04/11/2010 03:01 GMT+7

Sống sót sau thảm họa - Kỳ 8: Phải sống!

TẤN ĐỨC tổng hợp
TẤN ĐỨC tổng hợp

TT - Chiều muộn. Bến tàu làng biển Nại Hiên Đông (Q.Sơn Trà, Đà Nẵng) tấp nập. Một người đàn ông trung niên trong bộ đồ xanh công nhân, gương mặt sạm nắng cứ đi tới đi lui, chưa hết thẫn thờ. “Mấy bữa ni gió săn (lớn) quá, mi có trúng không” - ông hỏi thăm từng bạn thuyền đi biển trở về.

Tjr10fqj.jpgPhóng to
Ông Trần Văn Út trên bến tàu Nại Hiên Đông sau hơn hai tháng thoát nạn - Ảnh: Tấn Đức

Ông là thuyền trưởng Trần Văn Út, chủ tàu ĐNa 61406TS, cách đây không lâu đã lâm nạn trên biển suốt 50 giờ cùng với chín bạn lưới, khi tàu đang trên đường quay vào đất liền sau 14 ngày ra khơi thì gặp bão số 3 đánh chìm.

Đối mặt tử thần

Đưa mắt nhìn xa xăm ra biển, thuyền trưởng Út thuật lại câu chuyện hãi hùng như một vết cứa đã hằn sâu trên cơ thể: “Chiều 23-8, khi đang thả lưới trên vùng biển Quảng Ngãi, qua ICOM tôi nhận được thông báo bão lớn đang tiến vào đất liền, chỉ còn cách độ 120 hải lý. Tôi giục anh em cấp thời thu 60 sải lưới (hơn 1.200m) đang thả, rồi mở hết tốc độ cho tàu chạy vô bờ. Có lẽ do khẳm cá sau 14 ngày ra khơi, mà gió quá lớn nên mới đi được chừng 10 hải lý tàu bị banh máy tắt ngúm. Ngó trời tôi biết bão đang đâm ngay mình, thuyền mà mất lái không sớm thì muộn sẽ lật nên tôi gọi xin cứu viện. Chừng ba tiếng sau tàu cứu hộ Sar 412 ra tới. Chúng tôi mừng quá tưởng đã thoát nạn. Nào ngờ...

Sau khi đi quanh nhiều lần định tiếp cận để đón chúng tôi sang bên đó cho an toàn nhưng không thành, Sar 412 dùng súng bắn dây lai sang. Chúng tôi đã cẩn thận dùng dây neo của tàu mình ràng quanh, sau đó nối với dây lai của tàu cứu hộ để họ kéo đi trú bão.

Gió càng lúc càng mạnh. Mưa xối xả. Con tàu của tôi dài gần 20m mà cứ chồm lên bổ xuống như người ta bổ củi, nước tràn vô ào ào theo từng đợt sóng. Trời đặc sệt màu đen. Hai người đứng cạnh nhau, với tay nắm được mà không nhìn thấy mặt mũi. Bỗng dưng tôi có cảm giác tàu xoay ngang theo con sóng rồi ngả nghiêng như muốn lật.

Lao ra mũi tàu, nắm sợi dây lai phăng lên, tôi điếng người khi biết dây đã đứt. Căng mắt ngó tàu Sar 412 đang kéo phía trước, cách chừng 100m cũng chẳng thấy gì. Gần 40 năm đi biển với 20 năm làm thuyền trưởng, tôi chưa bao giờ rơi vào tình cảnh này: tàu chết máy, mất neo, nước tràn vào trong lúc mưa bão đang quần quật bủa vây.

Trước tình thế nguy cấp, tôi chỉ còn biết kềm lái, cố cho tàu xoay trực diện với con sóng để tránh bị lật nhưng bất lực vì gió đổi hướng liên tục. Cầm cự được hơn tiếng thì tàu bị phá nước, chìm dần. Tôi thét gọi anh em quăng hai cái thúng chai, can nhựa, phao lưới xuống biển rồi gom tất cả mọi người lại nắm tay nhau cùng nhảy xuống biển...

Niềm tin

Trong đêm đen chúng tôi hú gọi nhau tựu lại rồi chia thành hai nhóm, bám xung quanh hai chiếc thuyền thúng. Thi thoảng những tia chớp lóe lên giúp chúng tôi nhìn rõ mặt nhau. Giữa trùng khơi bão biển, chục con người đang căng thẳng tột cùng. Ai nấy nhắm mắt, nín hơi, hai tay ghì chặt mép thúng, chân thì câu vào nhau chống chịu từng con sóng xô tới, phủ trùm lên tất cả. Sóng qua lại vội ngoi đầu lên hít thở. Gồng mình ngụp lặn trên biển suốt đêm 23, đến rạng 24 thì sóng dịu lại còn độ cấp 6, 7 nhưng trời vẫn mưa khá lớn.

Trong nhóm bị nạn có hai người nhỏ tuổi nhất là Trần Văn Sen (15 tuổi, con thuyền trưởng Út - NV) và Nguyễn Thanh Toàn (18 tuổi, con anh Nguyễn Thanh Tùng) nên mọi người bàn nhau cho lên thúng nghỉ tạm để hai ông bố nhỡ có việc gì thì còn có người thờ tự tông đường. Đến 9-10 giờ trưa, khi mưa vừa ngớt thì hai đứa nhỏ cũng ngất lịm. Đúng lúc ấy mọi người nghe tiếng động cơ máy bay rất gần, nhìn lên thấy rõ cả hình dáng chiếc trực thăng cứu hộ. Ai nấy như được tái sinh, vội vàng cởi quần áo huơ lên không trung cầu cứu, nhưng đều rụng rời khi chiếc máy bay cứ xa dần về phía chân trời...”.

“Lúc ấy ông nghĩ mình sẽ chết?” - Tôi cắt ngang dòng suy nghĩ của thuyền trưởng Út. “Hãy tưởng tượng anh sắp chết đuối, thấy cái phao trước mặt, cố bơi lại, chừng chạm tay vô thì cái phao biến mất, anh sẽ thế nào” - ông Út hỏi lại tôi rồi chậm rãi kể tiếp: “Nhưng kỳ lạ thay, trong phút chốc ấy tôi bỗng dưng thấy bà mẹ già 78 tuổi cùng vợ và đứa con gái là chị thằng Sen đang ngồi bên mâm cơm chờ cha con tôi về ăn. Rồi tôi lại thấy hai thi thể trương phình đang trôi trên biển. Đó là hai “ông bạn” mà cách đây hơn chục năm, trong chuyến đi đánh lưới, khi thuyền ra cách bờ hơn 70 hải lý tôi thấy thi thể họ trôi bập bềnh. Tôi đã vớt họ lên, rồi đưa vào buồng đá, cho tàu quay trở về mua áo quan, chôn cất họ ở cồn Ma (Q.Sơn Trà). Hằng năm vào tết đoan ngọ (mồng 5-5 âm lịch) và Tết Nguyên đán tôi đều cúng giỗ cho họ...

Một cơn mưa bất ngờ ập đến kéo tôi về với thực tại. Lúc ấy bỗng dưng tôi trở nên bình tĩnh lạ lùng. Rồi tôi nghe ai đó nói văng vẳng: Sẽ sống”.

oOo

Đêm thứ hai dập vùi trên biển còn khủng khiếp hơn. Cái đói làm cho đầu óc mọi người quay cuồng, chân tay rã rượi. Dùng hết sức tàn, cả nhóm cố bơi về hướng có mấy thớt rong biển để nhai cho có sức mà bám vào thúng. Giữa tuyệt vọng, ông Út kể lại cơn mơ để động viên mọi người về hai chữ “Phải sống!”. Và cuối cùng, chính niềm hi vọng ấy đã cứu sống họ trong tình huống ngặt nghèo. Chiều hôm đó họ được bạn nghề cứu sống, như một giấc mơ.

Nợ ân tình trên biển

Năm 13 tuổi Trần Văn Út đã theo cha lên tàu ra khơi. Gần 40 năm dọc ngang trên biển, ông không nhớ nổi đã bao nhiêu lần gặp sự cố giữa đại dương mênh mông. Khi thì mắc trong vòng vây của bão, “chạy mô cũng dính, bị quật tả tơi suốt mấy ngày liền”; khi tàu trở chứng banh máy giữa đêm. Rồi những bận đang thả lưới tự dưng ông lăn ra đau khắp người... Nhưng tất cả những lần ấy ông và cha đều được trở về nhà bình an nhờ sự ứng cứu của những người trong nghề. Ông bảo đó là cái nợ ân tình, cả với người quen và người ông chưa kịp biết tên.

Trả nợ ân tình ấy, cha con ông Út đã không ít lần ra tay giúp người bị nạn. Ngoài hai lần vớt thi thể người chết trên biển về chôn cất, ông Út cũng hơn chục lần vớt người bị chìm tàu, kéo tàu bạn nghề bị chết máy trôi trên biển vào bờ. Trước đó, ông Út đã tìm và vớt được năm bạn lưới trên tàu của một bạn nghề cùng làng Nại Hiên Đông bị “tàu lạ” đâm chìm trên biển. Gần đây nhất, tháng 4-2010, khi đang đánh cá bò cách bờ hơn 70 hải lý, ông Út đã phát hiện và lai dắt tàu ông Kiệt (Q.Sơn Trà) bị gãy chân vịt, chết máy trôi trên biển nhiều ngày về bờ sửa chữa.

Đến khi ông Út bị nạn thì chính ông Minh (con chủ tàu bị đâm chìm lúc trước) và những người được ông vớt như ông Phê, ông Giàng, ông Sinh... cùng các bạn nghề ở khắp nơi tự tổ chức đội tàu ra khơi tìm kiếm. Lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp đã tung cả trực thăng và tàu cứu nạn vào cuộc, nhưng chính những ngư dân ở Q.Sơn Trà mới là những người chặn đứng một thảm họa đang đến rất gần cho 10 con người đã trôi trên biển suốt 50 giờ.

_______________

Một câu chuyện về nỗi ám ảnh của người mẹ phải ôm xác con mình giữa dòng nước lạnh giá đến tan nát cõi lòng...

Kỳ tới: Giấc mộng yên lành

________________

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Phép lạ Bahia Kỳ 2: Mặc cảm sống sót Kỳ 3: 1 và 91 Kỳ 4: Hai lần chiến thắng tử thần Kỳ 5: 15 ngày trong lòng địa chấn Kỳ 6: Sự hồi sinh

TẤN ĐỨC tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên