Mở tài khoản ngân hàng để nhận tài trợ
Như Quỳnh (20 tuổi, Trường ĐH Luật TP.HCM) cho biết: "Khi CLB tổ chức sự kiện, chúng tôi thường kêu gọi tài trợ của ngân hàng, bên ngân hàng yêu cầu vận động mở một tài khoản ngân hàng sẽ được 100.000 đồng. Các thành viên CLB sẽ nhờ người quen mở giúp, hoặc tự mình mở. Tôi cũng có 3 thẻ ngân hàng nhưng chỉ xài 1".
Quỳnh nói thêm sẽ đi hủy các tài khoản không dùng vì ngân hàng chỉ miễn phí phí duy trì thẻ trong năm đầu tiên.
Không những thế, sinh viên đi làm thêm cũng phải mở tài khoản theo yêu cầu của chỗ làm để được chuyển lương. Cứ đổi một công việc khác thì các bạn lại phải có tài khoản ngân hàng tương ứng với nơi làm việc.
Ngoài ra, mở thẻ để lấy quà là một trong những ưu đãi hấp dẫn đối với sinh viên. Nhật Trang (20 tuổi, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) chia sẻ: "Tôi có gần chục tài khoản ngân hàng nhưng không nhớ hết mật khẩu. Lúc trước tôi mở thẻ vì có bạn bè nhờ vả giúp chạy KPI, quà tặng, hay có chương trình nhập mã giới thiệu để được 50.000 đồng".
Tương tự, Diệu Thùy (19 tuổi, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) mở tài khoản ngân hàng chỉ để nhận được tiền thưởng. Cụ thể, khi người mở tài khoản nhập mã giới thiệu từ người thân hoặc bạn bè thì cả đôi bên đều nhận được tiền hoa hồng.
"Khi tôi nhập mã giới thiệu từ bạn, tôi sẽ được nhận 30.000 đồng, còn bạn tôi, người giới thiệu, được nhận 50.000 đồng", Thùy nói.
Có thể thấy rằng hiện nay nhiều sinh viên mở tài khoản ngân hàng nhưng lại không dùng, hoặc quên mất mình đã mở tài khoản.
Tuy việc tạo tài khoản ngân hàng đem lại rất nhiều tiện ích, nhưng các bạn sinh viên cần phải cân bằng được số lượng tài khoản và nhu cầu sử dụng để tránh bị mất phí "oan" và không kiểm soát được tài khoản của mình.
Đừng chủ quan với những khoản phí nhỏ
Trước tình trạng sinh viên mở tài khoản/thẻ ngân hàng quá nhiều so với nhu cầu, PGS.TS Phan Diên Vỹ, trưởng khoa ngân hàng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, đưa ra một số lời khuyên: "Sinh viên nên mở thẻ/tài khoản ở ngân hàng thuận tiện cho giao dịch thanh toán và đa tiện ích (tối đa khoảng 2 tài khoản) để hạn chế tình trạng quên mật khẩu, quên thanh toán phí duy trì thẻ và các chi phí phát sinh.
Cho dù các khoản phí rất nhỏ nhưng cũng dễ làm phát sinh nợ quá hạn, ảnh hưởng đến lịch sử tín dụng cá nhân trong giao dịch với hệ thống ngân hàng trong hiện tại và tương lai".
Về những khoản phí phát sinh, ông Vỹ cho biết thêm: "Nếu các bạn không có giao dịch ngân hàng trong thời gian 1 năm thì ngân hàng sẽ tự động khóa thẻ (trừ trường hợp có gia hạn thẻ, hoặc tài khoản có số dư) và vẫn bị ngân hàng tính phí duy trì, tính lãi lên phí đã nợ trước đó".
Do đó, đối với các bạn đã mở nhiều tài khoản thì nên lựa chọn giữ lại những tài khoản thật sự cần thiết và tiến hành tất toán rồi đóng bớt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận