02/11/2010 01:01 GMT+7

Sống sót sau thảm họa - Kỳ 6: Sự hồi sinh

LAN PHƯƠNG tổng hợp
LAN PHƯƠNG tổng hợp

TT - Trận động đất tại tỉnh Aceh của Indonesia năm 2004, khởi nguồn cho thảm họa sóng thần kinh hoàng tại vùng biển Ấn Độ Dương vào tháng 12 năm ấy, đã giết chết trên 230.000 người. Cả thế giới hướng về Ấn Độ Dương và các bờ biển tang tóc sau cơn phẫn nộ của biển cả.

Trong sự tuyệt vọng đầy nước mắt đó, một cô gái trẻ mới 23 tuổi đã đem lại hơi ấm đầy hi vọng vào sự sống mãnh liệt sau cơn thịnh nộ của đất trời.

kyw9Task.jpgPhóng to
Malawati được đưa về điều trị tại Bệnh viện Penang, Malaysia - Ảnh: AP

5 ngày và 185km trôi dạt

Chiếc tàu Hoom Xiang 8, vào một ngày sau bão, đã khởi hành từ cảng Bantu Maung của Malaysia bắt đầu hành trình đánh bắt cá ngừ như những chuyến lênh đênh trên biển mỗi năm mà họ vẫn thực hiện trên biển Sumatra.

Khoảng 2 giờ chiều thứ sáu 31-12-2004, khi con tàu vẫn đang đi đúng hải trình của mình, một thủy thủ tên Rizal Sarnosantoso, 22 tuổi, phát hiện cô gái đang ngồi trên khúc cây dừa nước và vẫy tay một cách điên cuồng hòng thu hút sự chú ý của những người trên tàu. Malawati đang bám tuyệt vọng vào một thân cây bị nhổ bật rễ vì đợt sóng thần. Ngay lập tức, những người chỉ huy con tàu đã gọi điện về ban điều hành ở cảng Bantu Maung về trường hợp của Malawati và triển khai ngay việc cấp cứu cho cô.

Cơn sóng thần năm 2004 ập vào bờ biển Sumatra, Indonesia vào ngày 26-12-2004 giết chết 230.000 người ở 14 quốc gia, gây ngập ở hầu hết khu vực dân cư bằng những cột sóng lên cao đến hơn 30m. Đây là một trong những thảm họa thiên tai chết người kinh hoàng nhất trong lịch sử loài người.

Khi được đưa lên tàu, Malawati trong tình trạng bị cháy nắng nặng nề, các lớp da trên thân thể cô tróc ra, bỏng rộp. Ở chân, nhiều vết thương đang rỉ máu, sau này được các bác sĩ chẩn đoán là bị một số loại cá dữ cắn trong thời gian cô lênh đênh trên mặt nước. Tay cô có nhiều vết cắt do bị gai và vỏ thân cây dừa nước cứa vào. Malawati bị mất nước nghiêm trọng.

Thủy thủ R.Asepsrjab, 24 tuổi, cho biết thủy thủ đoàn ban đầu cho cô uống sữa và ăn cháo đặc. Sau đó, dần dần họ cho cô ăn cơm trở lại cùng với bánh mì và uống nước khoáng. Asepsrjab nói: “Malawati thường rơi vào trạng thái hoảng loạn, nhưng cô ấy tỏ ra hiểu khi chúng tôi bảo sẽ đưa cô về Penang”.

Tuy nhiên, điều thật sự làm cả đoàn tàu sững sờ là khi Malawati cất lời nói đầu tiên: “Aku dari Aceh” (Tôi đến từ tỉnh Aceh!). Cô đã trôi xa khỏi nơi cô sống hơn 185km trong năm ngày, trên một thân cây dừa nước.

Hơn năm ngày trên biển, Malawati kể cô đã uống nước mưa và ăn quả của cây dừa nước, loại quả mà người Malaysia gọi là attap chee. Trong những giờ phút tuyệt vọng nhất, Malawati nói mình chưa bao giờ hi vọng có thể sống sót, nhưng cô đã cầu nguyện thánh Allah gửi thiên thần của Người xuống cứu giúp cô. Cô đã tận dụng tất cả những gì có được, ăn quả dừa nước và thậm chí vỏ thân cây để có thể chịu đựng được những ngày đã qua. Nhờ lượng nước có được trên chùm dừa nước mà cô không bị rơi vào tình trạng mất nước đến chết. Cô nhớ lại: “Tôi thấy cá mập bơi quanh mình và chỉ biết cầu xin chúng đừng làm hại tôi”.

Tồn tại cho sự sống tượng hình

Ngay khi tàu cập cảng quốc tế Tuna ở Batu Maung, các bác sĩ, phóng viên, quan chức địa phương và người đại diện Lãnh sự quán Indonesia đã chờ đón để nhìn tận mắt một cô gái kiên cường.

Malawati tự bước ra, mặc một chiếc áo bệnh nhân dài tay màu xanh lá cây và băng keo cá nhân dán đầy các vết cắt trên tay. Cô gặp gỡ tổng lãnh sự Indonesia, chủ tịch hội đồng về công nghiệp và phát triển nông thôn của Indonesia trước khi được đưa về bệnh viện.

Chủ tịch Học viện Hàng hải Malaysia, đại tá Jaffar Lamri, mô tả sự sống sót của Malawati là kỳ diệu. Cô gái được tìm thấy khi đang lênh đênh trong khu vực biển không nằm trong lộ trình của các con tàu đi qua. Ông giải thích: “Tàu chở hàng không chạy tuyến Ấn Độ Dương trong những vùng nước rộng vì có thể có cá mập quấy rối”. Chính vì thế Malawati phải đợi đến năm ngày mới có con tàu đầu tiên xuất hiện và cứu sống cô. Trong câu chuyện của mình cô cũng nhắc về việc bị cá mập đi gần đe dọa và cô chẳng biết làm gì hơn là cầu xin vào sự che chở của thánh Allah.

Malawati nhớ lại cô đang ở trong nhà và giặt đồ. Gia đình cô sống cách bờ biển 2km. Thình lình cơn sóng thần nghiệt ngã quét qua ngôi làng của cô và cuốn cô ra khỏi căn nhà mình về phía biển. Cô còn kịp thấy chồng mình cũng bị cuốn theo dòng nước. Malawati đã lập gia đình được bốn năm, hai vợ chồng luôn ao ước có con nhưng ý nguyện của họ vẫn chưa thành hiện thực.

Trong cơn hoảng loạn, Malawati đã bơi một cách điên cuồng trong dòng nước rất lâu, cho đến khi cô bắt được khúc cây dừa nước dài khoảng 1m mà năm ngày sau người ta tìm thấy cạnh cô. Sau khi được cứu, cô vẫn không nghe được tin gì từ người chồng, kể từ lần cuối cùng cô nhìn thấy anh bị sóng thần cuốn ra biển cùng với mình.

Ngay sau khi được tàu Hoom Xiang 8 cứu, Malawati đã được các lãnh đạo Malaysia cho phép ở lại quốc gia này và điều trị tại bệnh viện cho đến khi khỏi hoàn toàn. Khi được đưa đến bệnh viện, qua phần kiểm tra sức khỏe, các bác sĩ kinh ngạc khi phát hiện Malawati đã có thai 18 tuần tuổi. “Tôi rất vui, rất hạnh phúc” - cô nói từ trên giường bệnh ở Penang, Malaysia.

Cô gái trẻ này cũng thú nhận cô đã cảm thấy cơ thể mình có một sự sống tượng hình từ thời gian trước đó, nhưng khi được cứu lên tàu đánh cá cô đã không nói với thủy thủ đoàn, vì ngay cả chính cô cũng tuyệt vọng chấp nhận có lẽ đứa bé đã chết trong bụng mình vì năm ngày dãi dầu với nắng biển và dòng nước mặn chát. Các bác sĩ cho biết bào thai 18 tuần tuổi này còn sống và rất khỏe mạnh. Ước mơ có được tiếng trẻ con trong nhà suốt bốn năm qua của vợ chồng cô bỗng nhiên tượng hình mạnh mẽ giữa cơn sóng thần đã giết chết 94.000 người chỉ riêng ở Indonesia.

“Cô ấy hẳn phải là một phụ nữ rất mạnh mẽ và đầy nghị lực để có thể sống sót qua thử thách đó” - đại tá Jaffar ở Học viện Hàng hải Malaysia tỏ lòng thán phục sự kiên cường của người phụ nữ này, khi biết được tình trạng sức khỏe của cô và em bé cô đang mang trong mình.

Cô gái trẻ nhận được 1.000 ringgit Malaysia từ sự hỗ trợ của chủ tịch các ngành công nghiệp ở Hoom Xiang, ông Datuk Mohamad Wadji Ishak. Ông này cũng tặng cô quần áo mới, bao gồm một chiếc áo cầu nguyện và thảm cầu nguyện. Sự sống mà Malawati đã giữ được sau thảm họa sóng thần ở khu vực Ấn Độ Dương năm 2004 đã làm dấy lên những hi vọng của người dân ở các vùng ven biển nơi này. Những người đàn ông như chồng của Malawati có thể sẽ đi mãi không về sau cơn dông tố.

Và người ở lại như Malawati và đứa bé đang tượng hình trong cô là những nhân tố đầu tiên đón chờ bờ biển ở Aceh, Phuket hồi sinh như vẻ đẹp sung túc ban đầu, khi cơn sóng thần đầy ác mộng chưa hề đi qua.

_________________

Câu chuyện đầy bi kịch về 48 giờ tự xoay xở để tồn tại giữa biển khơi của một người đàn ông VN...

Kỳ tới: Niềm tin giữa trùng khơi

_________________

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Phép lạ Bahia Kỳ 2: Mặc cảm sống sót Kỳ 3: 1 và 91 Kỳ 4: Hai lần chiến thắng tử thần Kỳ 5: 15 ngày trong lòng địa chấn

LAN PHƯƠNG tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên