho biên cương vẫn cháy bỏng trong lòng cụ. Cụ bảo: Tiền may cờ phải do chính các cụ đóng góp vào chứ không nhận từ bất cứ ai. Hình ảnh những lá cờ được các cụ ông, cụ bà cẩn thận khâu may đợi đóng gói gửi về biên cương đang xếp thành chiếc gối ngay ngắn đầu giường bà cụ 85 tuổi khiến chúng tôi một lần nữa nhận ra vẻ đẹp của những người mẹ Việt, những người đã sống thiết tha với Tổ quốc của mình, và cũng hiểu vì sao, người ta gọi Tổ quốc là Mẹ - Mẹ Tổ quốc!

Thời gian gần đây, chúng tôi thường liên lạc với kỹ sư Dương Quang Thiện. Tên ông đã quen thuộc với bạn đọc Tuổi Trẻ bởi hàng trăm phòng học, hàng ngàn suất học bổng của chương trình “Vì ngày mai phát triển” được hình thành từ tài trợ của hai ông bà. Và ông, kỹ sư tin học người Việt thế hệ đầu tiên, không chỉ nặng lòng với học trò nghèo, với kinh nghiệm và trí tuệ của mình, vào tuổi 80 ông vẫn cùng cộng sự lao vào “cuộc chiến” với dự án tin học hóa. Theo ông, “khoảng 500.000 xí nghiệp và cơ quan hành chính nhà nước được nối mạng nhưng lại chưa có hệ thống thông tin thật “tử tế” giúp quản lý xí nghiệp theo mô hình hoạch định nguồn lực doanh nghiệp, như các nước tiên tiến”. Và ở vào tuổi này, ông Thiện vẫn dành hết thời gian cùng cộng sự dần hoàn thiện mô hình này mà theo ông, nếu thành công số tiền làm lợi cho Nhà nước sẽ là con số khổng lồ. Cho hay, ông làm tất cả những điều đó không nghĩ gì đến sức khỏe, tuổi tác chỉ vì muốn sống thiết tha cùng Tổ quốc mình.

Một cụ bà quê mùa giữa châu thổ sông Hồng vẫn lặng thầm may những lá cờ tha thiết với chủ quyền Tổ quốc. Một kỹ sư tin học tuổi 80 vẫn chạy đua với thời gian để cống hiến một dự án tin học mang tính chất “cách mạng” cho nước nhà.

Còn bạn, những người trẻ, những người sẽ tiếp nhận lá thư với lời kêu gọi từ đại hội sinh viên vừa mới đây, bạn sẽ “sống thiết tha cùng Tổ quốc mình” như thế nào đây?

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên