Siêu tên lửa SLS của NASA và tên lửa Starship của SpaceX - Ảnh: INTERESTING ENGINEERING
Dư luận so sánh giữa hai tên lửa phóng của SpaceX và NASA nhiều đến mức các báo cáo gần đây cho thấy các quan chức NASA đang phải ra sức "phân trần". Trang tin kỹ thuật - công nghệ Interesting Engineering đã phân tích sự kiện này.
Tên lửa nào mạnh hơn và tiết kiệm chi phí hơn?
Sự khác biệt chính giữa siêu tên lửa SLS của NASA và tên lửa của SpaceX có lẽ thể hiện rõ nhất qua các kế hoạch của chính NASA cho các sứ mệnh Artemis trên Mặt trăng sắp tới của họ.
Sứ mệnh Artemis I và II sẽ bay quanh Mặt trăng bằng siêu tên lửa SLS. Trong khi cuộc đổ bộ lên Mặt trăng của Artemis III sẽ được thực hiện bằng tên lửa Starship (có thể tái sử dụng) để giúp các phi hành gia nghiên cứu và sau đó đưa họ trở lại Trái đất.
Với chiều cao chỉ dưới 100m, SLS là một tên lửa phóng khổng lồ, mặc dù nhỏ hơn so với Starship đầy đủ của SpaceX, vốn được gắn thêm một bộ tăng cường, có kích thước 120m. Starship là một tên lửa phóng siêu nặng có thể tái sử dụng hoàn toàn và đang được Công ty hàng không vũ trụ SpaceX phát triển và sản xuất.
SLS tạo ra lực đẩy 9,5 triệu lbs (4.310 tấn) và mang tải trọng 190.000 lbs (86 tấn) lên quỹ đạo Trái đất tầm thấp (LEO).
Starship tạo ra lực đẩy 17 triệu lbs (7.710 tấn), đồng thời có thể phóng 300.000 lbs (150 tấn) và tái sử dụng được.
Tên lửa nào lên quỹ đạo đầu tiên?
Cả SLS và Starship dường như đang trên đà đạt đến quỹ đạo, mặc dù cả hai dự án gần đây đều gặp phải những thất bại.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi giám đốc điều hành SpaceX, tỉ phú Elon Musk, nói Starship có thể thực hiện chuyến bay đầu tiên trên quỹ đạo ngay trong tháng 5 này, Cục Quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA) đã thông báo sẽ trì hoãn việc đánh giá về tác động môi trường của Starship đến ngày 31-5.
Đây là lần mới nhất trong chuỗi nhiều lần trì hoãn của FAA đối với Starship. Điều này là cần thiết để FAA có đánh giá đầy đủ về Starship trước khi có thể phóng lên quỹ đạo.
Quá trình phóng SLS của NASA cũng gặp phải một loạt sự chậm trễ. Gần đây SLS đã được đưa lên bệ phóng, và sau đó lại phải quay trở lại "nơi sản xuất" để phân tích sau một số vấn đề trục trặc.
SLS chỉ có thể phóng lên quỹ đạo sau khi diễn tập thành công việc tiếp nhiên liệu. Ba nỗ lực để tiến hành cuộc diễn tập này cho đến nay đã thất bại và bản cập nhật mới nhất cho thấy SLS sẽ ra mắt không sớm hơn tháng 8-2022.
Tuy nhiên, vì SpaceX đang chờ đánh giá về môi trường của FAA nên sẽ không có gì ngạc nhiên khi thấy SLS lên quỹ đạo trước, bất chấp chuỗi thất bại gần đây.
Những vấn đề lớn nhất với SLS là gì?
SLS của NASA là tên lửa mạnh nhất mang tính biểu tượng của cơ quan không gian này.
Mặc dù SLS có chiều cao thấp hơn một chút (100m) so với tên lửa Saturn V (111m) đã thực hiện sứ mệnh Apollo 11, nó vẫn có thể mang trọng tải hơn 7,5 triệu lbs (3.400 tấn) giống như của Saturn V. Vậy tại sao dự án này lại bị chỉ trích nhiều trong những tháng và năm gần đây?
Phần lớn là do chi phí lớn của SLS, cũng như chuỗi thất bại được công bố rộng rãi gần đây.
Được thiết kế với sự hợp tác của Boeing, SLS cho đến nay đã tiêu tốn gần gấp 3 lần chi phí phát triển dự kiến 10 tỉ USD, khi nó được công bố lần đầu tiên vào năm 2011.
Ngược lại, NASA đã cấp cho SpaceX ít nhất 3 tỉ USD cho việc phóng Starship. Mặc dù để có thể phát triển tên lửa tái sử dụng, SpaceX cũng đã phải dựa vào lợi nhuận từ các vụ phóng vệ tinh và dịch vụ Internet Starlink.
Hơn nữa, NASA ước tính rằng một vụ phóng SLS sẽ tiêu tốn khoảng 2 tỉ USD, trong khi tỉ phú Musk tuyên bố - trong bài thuyết trình về Starship mới nhất - một sứ mệnh Starship có thể tiêu tốn tương đối thấp, khoảng 1 triệu USD.
Điều đó phần lớn nhờ vào lợi ích to lớn của khả năng tái sử dụng tên lửa, giúp giảm chi phí phóng.
Tuy nhiên, bất chấp những chỉ trích, các quan chức NASA tuyên bố chương trình SLS vẫn được tiến hành như kế hoạch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận