29/07/2011 10:15 GMT+7

Sinh con rồi mới sinh cha!

HUY THỌ
HUY THỌ

TT - Cách đây hơn nửa năm, nhóm PV Tuổi Trẻ có mặt ở một cuộc làm việc của một số cơ quan ban ngành TP.HCM với Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn VN (VWS) tại bãi rác Đa Phước.

Sau khi đi một vòng tham quan những bãi chôn rác được phủ bạt che kín, rồi hồ nước xử lý nước rỉ rác, rồi nhà máy phân loại rác đang được lắp ráp..., hầu như ai cũng khen. Khen rằng nó sạch sẽ tinh tươm, không khiến mọi người phải bưng mũi như các bãi rác kiểu Đông Thạnh, Gò Dưa...

Có điều, khen thế chẳng khác nào khen “phò mã tốt áo”, bởi một tấn rác đổ vào đây là TP phải chi hơn chục đôla, nên nó được che đậy kín đáo hơn là điều bình thường.

Tuy nhiên, điều kỳ vọng ở VWS không nằm ở chỗ chôn rác xuống rồi phủ bạt che cho khỏi hôi thối, mà chính là việc xử lý rác theo dây chuyền hiện đại: rác hữu cơ thì sản xuất thành phân compost, các loại rác vô cơ thì phân loại để đưa đi tái chế... Chính vì vậy, hôm ấy nghe được lời than của một cán bộ VWS về việc rác do TP cung cấp không được phân loại, chúng tôi đã nghĩ đến một kết cục không vui: dây chuyền hiện đại của VWS trước sau cũng “trùm mền”. Câu chuyện ấy giờ đây đang trở thành hiện thực: chỉ mới rác để thử máy, VWS cũng xin nhập 10.000 tấn từ Mỹ!

Nghe đến đây ắt có người sẽ hỏi: Thế tại sao không tổ chức phân loại rác từ đầu nguồn để cung cấp cho VWS? Đây là một câu chuyện nói rất dễ nhưng làm thì không đơn giản. Gần chục năm trước, TP.HCM đã thử làm thí điểm ở quận 5 nhưng sau đó thì tắc! Ở Hà Nội, năm 1991 đã có một bài học về chuyện ham chạy theo công nghệ hiện đại nhưng chưa phù hợp với thực tế VN: Một nhà máy xử lý rác của Phần Lan dùng dao thép cắt nhỏ rác để ủ thành phân compost.

Chỉ vài tháng hoạt động, nhà máy này phải đóng cửa vì chẳng có lưỡi dao thép nào chịu nổi rác VN, khi trong đó trộn lẫn cả đá, sỏi! Rút kinh nghiệm xương máu của bài học “sinh con rồi mới sinh cha”, Hà Nội lên kế hoạch đầu tư khu liên hiệp xử lý rác thải hiện đại vào năm 2013. Nhưng từ tháng 7-2007, Hà Nội đã phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để tổ chức việc phân loại rác ngay tại các hộ gia đình.

Chương trình khởi động bằng thí điểm ở phường Phan Chu Trinh, và tính đến nay sau đúng bốn năm cũng chỉ mới làm được 11 phường! So với con số 577 phường ở Hà Nội thì đó là con số rất thấp. Vì vậy, cho dù được chuẩn bị trước đến sáu năm, nhưng xem ra cũng không thể kịp hoàn tất chương trình phân loại rác đầu nguồn để phục vụ khu liên hiệp xử lý rác hiện đại vào năm sau.

Để mọi người dân có thói quen tập trung rác hữu cơ (thức ăn thừa, rau củ quả...) vào một chỗ, rác vô cơ (chai lọ, hộp nhựa, giấy...) vào một nơi là chuyện không dễ. Chính vì khó nên người ta không hình dung được rằng lý do nào khiến những người có trách nhiệm lại chấp nhận một cách đơn giản cho VWS vào cuộc với dàn máy móc hiện đại - theo VWS nói, khi vấn đề phân loại rác đầu nguồn một cách triệt để vẫn chưa thực hiện.

Vì vậy, hệ quả có thể thấy được: TP không cung cấp được rác đã phân loại cho VWS theo hợp đồng thì một là “đền” tiền, hai là chấp nhận cho chôn lấp như kiểu cũ (dù giá rất cao)! Trên diễn đàn về môi trường, nhiều bạn trẻ ví von câu chuyện này giống như việc chủ nhân một ngôi nhà trống trước hở sau mà vẫn đi mua máy lạnh về lắp!

HUY THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên