12/03/2012 09:14 GMT+7

Sóng ngầm chính trị - tài chính ở Ý

THANH LIÊM
THANH LIÊM

TT - Gây áp lực chính trị, tung tin đồn, tung tiền to..., giới doanh nghiệp không từ thủ đoạn nào để kiếm tiền khi tìm cách thôn tính các doanh nghiệp khác.

H9yweVit.jpgPhóng to
Ông Antonio Fazio - cựu thống đốc Ngân hàng Trung ương Ý - đã phải ngồi tù và nộp phạt vì tư lợi hơn là vì “điều tốt cho đất nước” - Ảnh: AFP

Ngày 15-3 tới đây, cựu thủ tướng Silvio Berlusconi phải có mặt ở tòa Milan. Một thẩm phán ở Milan đã buộc nhà chính trị lão luyện của đất nước hình chiếc ủng này phải ra trước vành móng ngựa vì vai trò liên đới trong vụ công bố trên báo chí các nội dung của việc nghe lén điện thoại. Ông Berlusconi sẽ bị xét xử vì tội “vi phạm bí mật điều tra”.

Đạo diễn kiêm diễn viên Berlusconi

Ông Berlusconi là bị cáo mới nhất của vụ bê bối thôn tính Ngân hàng Banca Nazionale del Lavoro (BNL) của Tập đoàn Bảo hiểm Unipol xảy ra cách đây hơn sáu năm. Cuối năm 2005, tờ nhật báo Il Giornale đã công bố phần rã băng các thông tin nghe lén qua điện thoại giữa các lãnh đạo Đảng Dân chủ cánh tả DS với lãnh đạo của Unipol trong ý định thôn tính BNL - ngân hàng lớn thứ sáu của Ý lúc bấy giờ.

Mọi chuyện có thể chẳng có gì ầm ĩ nếu Il Giornale không phải là tờ báo thuộc sở hữu của gia đình Berlusconi (do ông em trai Paolo Berlusconi làm chủ) và nếu thời điểm công bố không phải là trước kỳ bầu cử quốc hội đầu tháng 4-2006 mà người ta tin rằng cánh tả sẽ giành thắng lợi và phe của thủ tướng Berlusconi lúc ấy sẽ thất bại.

Trong vụ này, người ta cho rằng Berlusconi đứng vai trò chủ mưu tiết lộ băng ghi âm cho báo giới (dù luật sư của ông gần đây nhất mực cho rằng thân chủ của mình chưa từng nghe qua các cuộn băng ghi âm lén cũng như không có chỉ đạo gì cả) vì thủ tướng đã trưng ra bằng chứng cho tòa ở Roma biết rằng bốn lãnh đạo chính yếu của phe đối lập cánh tả đã dùng quyền lực gây sức ép với ông Antoine Bernheim, chủ tịch Tập đoàn bảo hiểm - tài chính Generali, buộc ông này phải nhượng lại cho Unipol 8,7% cổ phần mà Generali đang nắm giữ trong BNL vào thời điểm thích hợp để Unipol gây áp lực mua lại BNL. Ra trước tòa, lãnh đạo Generali chối bay biến và thủ tướng Berlusconi cũng cải chính đôi chút cáo buộc của mình từ “gây sức ép” thành “những cuộc gặp ăn uống thân mật”.

Vụ thôn tính BNL của Unipol lẽ ra chỉ là câu chuyện bình thường trong trào lưu thôn tính ngân hàng rầm rộ lúc đó ở châu Âu nói chung và ở Ý nói riêng. Nhưng trong mối liên quan chính trị - tài chính ở Ý lúc đó, nó trở thành một vụ bê bối khiến nhiều tên tuổi bị mất chức và ra tòa lãnh án trong các năm sau đó.

7yfKnBua.jpgPhóng to

Vị trọng tài thiên vị

Đầu năm 2005, Ngân hàng Banco Bilbao Vizcaya Argentaria (BBVA) của Tây Ban Nha mở chiến dịch thôn tính BNL. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ý lúc bấy giờ là Antonio Fazio muốn ngăn cản chuyện này với lý do “ngân hàng Ý phải thuộc về người Ý”. Thay vì giữ vai trò trọng tài cho các hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp theo luật, ông ta lại dùng các mối quen biết cá nhân cùng quyền lực của mình để tiết lộ thông tin mật, đưa Tập đoàn Unipol của Ý vào cuộc tranh mua bằng cách tung ra 5 tỉ euro tiền mặt đặt mua để kiểm soát 59% cổ phần.

Ý định thôn tính BNL của Unipol đã bị ban lãnh đạo mới của Ngân hàng Trung ương Ý đình chỉ sau khi thống đốc Antonio Fazio từ chức vào ngày 19-12-2005 vì cáo buộc “thiên vị” trong một vụ thôn tính tương tự với Ngân hàng Banca Antonveneta và bị các đồng minh chính trị bỏ rơi để tránh rắc rối. Giovanni Consorte và Ivano Sacchetti, chủ tịch và phó chủ tịch của Unipol, cũng phải ra đi sau đó do bị kết tội liên kết gian trá với Gianpiero Fiorani, tổng giám đôc của Ngân hàng Banca Popolare Italiana (BPI) - người bị vào tù trong vụ Antonveneta.

Nhưng họ không thể ngờ hậu quả sau đó còn nặng nề hơn. Thứ bảy (28-5-2011), tòa án Milan ra phán quyết phạt 4 năm tù giam và tiền phạt 1,5 triệu euro đối với Antonio Fazio. Nhà lãnh đạo tài chính này bị buộc tội giao dịch nội gián và ngăn cản vụ thôn tính Ngân hàng Banca Antonveneta hồi năm 2005. Tháng 4-2005, Ngân hàng Banca Antonveneta bị tập đoàn Ngân hàng ABN AMRO của Hà Lan đặt giá mua. Theo nhật báo Ý Corriere della Sera, dưới bàn tay quyền lực của Fazio cũng như những thông tin nội bộ do ông ta cung cấp, Ngân hàng BPI đã nhảy vào cuộc trong vai trò “bạch mã hoàng tử” cứu nguy cho ngân hàng đồng hương khỏi cuộc thôn tính từ nước ngoài.

Phía tòa án đã có đủ chứng cứ về những món quà hậu hĩnh của Gianpiero Fiorani dành cho Fazio và gia đình ông này: sách cổ, rượu sâmbanh thượng hạng, trang sức và những thứ quà quý khác. Thậm chí tòa đã tung ra các cuộn băng ghi âm vào ngày 5-7-2005, cho thấy ông Fazio gọi điện cho Fiorani đến gặp mình ở trụ sở của ngân hàng trung ương: “Cậu sang đây gặp tôi để ta bàn bạc một số chuyện. Đi cửa sau như mọi khi nhé!”. Fiorani trả lời: “Hiểu rồi, nếu không sẽ có phiền toái!”. Người ta không biết họ đã bàn bạc những gì. Nhưng một tuần sau, ngày 11-7, Ngân hàng Trung ương Ý đã cho phép BPI đặt mua cổ phần của Banca Antonveneta với giá 27,5 euro, hơn 1 euro so với giá do ABN AMRO đưa ra.

Những người liên đới trong vụ việc là Gianpiero Fiorani - cựu tổng giám đốc của BPI, cũng là bạn thân của Fazio, bị kết án 20 tháng tù giam và Giovanni Consorte - cựu chủ tịch của Unipol, cũng phải lãnh án 3 năm tù kèm theo mức phạt 1 triệu euro.

“Chúng ta sắp có một ngân hàng”

Các vụ thôn tính trong giới ngân hàng hồi năm 2005 cũng đã làm lộ ra tảng băng chìm chính trị - tài chính tại Ý. Trong phần ghi âm lén qua điện thoại, do đội chống tội phạm tài chính Ý thực hiện, người ta thấy có giọng nói của Piero Fassino, thư ký đảng Dân chủ cánh tả DS. Ông này cổ vũ cho ý định thôn tính của Unipol khi hào hứng nói với nhà lãnh đạo của Unipol là ông Giovanni Consorte rằng: “Cuối cùng thì chúng ta cũng sẽ có được một ngân hàng”. Báo chí cũng tiết lộ thêm về mối quan hệ chính trị - tài chính đặc biệt này: Consorte đã lập ra một quỹ đen lên đến 50 triệu euro, có được từ việc giao dịch mua hời cổ phần của BNL, để tài trợ cho hoạt động của đảng DS.

Cũng trong phần rã băng nghe lén, người ta thấy cả những lời nói rất “phi tự do thương mại” của chủ tịch đảng DS, ông Massimo D’Alema. Ông này tuyên bố: “Việc mua lại BNL là một cơ hội cho phong trào hợp tác xã và cho đất nước (Ý) vì BNL có nguy cơ bị rơi vào tay các ngân hàng nước ngoài”. Cả hai lãnh đạo của DS sau này thừa nhận đã có những “sai lầm” khi can thiệp vào chuyện điều hành của lãnh đạo Unipol.

Cũng trong vụ bê bối này, giữa tháng 9-2007, Ngân hàng BPI buộc phải hoàn trả toàn bộ số tiền thu lợi trong vụ tranh mua các cổ phần từ Ngân hàng Antonveneta là 94 triệu euro và nộp phạt thêm 1,3 triệu euro. Thẩm phán phiên tòa là Clementina Forleo kết luận rõ ràng: “Việc Ngân hàng BPI chấp nhận trả tiền là lời thú nhận phạm tội trong vụ bê bối có sự đồng lõa của một số nhân vật trong giới lập pháp, dù một số vẫn còn không thừa nhận sai lầm của mình và không chấp nhận rằng trong một nhà nước pháp quyền thì phải tôn trọng điều 3 của hiến pháp là mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”. Lời kết án mạnh mẽ đó là tiền đề cho những phiên tòa diễn ra tiếp sau đó.

Đầu tháng 7-2010, Aldo Brancher, một người thân cận của thủ tướng Silvio Berlusconi, vừa được đề cử vào chức bộ trưởng hai tuần trước đó đã phải tuyên bố từ chức ngay trước tòa án Milan. Phe đối lập cáo buộc Brancher được đề cử vào chức bộ trưởng “không bộ” để tránh bị xét xử trong vụ bê bối nhận hối lộ. Theo tòa án Milan, bộ trưởng Brancher và vợ đã nhiều lần nhận, trong khoảng thời gian 2001-2005, hơn 1 triệu euro từ Ngân hàng BPI, để dùng các mối quan hệ cá nhân của mình giúp BPI mua lại Ngân hàng Antonveneta trái với luật chơi chung ở châu Âu.

__________

Kỳ tới:Huynh đệ tương tàn

THANH LIÊM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên