Hôm nọ nhân tiện về quê nên cũng muốn mua ít quà tặng cháu, tôi quyết định ra nhà sách mua vài cuốn sách chuyên khảo, sách tham khảo để phục vụ việc học tập của cháu.
Tôi nghĩ rằng những cuốn sách này sẽ có giá trị để cháu có điều kiện đi sâu nghiên cứu và nâng cao trình độ chuyên môn.
Vậy mà khi nhận được quà của cậu, cháu chẳng vui vẻ chút nào. Cháu nói: “Trời ơi! Cậu mua sách này làm gì? Cháu nào có thời gian mà nghiên cứu những dạng kiểu kinh điển này. Sách này chỉ dùng cho những người đã có công việc, còn với cháu chỉ nghiên cứu mấy cuốn giáo trình ở trường đã không đủ thời gian rồi”.
Câu trả lời của cháu làm tôi chưng hửng. Dường như cậu mà chẳng hiểu cháu tí nào. Tôi cũng đành ngậm ngùi, liền ra chỗ tạp hóa mua cho cháu chiếc thẻ cào điện thoại mệnh giá 200.000 đồng. Thấy vậy, cháu tỏ ra mừng rỡ và nhanh chóng nạp thẻ điện thoại rồi chú tâm vào việc lên mạng...
Sau bữa cơm trưa, có thời gian trò chuyện với cháu tôi hỏi như muốn kiểm tra trình độ của cháu đến đâu: “Theo cháu thì hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay bao gồm những bộ phận nào cấu thành?”.
Câu hỏi này làm cháu lúng túng và không biết trả lời ra sao. Tôi giúp cháu trả lời và nói thêm rằng: “Chuyên ngành giáo dục chính trị như cháu là phải hiểu rất rõ về chính trị, nhất là cơ cấu, tổ chức bộ máy nhà nước... Sinh viên chuyên ngành mà kiến thức chính trị lại thua một bác xe ôm thì phải xem lại mình. Muốn cho cháu hiểu biết hơn nên cậu mới mua mấy cuốn sách này đấy”.
Sau câu nói của cậu, cháu tôi có lẽ chợt nhận ra bản thân còn thiếu hụt về kiến thức, nhất là kiến thức về chính trị, xã hội.
Câu chuyện của cháu tôi phần nào cũng phản ánh được tình trạng văn hóa đọc của sinh viên hiện nay. Chính sự lôi cuốn từ mạng Internet cũng như những nhu cầu giải trí khác mà không ít sinh viên tỏ ra thờ ơ với sách, nhất là những cuốn sách có nội dung về giáo dục trí tuệ, lý tưởng, đạo đức, thẩm mỹ...
Thực tế, các em có xu hướng lựa chọn những ấn phẩm sách báo mang tính giải trí thông thường hoặc tham gia các trang mạng xã hội hơn là đọc sách để nâng cao trình độ. Một bộ phận sinh viên dành quá nhiều thời gian để chơi game online, đọc chuyện giải trí trên mạng, thậm chí xâm nhập vào các nội dung không lành mạnh, kích động bạo lực hay thỏa mãn dục vọng bản năng.
Làm sao để mỗi sinh viên nhận thức rõ vai trò của từng loại sách, từng cuốn sách, hiểu rõ thế nào là sách để nâng cao trình độ chuyên môn, sách nào để giáo dục lý tưởng, thẩm mỹ, sách nào để thỏa mãn nhu cầu giải trí...
Nếu không đọc sách thì chắc chắn sinh viên sau khi ra trường sẽ còn nhiều khoảng trống. Một khi thiếu kiến thức sẽ khó hình thành được kỹ năng và thiếu kỹ năng thì càng ít cơ hội việc làm. Chúng ta nên khuyến khích sinh viên đọc sách, định hướng, giúp đỡ, kích thích để các em sinh viên thật sự yêu sách. Không phải để trở thành “mọt sách” mà sử dụng sách như là chìa khóa để mở ra cuộc sống, là con đường để mỗi người gặt hái được những thành công.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận