Học sinh xã đảo Thạnh An (Cần Giờ, TP.HCM) đi học trở lại từ ngày 20-10 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trước đó vào chiều 27-10, Sở Giáo dục và đào tạo đã trình UBND TP.HCM dự thảo kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp tại trường học trên địa bàn TP. Theo đó, địa bàn cấp độ 1 và 2 (nguy cơ thấp và trung bình) sẽ tổ chức dạy trực tiếp, không tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài nhà trường. Như vậy, nếu xét theo tình hình hiện tại thì chỉ còn quận Bình Tân là chưa thể tổ chức học trực tiếp.
Nếu mở trường tiểu học, cần ưu tiên cho học sinh lớp 1 đến trường sớm vì nếu tiếp tục cho trẻ học online thì các em sẽ khó đọc thông viết thạo.
Hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM
Gấp rút vệ sinh và sửa chữa
Cô Nguyễn Thị Thanh Trúc, hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì (TP Thủ Đức), cho biết nhà trường nhận lại cơ sở vật chất từ giữa tháng 10-2021, trước khi xịt khuẩn nhiều lần. Sau đó, nhà trường cũng đã dọn dẹp, vệ sinh, khử khuẩn lại và đưa mọi thứ trở lại hiện trạng ban đầu với công năng dạy và học.
Từ ngày 28-10, Trường Dương Văn Thì là một trong những điểm tiêm vắc xin cho học sinh, nên có thể nói sau đợt tiêm vắc xin này thì cơ sở vật chất nhà trường đã sẵn sàng đón học sinh đi học trở lại.
Tại quận 8, 11 trường trên địa bàn được trưng dụng phục vụ công tác phòng chống dịch sẽ được bàn giao trong hôm nay (29-10). Công tác sửa chữa, vệ sinh dự kiến hoàn chỉnh trong tháng 11.
"Hiện nay, các điều kiện đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, thực hiện các quy tắc và tiêu chí y tế quận 8 đều đảm bảo cho việc mở lại trường" - ông Dương Văn Dân, trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo quận 8, thông tin.
Tương tự, ông Nguyễn Trọng Hiếu, trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo quận 11, cho rằng khi học sinh tiêm phòng vắc xin xong 2 mũi thì quận 11 sẽ thuận lợi trong việc đưa trẻ trở lại trường. 34 trường được trưng dụng làm điểm cách ly, điểm tiêm đã trả lại. Công tác khử khuẩn, vệ sinh, sửa chữa (nếu có) đều đang được khẩn trương thực hiện. Đội ngũ giáo viên và nhân viên trường học tại quận 11 cũng đã được tiêm vắc xin đầy đủ, đáp ứng tiêu chí mở cửa trở lại trường học an toàn.
Căn cứ vào 10 tiêu chí theo quy định của UBND TP.HCM, những trường đạt 8 tiêu chí trở lên đều có thể cho học sinh đi học trở lại. Hiện nay quận 11 đang cho các trường đánh giá tiêu chí an toàn và ông Hiếu tự tin các trường trong quận sẽ đạt những tiêu chí này.
Một ngôi trường tại huyện Bình Chánh (TP.HCM) được trưng dụng làm khu cách ly bệnh nhân F0 - Ảnh: T.TR.
Các trường THCS, THPT tự tin
Trả lời câu hỏi bao giờ các trường có thể đón học sinh, ông Trần Hoàng Tịnh, hiệu trưởng Trường THPT Củ Chi (huyện Củ Chi), cho biết nhà trường đã sẵn sàng, chỉ chờ học sinh tiêm đủ 2 mũi vắc xin và phụ huynh yên tâm, đồng thuận cho con em tới trường, đồng thời UBND TP cho phép là mở cửa.
"Nhiều phụ huynh trước đó còn không đồng thuận tiêm vắc xin cho trẻ, nhưng đến ngày 28-10 thì đăng ký và dẫn con mình đi tiêm vắc xin. Tính đến trưa 28-10, trường chúng tôi đã có 98% học sinh khối 10, 11, 12 được tiêm vắc xin. Số còn lại chưa tiêm vì còn ở dưới quê, chưa lên thành phố, một số em bị bệnh nền, một số em từng thuộc diện F0" - ông Tịnh chia sẻ thêm.
Ông Ngô Vĩnh Trường, hiệu trưởng Trường THCS - THPT Tân Phú, cho rằng nếu chấm điểm thì Trường Tân Phú đạt 9/10 tiêu chí. Chỉ còn tiêu chí số 10 không đạt, vì nhà trường có tổ chức hoạt động nội trú.
"Hiện chúng tôi đã xây dựng phương án mở cửa trường, mọi thứ từ cơ sở vật chất đến giáo viên đều đã sẵn sàng" - ông Trường nói.
Thầy Nguyễn Long Giao, Trường THCS Lý Thánh Tông (quận 8), cũng khẳng định khi học sinh tiêm ngừa xong 2 mũi thì trường có thể đón học sinh trở lại vì trường đạt tất cả các tiêu chí theo bộ tiêu chí an toàn của UBND TP. Trường THCS Lý Thánh Tông đang là điểm tiêm vắc xin nhưng "trước đó trường đã chuẩn bị bàn ghế, cơ sở vật chất đầy đủ nhằm phục vụ cho năm học mới, nên giờ trường chỉ cần sắp xếp, dọn dẹp vệ sinh, khử khuẩn… sẽ đáp ứng việc đi học lại của học sinh", ông Giao thông tin.
Theo đánh giá của ông Giao, sĩ số mỗi lớp học của trường chỉ có khoảng 30 học sinh, mỗi phòng cũng khoảng 50m2 nên khá thuận lợi trong việc bố trí học sinh trở lại trường. Yếu tố quan trọng nhất vẫn là học sinh được tiêm ngừa đầy đủ nhằm an toàn cho học sinh, an tâm cho phụ huynh.
Thầy Đỗ Đình Đảo, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, cho biết qua rà soát đối chiếu tại điểm trường cũng đáp ứng 9/10 tiêu chí. Tuy nhiên trong thời điểm hiện tại, vắc xin vẫn là yếu tố cơ bản và quan trọng nhất trong các yêu cầu học sinh trở lại trường. Do đó đến tháng 1-2022, nếu học sinh đã được tiêm 2 mũi thì phụ huynh sẽ rất an tâm để con trở lại trường học.
Xã Thạnh An nằm trên hòn đảo biệt lập với đất liền, đảm bảo các tiêu chí "vùng xanh" nên được chọn thí điểm dạy học trực tiếp cho học sinh khối 1, 2, 6, 9, 12 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trường tiểu học còn có nỗi lo
Trái với sự tự tin của các trường THCS, THPT, khi rà soát theo các tiêu chí để mở cửa trở lại trường học, các trường tiểu học còn nhiều nỗi lo. Ông Lê Thành Sơn, hiệu trưởng Trường tiểu học Bông Sao (quận 8), cho biết hiện trường có 2.145 học sinh, sĩ số học sinh trên lớp khá đông với khoảng 48 - 50 học sinh/lớp. Vì thế, nếu thực hiện việc chia nhỏ nhóm để dạy cũng có khó khăn. Nếu vậy thì chỉ áp dụng 1 buổi, không thể nào áp dụng 2 buổi được vì không đủ phòng để tổ chức dạy học.
Trường dự tính khi học sinh đi học lại, 1 lớp sẽ chia làm 2 lớp và tính đến việc dạy những nội dung cơ bản trước, số còn lại có thể phân theo giờ để học sinh đến trường vì số lớp học không đủ để chia nhỏ học sinh ra dạy.
Ông Sơn cũng bày tỏ thêm rằng đối với học sinh tiểu học, trường có thể áp dụng đầy đủ theo bộ tiêu chí an toàn nhưng ở lứa tuổi này trẻ không như lứa tuổi lớn hơn nên rất vô tư chơi đùa khi gặp bạn. Vì thế, theo ông Sơn, học sinh tiểu học cũng cần phải được tiêm vắc xin trước khi trở lại trường học trực tiếp.
Ngoài ra theo quy định, học sinh "vùng xanh" được đến trường. Tuy nhiên học sinh của trường có thể có những em ở các quận huyện khác, hoặc có hộ khẩu ở đây nhưng nơi cư trú lại là nơi khác, nên có thể các em học sinh của trường cũng không hoàn toàn ở các "vùng xanh".
Một lãnh đạo Sở Giáo dục và đào tạo thừa nhận đặc thù ở TP.HCM là học sinh cư trú ở quận này có thể đi học tại quận khác. Thế nên việc mở cửa trường cần phải tính toán và hết sức cân nhắc các trường hợp như ông Sơn nêu.
Cô Nguyễn Thị Kim Hương, hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Thọ (quận 11), lo lắng liệu việc tổ chức bán trú có an toàn hay không và học một buổi không bán trú hay là học hai buổi không bán trú.
Khẩn trương nhưng chắc chắn, chặt chẽ
Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV vào sáng 28-10, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay mở lại trường học là việc rất lớn. Khi bắt đầu năm học, TP phải tính học kỳ 1 gần như trực tuyến, học kỳ 2 nếu điều kiện tốt thì học trực tiếp.
"Nhưng nói vậy không phải cứ đến học kỳ 2 là mở ra học trực tiếp, mà chúng tôi phải liên tục yêu cầu Sở Giáo dục và đào tạo chuẩn bị. Việc trở lại học phải đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên. Do vậy, TP phải chuẩn bị kỹ quy trình an toàn, xử lý khi có tình huống dịch lây lan... TP sẽ sơ kết lại việc thí điểm mở lại trường học ở xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) để đánh giá mỗi tuần. Đồng thời giao cho Sở Giáo dục và đào tạo và Sở Y tế đánh giá tình hình để tính toán đề xuất, sau đó UBND TP sẽ nghe và quyết định. Việc này rất khẩn trương nhưng phải chắc chắn, làm chặt chẽ".
TIẾN LONG
Dự kiến một số trường sẽ mở cửa cuối học kỳ 1
Học sinh trong giờ học trực tuyến tại nhà - Ảnh: TỰ TRUNG
Một lãnh đạo Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM cho biết trước đây sở đã xác định học sinh TP.HCM sẽ học trực tuyến đến hết học kỳ 1. Tuy vậy, với tình hình thực tế như hiện nay, nếu mọi việc diễn ra theo chiều hướng tích cực, học sinh THCS và THPT được tiêm đủ 2 mũi vắc xin COVID-19 đúng như thời gian dự kiến thì Sở Giáo dục và đào tạo sẽ cân nhắc và đề xuất với UBND TP cho phép một số trường hoạt động trở lại vào thời điểm gần cuối học kỳ 1 năm học này. Tức là các học sinh sẽ có vài tuần học tập trực tiếp trước khi thực hiện bài kiểm tra cuối học kỳ.
Hiện tại, mặc dù hầu hết các trường đều cho biết sẵn sàng đón học sinh nhưng để đạt tiêu chí "khoảng cách học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên trong phòng học, phòng thi, phòng làm việc từ 1m trở lên", bắt buộc các trường phải tách lớp vì sĩ số trung bình học sinh/lớp bậc THCS, THPT hiện trên 40 em/lớp.
"Chuyện tách lớp nói thì dễ chứ thực hiện không đơn giản, bởi tách lớp cần gấp đôi số giáo viên hiện có. Trường không thể tuyển thêm nên bắt buộc giáo viên phải dạy gấp đôi số tiết. Nhưng như thế thì kinh phí ở đâu để trả tiền phụ trội cho giáo viên?" - hiệu trưởng một trường THPT ở ngoại thành TP.HCM tâm tư.
Lãnh đạo một trường THPT ở quận 1 cho biết năm ngoái trường này cũng thực hiện tách lớp để đảm bảo quy định giãn cách phòng chống dịch. "Không thể bố trí cho giáo viên dạy gấp đôi số tiết, chúng tôi đành chọn phương án giáo viên giảng bài ở lớp này thì truyền âm thanh sang lớp kế bên để học sinh cùng nghe, hoặc giáo viên giảng ở phòng này sẽ giao bài tập cho học sinh tự làm ở phòng còn lại. Dĩ nhiên đây chỉ là giải pháp tạm thời, không thể thực hiện lâu dài vì không hiệu quả" - vị này kể về "sáng kiến" của trường.
Cần mở thí điểm ở nội thành
Lãnh đạo một phòng Giáo dục và đào tạo cho biết việc mở cửa lại trường học cần làm theo phương pháp cuốn chiếu thay vì mở cửa đồng loạt. Khi học sinh đã ở "vùng xanh", trường đủ các tiêu chí an toàn mở cửa trở lại thì cần phân cấp cho hiệu trưởng các trường dựa vào thực tiễn của nhà trường để thực hiện.
Việc mở cửa trở lại các trường, nhất là khối tiểu học, cần thí điểm trước khi thực hiện, vì hiện nay việc thí điểm mở cửa lại trường học ở khu vực thưa dân cư như ở Cần Giờ, Củ Chi sẽ không phù hợp với tình hình trường lớp, diện tích hẹp của các trường trong khu vực nội thành TP.HCM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận