01/11/2010 04:04 GMT+7

Sống sót sau thảm họa - Kỳ 5: 15 ngày trong lòng địa chấn

LAN PHƯƠNG tổng hợp
LAN PHƯƠNG tổng hợp

TT - Bốn ngày sau khi Chính phủ Haiti cho ngừng lệnh tìm kiếm và cứu nạn những người bị chôn vùi trong thảm họa động đất tại quốc gia này, những nhân viên cứu nạn của Tổ chức French Civil Protection vẫn tiếp tục nỗ lực tìm kiếm cuối cùng từ những dấu hiệu mong manh nhất của sự sống bên dưới đống đổ nát.

XunhkAVU.jpgPhóng to

Darlene Etienne được đưa ra khỏi đống đổ nát Ảnh: Daily Mail

15 ngày trong đống đổ nát

Động đất tại Haiti ngày 12-1-2010 đã cướp đi sinh mạng của hơn 300.000 người. Thảm họa thiên nhiên tại quốc gia nghèo đói này đã kéo theo thảm họa nhân đạo cực kỳ bi kịch trong lịch sử vì cái đói, sự thiếu thốn trong cứu trợ và những cuộc tấn công cơ hội của căn bệnh dịch tả tiếp ngay sau đó. Hàng trăm người vẫn đang hấp hối và tiếp tục chết vì dịch tả tại quốc gia này nhiều tháng sau trận động đất đầu năm.

“Chúng tôi rất ngạc nhiên - Claude Fuilla, bác sĩ trưởng của đội cứu nạn French Civil Protection, cho Hãng tin ABC biết - Tôi đang ở phòng chỉ huy, một người đàn ông Haiti vào bảo chúng tôi ra ngay, họ vừa tìm thấy một cô gái còn sống dưới đống đổ nát”.

Fuilla cho biết cô gái đã mắc kẹt trong một không gian rỗng và lớn hơn thân thể cô. “Tình trạng đó giống như khi bạn mắc kẹt vào giữa phần phía trước và hàng ghế phía sau của chiếc xe hơi, không thể dịch chuyển gì được”.

Darlene Etienne khi ấy mới 16 tuổi. Cô vừa đến học ở Trường đại học St. Gerarld ở Port-au-Prince. Người em họ cô, Jocelyn A. St.Jules, nói trong điện thoại với Hãng tin AP: “Chúng tôi nghĩ chị ấy đã chết”. Cả gia đình Darlene cũng tuyệt vọng và không còn hi vọng gì vào sự sống sót của cô. Trong ngày 12-1 định mệnh, khi Darlene cùng các bạn vào học, trận động đất đã xô đổ ngôi trường và chôn vùi hàng chục sinh viên, giáo viên dưới đống đổ nát của tòa nhà, các nhà nghỉ và nhà dân xung quanh.

Nửa tháng sau khi trận động đất diễn ra, khi cả thủ đô Port-au-Prince vẫn còn chìm ngập trong tang thương và nỗi u uất của sự thiếu thốn khổ sở sau thảm họa, những người xung quanh khu vực đó, vào ngày thứ tư, 27-1-2010, đã nghe những tiếng rên rỉ yếu ớt vang ra từ đống đổ nát của một căn nhà nhỏ nằm trên đường đến trường đại học. Họ gọi các nhà chức trách đến. Nhóm cứu nạn French Civil Protection đến ngay sau đó.

Bác sĩ Claude Fuilla sau đó đi dọc theo mái nhà vụn nát đầy nguy hiểm, nghe tiếng của cô gái và thấy một ít tóc đen bám đầy bụi trong đống xà bần. Dọn sạch những mảng vôi gạch đổ nát, ông đã có thể tiếp cận cô gái trẻ và cô ấy có vẻ còn sống. Đội cứu hộ đào một hố đủ sâu để có thể tiếp oxy và nước cho Darlene. Nhịp tim của cô khi ấy rất yếu. Trong 45 phút kế tiếp, họ đưa được cô ra ngoài với thân thể bám đầy bụi.

Bác sĩ Fuilla nói nơi cô được cứu ra giống như một hiên nhà. Nhưng một người hàng xóm cho biết đó có thể là phòng tắm của gia đình cô. Bác sĩ Fuilla nhớ lại: “Cô nói với chúng tôi bằng giọng rất nhỏ, cô bé cực kỳ yếu. Trước khi chúng tôi ổn định sức khỏe cho cô, cô ấy bị mất nước nghiêm trọng và rất yếu. Thậm chí áp lực máu của cô cũng rất thấp”.

Sự kỳ diệu của... phòng tắm

Ngay sau khi được tìm thấy, Darlene Etienne được đưa khẩn cấp đến một bệnh viện dã chiến của quân đội Pháp và ngay sau đó được đưa lên bệnh viện trên tàu hải quân Sirroco. Cô bé rên rỉ qua chiếc mặt nạ thở oxy và đôi mắt mở to nhìn vào khoảng không trống rỗng. Nhân viên cứu nạn Christophe Renou cho biết ông không hiểu bằng cách nào cô gái trẻ này có thể bám víu vào cuộc sống trong một thời gian dài như vậy. Ông nhận định: “Chắc chắn cô bé đã ở đó 15 ngày. Cô không bị đau nhưng rất yếu”.

Chỉ vài giờ sau đó, những hình ảnh sự sống đầu tiên của cô với ánh mắt ấy đã xuất hiện trên hàng trăm trang mạng của các hãng tin quốc tế như một hi vọng mong manh dành cho lòng quyết tâm tìm kiếm cứu nạn của các nhóm hỗ trợ người dân địa phương ở Haiti sau thảm họa. Bác sĩ Fuilla cho biết các nhân viên cứu hộ đã tiếp nước cho Darlene trong 15 phút trước khi chuyển cô bé đi cấp cứu ở tàu Sirocco bằng trực thăng: “Cô ấy ăn. Cô ấy có thể nói. Cô ấy không tỉnh táo lắm nhưng khá khỏe và ổn định”.

Những giải thích hợp lý nhất về sự sống sót kỳ diệu của Darlene lại trở về... cái phòng tắm nơi cô gặp nạn. Có lẽ Darlene Eteinne đang ở trong phòng tắm ngay khi cơn động đất tới. Chính ở vị trí gặp nạn này, cô có thể tìm thấy một lượng nước nhỏ để sử dụng trong những ngày bị vùi kín dưới đống xà bần. Các nhân viên cứu hộ cho biết cô bé có nói thều thào điều gì đó về việc tìm được một ít coca-cola ở ngay dưới đống đổ nát mình nằm. Những giọt nước vô tình và hiếm hoi trong chừng ấy ngày dai dẳng đã giúp Darlene không bị thiếu nước nghiêm trọng dẫn đến tử vong.

Sự sống sót của Darlene được gọi là điều kỳ diệu hiếm hoi trong những ngày cứu nạn cuối cùng hoàn toàn không hi vọng gì thêm vào sự sống của các tổ chức cứu trợ và tìm kiếm trên đất Haiti. Bác sĩ William P. Bozeman, phó giáo sư về y học cấp cứu tại Đại học Y Wake Forest ở Winston Salem, nhận định: “Cô ấy đã sống sót phi thường bất chấp những vết thương và cả nguy cơ mất nước của cơ thể sau nhiều ngày như vậy... Trong khi một người bình thường có thể chết vì thiếu nước chỉ trong ba hoặc bốn ngày”.

Các nhà khoa học cũng cho biết một người cân nặng 150 pound chỉ có thể chịu đựng được tình trạng mất 20% trọng lượng nước của cơ thể. Cơ thể thải ra năm hoặc sáu ly nước một ngày. Vì thế nếu không có nguồn nước cấp cho cơ thể, người ta khó lòng chịu đựng được ba hay bốn ngày. Sau 14 ngày, một người nặng 150 pound có thể mất gần 60 ly nước, 1/3 lượng nước cơ thể họ.

Với những nạn nhân như Darlene Etienne vừa được tìm thấy, rất nhiều vấn đề liên quan như hiện tượng mất nước, các vết thương dập nát từ các tòa nhà sụp xuống ban đầu, sự nhiễm trùng có thể xuất hiện nếu các vết thương không được điều trị kịp thời.

Bác sĩ Martin Schreiber, trưởng khoa phẫu thuật chấn thương tại Đại học Khoa học và sức Khỏe Oregon ở Portland, cho biết: “Những lý do có thể giết người bị nạn đôi khi chỉ là sự mất - hầu hết có thể chết trong tuần đầu tiên hoặc khoảng đó vì bạn không thể tống bỏ chất độc khỏi cơ thể và thận của bạn ngừng làm việc. Thận là cơ quan dễ bị tổn thương nhất”.

Sự sống sót của Darlene Etienne làm dấy lên những tranh cãi về thời gian mà các đội cứu nạn có thể tìm được người sống sót sau thảm họa. Với nhiều nơi, từ sau 2-7 ngày, các hi vọng tìm kiếm mong manh dần. Sau bảy ngày, nhiều cơ quan và các đội cứu nạn ngừng hẳn tìm kiếm và chuyển sang hỗ trợ hồi phục cho các nạn nhân.

Những trường hợp sống sót như Darlene Etienne như trong chuyện cổ tích thần diệu đầy hi vọng cho những ngày đen tối nhất của cả người dân Haiti, và những người làm công việc cứu trợ thiện nguyện đến nơi này từ khắp các quốc gia trên thế giới.

------------------------------------

Câu chuyện về một cô gái đã sống sót một cách ngoạn mục qua năm ngày trôi trên 185km sau thảm họa sóng thần.

Kỳ tới: Sự hồi sinh

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Phép lạ Bahia Kỳ 2: Mặc cảm sống sót Kỳ 3: 1 và 91 Kỳ 4: Hai lần chiến thắng tử thần

LAN PHƯƠNG tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên