Sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch trong một chương trình truyền thông sức khỏe cho học sinh, sinh viên - Ảnh: N.THỊNH
ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch mong muốn góp phần giúp người dân hiểu đúng về dịch bệnh. Hiện chúng tôi xây dựng kế hoạch chi tiết phối hợp với Thành đoàn và Sở GD-ĐT TP.HCM triển khai thực hiện công tác truyền thông phòng chống dịch COVID-19 tại các trường học trên địa bàn TP.HCM.
TS.BS Nguyễn Nam Hà
Thời gian tổ chức dự kiến từ ngày 1-3 đến 31-3 tại các địa điểm do Sở GD-ĐT và Thành đoàn TP.HCM chỉ định. Nội dung là cập nhật tình hình dịch COVID-19, hướng dẫn phương pháp phòng chống dịch cho học sinh, giáo viên.
Góp sức lan tỏa kiến thức phòng dịch
Câu lạc bộ truyền thông sức khỏe Cầu Vai Xanh (Hội sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) với gần 100 thành viên là sinh viên và các bác sĩ (với vai trò cố vấn) đang tích cực chuẩn bị tham gia thực hiện chương trình trên.
Bạn Ngô Trần Đan Phương - sinh viên năm 3 khoa răng hàm mặt, chủ nhiệm câu lạc bộ - cho biết: "Câu lạc bộ chủ yếu hoạt động chuyên về lĩnh vực truyền thông sức khỏe nên chúng tôi rất hứng thú với chương trình này. Tất cả các bạn trong câu lạc bộ đều là sinh viên y khoa nên mong muốn được góp sức mình lan tỏa kiến thức về phòng chống dịch trong cộng đồng, đặc biệt là các học sinh. Tranh thủ thời gian nghỉ học gần một tháng qua, cả nhóm đã cùng tổng hợp lại tài liệu thông tin về dịch bệnh của Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biên soạn lại ngắn gọn và dễ hiểu nhất để gửi đến mọi người".
TS.BS Nguyễn Nam Hà - trưởng đơn vị truyền thông giáo dục sức khỏe Phòng khám đa khoa Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch - cho rằng học sinh TP.HCM sẽ đi học trở lại, trong khi thực tế nhiều học sinh và phụ huynh vẫn chưa nắm rõ các thông tin về dịch COVID-19 cũng như cách phòng ngừa dịch bệnh đúng. Nhiều người chưa hiểu được ý nghĩa việc cách ly phòng dịch nên nhầm lẫn nghĩ rằng những người trong diện cách ly đều nhiễm bệnh, dẫn đến lo sợ. Cũng chính vì không hiểu việc này nên không ít người bất hợp tác với cơ quan y tế trong chuyện cách ly khiến việc kiểm soát dịch khó khăn hơn.
CLB Cầu Vai Xanh Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch họp bàn truyền thông giáo dục sức khỏe cho học sinh các trường trên địa bàn TP.HCM về dịch bệnh COVID-19 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Tư vấn cho thầy cô giáo
BS Nam Hà cho biết thêm mục tiêu chính của chương trình là truyền thông giáo dục. Các chuyên gia sẽ tổ chức tư vấn cho các nhóm nhỏ giáo viên, học sinh. Bên cạnh đó, chương trình còn đẩy mạnh tư vấn online trên website của phòng khám. Đơn vị truyền thông giáo dục sức khỏe phòng khám hiện có mười thành viên là bác sĩ, các chuyên gia tư vấn và câu lạc bộ truyền thông sức khỏe sinh viên sẽ cùng tham gia hoạt động này.
"Chúng tôi xác định tổ chức hoạt động này theo hướng chuyên sâu và hiệu quả nên sẽ tập trung chủ yếu tư vấn cho đội ngũ thầy cô giáo. Từ đó, các giáo viên sẽ phổ biến, giáo dục lại cho học sinh", ông Hà nói.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - phó hiệu trưởng, trưởng Phòng khám đa khoa Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, trong thời gian vừa qua, ngành giáo dục và ngành y tế đã phối hợp chặt chẽ để triển khai tốt công tác phòng chống dịch COVID-19, kết quả ban đầu khá khả quan đã giúp TP.HCM kiểm soát tốt dịch bệnh.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên thế giới và các nước trong khu vực (Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan...) vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp. Trong khi hiểu biết của người dân về phòng chống dịch COVID-19 vẫn còn hạn chế, tình trạng kỳ thị liên quan đến người bệnh/người nghi ngờ COVID-19 vẫn đang diễn ra, tình trạng nhiễu loạn thông tin về COVID-19 tồn tại mỗi ngày, nhất là thông tin trên Internet...
"Do vậy, người dân và cộng đồng, kể cả giáo viên và học sinh các cấp, rất cần thông tin chính thống để hiểu đúng và hành động đúng, tránh tình trạng hoang mang, lo sợ và lựa chọn những phương thức phòng chống phi khoa học" - ông Hiệp nhấn mạnh.
Sinh viên ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch truyền thông giáo dục sức khỏe tại Trường THCS-THPT Văn Lang (Q.5, TP.HCM) - Ảnh: PHÙNG BÙI TUẤN KIỆT
Sẵn sàng tham gia hỗ trợ
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 27-2, hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội Tạ Thành Văn cho biết trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch gần đây, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao ĐH Y Hà Nội và ĐH Y dược TP.HCM tổ chức truyền thông hướng dẫn phòng dịch nói chung không chỉ riêng cho các nhà trường.
"Chúng tôi sẽ trao đổi với Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng của Bộ Y tế để vụ điều phối những hoạt động chúng tôi có thể hỗ trợ" - ông Văn nói. Theo ông Văn, ĐH Y Hà Nội có 2.200 giảng viên các bộ môn, các lĩnh vực, nhưng với việc hướng dẫn chuyên sâu về phòng dịch thì trường sẽ giao các giảng viên có chuyên môn về bệnh truyền nhiễm, những hướng dẫn đơn giản hơn như rửa tay đúng quy cách thì trường sẽ giao sinh viên hoặc các bác sĩ nội trú.
Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng, Bộ Y tế cho biết ngày 28-2 vụ sẽ đề xuất ĐH Y Hà Nội phối hợp với Sở Y tế, Sở Giáo dục - đào tạo Hà Nội và các tỉnh thành lân cận hướng dẫn về hiệu quả của phun khử khuẩn, làm sạch các bề mặt nhằm đảm bảo an toàn cho các gia đình và trường học.
Còn GS.TS.BS Đặng Vạn Phước - trưởng Khoa y ĐH Quốc gia TP.HCM - cho biết đơn vị đã tham gia Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) và đã thực hiện nhiều chương trình truyền thông sức khỏe mấy năm qua.
"Đặc biệt với chương trình thúc đẩy truyền thông giáo dục sức khỏe các trường đại học, ký túc xá... sinh viên Khoa y đã thực hiện nhiều dự án như vấn đề uống nước, tập thể dục, không hút thuốc lá... Chúng tôi đang có đề nghị TP.HCM cho phép phát triển mở rộng chương trình này. Có thể khẳng định Khoa y ĐH Quốc gia TP.HCM có thế mạnh trong hoạt động này và có kinh nghiệm quốc tế với đội ngũ chuyên gia, các nhóm sinh viên rất hùng hậu. Vì vậy, nếu đơn vị, trường học nào có nhu cầu cần liên lạc với chúng tôi" - ông Phước nói thêm.
PGS.TS Trần Diệp Tuấn (hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM):
Nhà trường luôn sẵn sàng
Theo tôi, đây là những việc làm hết sức cần thiết nhằm giúp người dân nói chung và học sinh nói riêng nắm rõ thông tin dịch bệnh, biết cách phòng bệnh đúng đắn và tránh hoang mang. Đồng thời việc làm này cũng là dịp để các y bác sĩ, sinh viên y khoa thể hiện trách nhiệm với cộng đồng.
Nếu các trường học nào trên địa bàn TP.HCM có nhu cầu được tiếp cận thông tin phòng chống dịch bệnh, nhà trường luôn sẵn sàng. Việc này chúng tôi có thể giao cho Đoàn - Hội sinh viên nhà trường phối hợp với các đơn vị thực hiện.
Cách thực hiện tốt nhất chương trình này là nhà trường sẽ cử chuyên gia và các sinh viên y khoa đến các trường để chia sẻ thông tin và hướng dẫn trực tiếp.
* Phan Nguyễn Thanh Ngọc (sinh viên năm 3 khoa y Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch):
Thêm kiến thức phòng bệnh
Tình hình dịch COVID-19 diễn ra đang khiến nhiều người lo sợ. Sắp tới học sinh sinh viên sẽ đi học trở lại nhưng tâm lý chung của phần lớn phụ huynh, học sinh sinh viên đều sợ bị nhiễm bệnh nên rất e ngại, chưa muốn đến trường. Việc chưa hiểu rõ và chính xác thông tin về dịch bệnh khiến mọi người lo lắng.
Là sinh viên y khoa, chúng tôi hiện nóng lòng được tham gia các hoạt động truyền thông sức khỏe, giúp mọi người có thêm kiến thức phòng bệnh. Nay phòng khám đa khoa của nhà trường lên kế hoạch tổ chức chương trình này, mọi thành viên trong Câu lạc bộ Cầu Vai Xanh của chúng tôi đều hào hứng, muốn được tham gia nhằm chia sẻ thông tin về dịch bệnh và cách phòng tránh đến các trường học.
* Huỳnh Quốc Khánh (sinh viên năm 2 khoa y Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch):
Hi vọng học sinh biết cách phòng bệnh
Dịch COVID-19 là bệnh truyền nhiễm khá nguy hiểm. Thực tế nhiều người chưa hiểu rõ về cơ chế lây nhiễm của dịch bệnh này, cộng thêm việc hiện nay trên mạng xã hội có rất nhiều thông tin chưa chính xác về tình hình dịch bệnh cũng như cách phòng ngừa... làm mọi người thêm hoang mang.
Khi tham gia chương trình truyền thông sức khỏe này, chúng tôi sẽ giúp mọi người có thêm thông tin chính xác và sẽ hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng tránh bệnh: vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân (rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đeo khẩu trang đúng cách...). Hi vọng các giáo viên, phụ huynh và các bạn học sinh sinh viên sau khi nắm rõ các thông tin về dịch bệnh từ chương trình này sẽ bớt lo lắng, đồng thời biết cách phòng bệnh đúng để bảo vệ sức khỏe của mình.
* TS LÊ THỐNG NHẤT (tác giả bài hát Đánh giặc Corona):
Lực lượng xung kích
Trong ca khúc Đánh giặc Corona, tôi đã khẳng định: "Đánh giặc Corona, ngành y là xung kích!". Ngành y không chỉ gồm những ai đã có bằng cấp rồi mà ngay các sinh viên đang học cũng thuộc lực lượng xung kích này. Việc truyền thông phòng chống dịch bệnh cần lực lượng lớn tham gia, với sức trẻ của mình sinh viên ngành y là một đội quân không nhỏ.
Không phải chỉ bằng những thông điệp báo chí truyền thông mà sinh viên đã tiếp cận trực tiếp cộng đồng để hướng dẫn tỉ mỉ hơn những việc cần thiết. Từ việc đeo khẩu trang khi nào, đeo thế nào cho đúng đến việc rửa tay phòng dịch ra sao cũng là những điều tuy nhỏ nhưng không phải ai cũng hiểu đúng. Có thể nói đây chính là cơ hội để các sinh viên ngành y được trải nghiệm, được tiếp xúc với công việc phòng chống dịch bệnh. Từ đó sinh viên sẽ hiểu hơn vai trò của ngành y không chỉ là khám chữa bệnh mà phòng dịch cũng là một nhiệm vụ lớn lao.
Học sinh là một cộng đồng hàng chục triệu người trong xã hội, sắp tới có thể trở lại trường học thì việc đảm bảo an toàn cho các em là trách nhiệm của tất cả chúng ta. Sinh viên ngành y chắc chắn "có nghề" hơn sẽ giúp các trường học an toàn hơn, an tâm hơn khi cánh cửa trường tiếp tục mở trong khi nhiều nước vẫn đang bùng phát dịch bệnh.
TRẦN HUỲNH ghi
* TS Nguyễn Thanh Trúc (hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên):
Sẽ bàn để đưa vào thực hiện
Về việc triển khai cho sinh viên khoa y dược nhà trường đến các cơ sở giáo dục, khu dân cư để tuyên truyền phòng chống dịch bệnh COVID-19 là một sáng kiến rất tốt, ý nghĩa. Hoạt động này vừa thực tiễn giúp các em sinh viên hiểu hơn, chủ động hơn, về mặt xã hội cũng tin tưởng hơn cách truyền thông của các bác sĩ tương lai.
Tuy nhiên, sinh viên chưa đi học lại nên chưa có kế hoạch cụ thể. Ngoài ra, các em sinh viên năm 5, 6 phải thực hành như những bác sĩ tại các bệnh viện, cơ sở y tế. Kế hoạch này chỉ có thể vận động các em sinh viên mới vào trường, sinh viên năm 2, 3. Tôi sẽ bàn với lãnh đạo khoa y, đoàn trường về sáng kiến đưa sinh viên ngành y đi truyền thông về phòng dịch COVID-19 để góp phần cùng xã hội ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
* Bà Nguyễn Minh Phương (phó hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Cần Thơ):
Những tuyên truyền viên hiệu quả
Tôi rất tán đồng khi đưa sinh viên y khoa đến hỗ trợ phòng dịch cho học sinh ở các trường tiểu học và THCS. Chính những sinh viên này sẽ là những tuyên truyền viên hiệu quả vì các em có nền tảng kiến thức y khoa. Hiện ĐH Y dược Cần Thơ chỉ mới hướng dẫn sinh viên cách tự phòng dịch khi đến những chỗ đông người, đặc biệt là khi đi thực tập ở những bệnh viện. Nếu thành phố có chủ trương thì trường sẽ phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật Cần Thơ để tập huấn ngay cho sinh viên đến hỗ trợ trực tiếp ở các trường khi học sinh nhập học trở lại.
TR.TÂN - T.TRANG ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận