11/05/2017 10:59 GMT+7

Sở 'ôm đồm' đề thi học kỳ: áp lực không cần thiết!

NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG

TTO - Từ vụ Đồng Tháp phải dừng kiểm tra học kỳ của khối 11 do lộ đề thi, thầy giáo Nguyễn Hoàng Chương cho rằng nguyên nhân một phần do sở “ôm” thi học kỳ của khối lớp 10, 11 sẽ làm cho kỳ thi thêm áp lực.

Lộ đề thi, khoảng 9h ngày 9-5, học sinh khối 11 được cho ra về - Ảnh: Ngọc Tài

Nhằm góc thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu bài viết này.

"Thông tin tại Đồng Tháp, sáng 9-5 phải dừng kiểm tra học kỳ của khối 11 do lộ đề thi được dư luận quan tâm.

Nhân vụ việc này, tôi có mấy ý kiến.

Thi học kỳ, một khâu trong chuỗi dạy - học tại các nhà trường phổ thông; được quy định tại các văn bản của Bộ GD-ĐT cũng như Sở GD-ĐT các địa phương. Lặp đi lặp lại hàng năm, có tính tuần hoàn; nói dân dã là công việc cứ... đến hẹn lại lên.

Trong một tỉnh, đầu vào lớp 10 các trường THPT có chất lượng không đồng đều; điều kiện kinh tế, xã hội tại các địa phương khác nhau (trong tỉnh) sẽ khác nhau. Rồi cơ sở vật chất, năng lực giáo viên cùng cán bộ quản lý không giống nhau ở mỗi trường.

Vì thế, sở “ôm” thi học kỳ của khối lớp 10, 11 sẽ làm cho kỳ thi thêm áp lực, nặng nề. Lộ đề thi học kỳ, có nguyên nhân từ đấy.

Với việc sở “ôm” thi học kỳ (khối 10, 11), thầy - trò căng thẳng trong ôn tập; cán bộ quản lý mệt mỏi vì sao in đề thi, sắp xếp điều chỉnh công việc tại trường cho phù hợp với lịch thi của sở ấn định; rồi đến chuyện chấm thi..., nhiêu khê! Bởi cũng vào thời điểm này các trường THPT đang xoay tít với chuyện làm hồ sơ - ôn - tổ chức thi học kỳ cho khối 12.

Đảm bảo kỷ cương, nề nếp trong dạy và học, nâng cao chất lượng - đó phải là nỗ lực của chính các nhà trường với những biện pháp đặc thù; cùng với đó là hướng dẫn thực hiện, kiểm tra - giám sát hiệu quả nhưng linh hoạt của sở.

Chống tiêu cực - có thể xảy ra trong quá trình thi học kỳ phải là trách nhiệm của hiệu trưởng và họ hoàn toàn có thể làm được. Với một vài trường “nóng” về dạy thêm - học thêm, sở GD-ĐT nhắc nhở hiệu trưởng, tư vấn giúp họ những biện pháp để tổ chức thi học kỳ tại trường nhẹ nhàng nhưng an toàn, đúng quy chế.

Dạy - học trong cả quá trình mà nghiêm túc thì thi học kỳ sẽ bình thường.

Dạy - học trong bối cảnh đổi mới đòi hỏi đánh giá cũng phải đổi mới. Đánh giá cả quá trình và đánh giá cả đầu ra cần linh hoạt với nhiều hình thức. Học sinh làm bài thi bằng thuyết trình, sản phẩm (học theo dự án); nội dung thi không nặng nề tái hiện kiến thức cũ đối với các môn khoa học xã hội nói chung và môn Lịch sử nói riêng.

Làm được như thế, học sinh không còn sợ môn Lịch sử thì làm gì có chuyện lộ đề thi học kỳ môn Lịch sử.

Hiệu trưởng cần quán triệt giáo viên, học sinh cách dạy - học - kiểm tra và thực hiện các công việc ấy ngay từ đầu năm học. Một vài giáo viên trong trường có... tật, hiệu trưởng biết hết nên có biện pháp động viên, nhắc nhở số ấy.

Đồng thời, dùng biện pháp mang tính kỹ thuật để sắp xếp, lựa chọn đề thi sao cho khách quan, bí mật, phù hợp với điều kiện dạy - học tại trường.

Cá nhân làm lộ đề thi học kỳ cần kỷ luật nghiêm minh, nhưng để lộ đề thi học kỳ là do cách quản lý, chỉ đạo chuyên môn chậm đổi mới, còn ôm đồm, chưa có niềm tin vào cơ sở và chưa phát huy hết trách nhiệm cán bộ quản lý tại đó".

Bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Bạn có thể trao đổi với tác giả trong phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email về địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

 

NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên