Nhà báo Javier Ortega - Ảnh: Periodistas sin Cadenas
Không ai tìm thấy sổ ghi chép, máy ghi âm và điện thoại của anh.
Juan Javier Ortega Reyes, 32 tuổi, là phóng viên nhật báo El Comercio ở Ecuador, chuyên viết về nạn buôn lậu ma túy và tình hình phức tạp ở phía bắc Ecuador.
“Mạng sống chúng tôi nằm trong tay Chính phủ Ecuador.
Lời cầu cứu của ORTEGA ngày 3-4-2018
Bị bắt cóc ở Colombia
Ortega từ giã cha lên đường lên biên giới, chuyến đi biên giới thứ ba của anh trong năm. Lần cuối cùng ông Galo nhìn thấy con trai còn sống là lúc 2h chiều 25-3-2018 tại thủ đô Quito (Ecuador).
Cùng đi với anh có phóng viên ảnh Paúl Rivas, 45 tuổi và tài xế Efraín Segarra, 60 tuổi. Điểm đến là ngôi làng nhỏ Mataje cách biên giới Colombia vài trăm mét. Mataje là nơi trồng cây coca nhiều nhất thế giới và cũng là đầu mối sản xuất và mua bán cocaine.
Tình hình Mataje trở nên nguy hiểm vào đầu năm 2018 khi Colombia và Ecuador bắt đầu triển khai 13.000 binh sĩ và cảnh sát đến rừng rậm.
Tháng 1-2018, một xe gài bom phát nổ trước đồn cảnh sát ở San Lorenzo cách biên giới 25km. Ecuador đánh giá đây là vấn đề nghiêm trọng vì chưa từng xảy ra đánh bom xe ở quốc gia này.
Các phóng viên đổ xô về vùng biên song người dân tỏ thái độ xa lánh vì nghi ngờ nhà báo là thành phần tố giác. Một số cửa tiệm không bán nước đóng chai. Thuyền không chịu đưa qua sông. Bọn thanh niên hổ báo đòi phóng viên biến đi nơi khác.
Nhóm của Ortega rời Quito theo đường cao tốc liên Mỹ đi về hướng bắc đến biên giới. Chiếc xe tải nhẹ Mazda đã được dán biển "báo chí" để tránh bị nghi ngờ là cảnh sát chìm. Họ đã mua bảo hiểm tai nạn và mặc áo chống đạn đầy đủ.
Xe dừng lại tại khách sạn giá rẻ El Pedregal ở thị trấn San Lorenzo. 9h sáng hôm sau, họ qua trạm kiểm soát quân sự cách làng Mataje 1km. Người dân ở Mataje nhìn thấy nhóm của Ortega ra khỏi xe đi theo một người đàn ông lên canô vượt sông sang Colombia.
Sau đó, cả nhóm đã bị các tay súng Mặt trận Oliver Sinisterra (FOS) bắt cóc. Tên cầm đầu FOS là Walter Patricio Arizala Vernaza, biệt danh El Guacho.
Thông tin chi tiết về vụ bắt cóc rất mờ nhạt. Hồ sơ của cơ quan điều tra và các nhân chứng chỉ trùng hợp ở chi tiết: bọn bắt cóc thường xuyên di chuyển ba con tin qua các thôn hẻo lánh, nông trại và cánh đồng trồng coca.
Ecuador đã lập một ủy ban khủng hoảng gồm Bộ trưởng nội vụ Cesar Navas, Bộ trưởng quốc phòng Patricio Zambrano, công tố viên trưởng, các nhà thương lượng cùng đại diện quân đội, cảnh sát, gia đình và đồng nghiệp của ba con tin.
Tám ngày sau vụ bắt cóc, một băng video phát ở Colombia cho thấy ba con tin vẫn còn sống. Họ đeo dây xích có khóa quanh cổ. Ortega van nài tổng thống Ecuador thả ba phần tử FOS bị bắt để trao đổi lấy ba con tin và hủy bỏ thỏa thuận chống khủng bố đã ký với Colombia.
Vài ngày sau, FOS bắn tin: "Hãy trả tự do cho các bạn tôi. Nếu không, hôm nay chúng tôi sẽ giết các nhà báo". Sau vài lần nhắc đi nhắc lại, chúng ngưng nói đến yêu sách hôm 7-4-2018.
Sau này một nhân chứng đã khai với cơ quan công tố Colombia rằng ba con tin được dẫn giải đến làng Los Cocos rồi bị xử tử và chôn xác trong một đêm mưa gió.
Hơn hai tháng sau cảnh sát mới tìm thấy nơi chôn xác ba con tin nhờ một nhân chứng giúp xác định vị trí. Hai ngôi mộ chôn đầy chất nổ.
Chốt kiểm soát của quân đội Ecuador trên đường vào làng Mataje - Ảnh: Periodistas sin Cadenas
Cái chết có thể tránh được
Sau khi con trai bị sát hại, ông Galo đã tìm thấy 30 cuốn sổ của Ortega ghi chép chi tiết về nạn mua bán cocaine, tàu vỏ đôi dùng để buôn lậu cocaine, tàu ngầm chở ma túy sang Trung Mỹ, những chuyến hàng đêm có trang bị hệ thống định vị GPS.
Các ngư dân cảnh giới cho bọn buôn ma túy và thông tin về băng Sinaloa của Mexico hiện diện ở miền nam Colombia và biên giới Ecuador.
Một phần thông tin điều tra đã được đăng báo hai tuần trước khi Ortega và đồng nghiệp bị bắt cóc.
Theo bài viết, một người dân địa phương đã từng nói nhỏ với Ortega: "Chúng trả thưởng 1 triệu peso (350 USD) cho ai báo tin người lạ xuất hiện hay người tố giác chúng. Có khi chúng đã biết anh có mặt ở đây".
Tuy nhiên, có một thông tin Ortega chưa từng công bố: Một nguồn tin mật đã bắn tin cho anh biết chỉ huy cảnh sát Alejandro Zaldumbide đã bí mật liên lạc với FOS qua ứng dụng WhatsApp.
Anh đã lên kế hoạch tìm hiểu sâu chủ đề này. Kênh liên lạc bí mật được mở lần đầu vào cuối tháng 2-2018. Cơ quan tình báo đã cho phép Zaldumbide giữ liên lạc.
FOS nhiều lần yêu cầu trả tự do cho ba đồng bọn bị quân đội Ecuador bắt vào tháng 1-2018. Vài tuần trước khi nhóm của Ortega bị bắt cóc, giọng điệu của chúng trở nên gay gắt.
5h chiều 26-3-2018, El Guacho thông báo với Zaldumbide đã bắt cóc nhóm của Ortega và chuyển ảnh làm bằng chứng. Ngày 11-4-2018, chúng thông báo đã sát hại ba con tin đồng thời tiết lộ từ hai tháng nay đã liên lạc qua điện thoại với người của Bộ Nội vụ.
Chúng liên lạc lần cuối hôm 15-4-2018 rồi cắt. Ba ngày sau, Zaldumbide báo cáo toàn bộ nội dung liên lạc với văn phòng công tố. Vụ này đã trở thành vụ tai tiếng quốc gia. Bộ trưởng nội vụ và bộ trưởng quốc phòng từ chức.
Người dân cảm thấy bị sốc. Vài ngày trước khi nhóm của Ortega bị bắt cóc, cơ quan tình báo cảnh sát đã biết FOS sẵn sàng tấn công thường dân ở biên giới và El Guacho có hai nhà nghỉ ở Mataje nhưng không thông báo.
Nếu biết trước điều này, có lẽ Ortega và đồng nghiệp đã không mạo hiểm đến ngôi làng Mataje chết chóc.
Phóng viên ảnh Paúl Rivas, phóng viên điều tra Javier Ortega và tài xế Efraín Segarra (từ trái sang) trong băng video cầu cứu tổng thống Ecuador - Ảnh: RCN Television
Vinh danh
Mặt trận Oliver Sinisterra gồm khoảng 300 quân ly khai khỏi Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) để phản đối thỏa thuận hòa bình năm 2016. Chúng chuyên mua bán ma túy và tống tiền dọc biên giới Colombia - Ecuador.
Cuối năm 2018, tên đầu sỏ El Guacho (29 tuổi) đã bị quân đội Colombia tiêu diệt ở tỉnh biên giới Nariño.
Ngày 3-6-2019, Bảo tàng Truyền thông Washington (Mỹ) đã quyết định ghi tên 22 nhà báo hi sinh trong khi thi hành nhiệm vụ năm 2018 lên đài tưởng niệm.
Trong đó có hai nhà báo Juan Javier Ortega và Paúl Rivas của Ecuador cùng với Jamal Khashoggi của Saudi Arabia (nhà báo bị sát hại trong Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Thổ Nhĩ Kỳ).
Kỳ tới: Các nhà báo tiếp tục bị giết
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận