Bà Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp xúc cử tri tại TP Cần Thơ chiều 4-8 - Ảnh: CHÍ QUỐC |
Bà Ngân nhìn nhận đúng là thời gian qua có những công trình hàng nghìn tỉ “đắp chiếu” nhưng không ai chịu trách nhiệm thì lần này Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng sẽ “sờ” tới. Trong giám sát của Quốc hội nhiệm kỳ này cũng sẽ giám sát cụ thể trách nhiệm của cá nhân, tổ chức gây ra lãng phí.
Làm rõ trách nhiệm liên quan tới ông Trịnh Xuân Thanh
Cử tri Vũ Cao Quân, nguyên chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự TP Cần Thơ, đề nghị phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến việc điều động ông Trịnh Xuân Thanh về làm phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Đồng thời làm rõ việc phong danh hiệu Anh hùng lao động cho PVC thời ông Thanh làm chủ tịch hội đồng thành viên.
Thiếu tướng Lê Thanh Sơn, nguyên chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Cần Thơ (cũ), cũng đề nghị xem xét việc ông Trịnh Xuân Thanh được giới thiệu cho cử tri bầu đại biểu Quốc hội là do tỉnh Hậu Giang hay do trung ương quyết định.
Trả lời các kiến nghị của cử tri, bà Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: “Có vai trò của Ban Tổ chức trung ương vì nếu Ban Tổ chức trung ương không ký thì không ai cho đi được. Bây giờ đang kiểm tra làm rõ, ngay cả Ban Tổ chức trung ương cũng đang làm kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm”.
Còn việc giới thiệu ông Thanh ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, bà Ngân nói: “Ông Thanh ứng cử đại biểu không phải do trung ương giới thiệu mà do Hậu Giang giới thiệu, mà còn giới thiệu không đúng cơ cấu vì theo cơ cấu, lãnh đạo tỉnh sẽ làm trưởng đoàn đại biểu Quốc hội nhưng lại giới thiệu thêm một phó chủ tịch UBND tỉnh”.
Bà Ngân còn nói các cơ quan hữu quan vẫn đang làm các bước tiếp theo về công tác cán bộ và trách nhiệm để lỗ hơn 3.000 tỉ đồng của ông Trịnh Xuân Thanh.
“Lần này sẽ làm tới nơi tới chốn, đằng sau ông Thanh, ai liên quan việc đưa ông về Hậu Giang cũng phải xử lý” - bà Ngân nhấn mạnh.
Sự cố Formosa là bài học đau xót
Ngày 4-8, tại buổi tiếp xúc cử tri Đà Nẵng, ông Đinh Thế Huynh - ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư - cho biết: “Bài học Formosa là bài học đau xót, cay đắng để không quên rằng phát triển kinh tế phải đi đôi với môi trường. Đây là sự cố môi trường nghiêm trọng mà phải mất thời gian mới giải quyết được. Các cơ quan chức năng đang tiến hành làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan đến vụ việc này”.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri, cử tri Đặng Vân (P. Hòa Cường Bắc, Q.Hải Châu) bức xúc: “Quốc hội phải có tiếng nói mạnh mẽ và làm rõ vấn đề Formosa gây ô nhiễm môi trường. Ai chịu trách nhiệm, có ai dám chắc liệu sau này Formosa không xả ra môi trường nữa? Liệu có ô nhiễm nữa không? Chúng tôi đề nghị làm rõ vấn đề này và cũng làm rõ vì sao cấp phép hoạt động đến 70 năm?”.
Ghi nhận ý kiến của cử tri, ông Đinh Thế Huynh nói nếu Formosa tái phạm các cam kết sẽ bị đóng cửa. Còn bây giờ điều gì Formosa cam kết thì phải thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan sẽ được tiếp tục làm rõ, có kết luận và được xử lý thời gian tới.
Đề nghị giám sát chặt các vụ ô nhiễm môi trường
Sáng qua, tổ đại biểu Quốc hội đơn vị số 1 tỉnh Đồng Nai gồm ông Võ Văn Thưởng (ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Tuyên giáo trung ương), bà Phan Thị Mỹ Thanh (phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) và bà Nguyễn Thị Như Ý (phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai) tiếp tục tiếp xúc cử tri TP Biên Hòa.
Sau khi nghe ông Thưởng thông tin về tình hình đất nước, nhiều cử tri TP Biên Hòa bày tỏ sự lo ngại về ô nhiễm môi trường trên cả nước và đề nghị Quốc hội cần giám sát chặt chẽ đối với các dự án trước khi cho phép hoạt động. Cử tri Hoàng Kim Phụng (P.Thanh Bình) nói: “Dự án bôxit ở Tây nguyên theo công nghệ của Trung Quốc như thế nào mà để bùn đỏ tràn ra gây ô nhiễm? Tôi chưa thấy Quốc hội nói về chuyện này”.
Dẫn chứng các vụ ô nhiễm môi trường của Vedan, tình trạng chôn lấp, đổ bậy chất thải ở Đồng Nai và Formosa Hà Tĩnh xả thải ra biển khiến ngư dân 4 tỉnh miền Trung khốn đốn, cử tri Ngô Xuân Trần (P.Thống Nhất) góp ý: “Thời gian tới Quốc hội cần tập trung giám sát các dự án, yêu cầu phải nghiệm thu chặt chẽ các hệ thống xử lý chất thải mới cho hoạt động”.
Lắng nghe ý kiến của cử tri, bà Phan Thị Mỹ Thanh - trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai - cho hay tiếp thu toàn bộ ý kiến cử tri để chuyển tâm tư, nguyện vọng của dân đến các cơ quan chức năng.
Lãnh đạo sở ngành trả lời tại cuộc tiếp xúc cử tri Các phó giám đốc một số sở và lãnh đạo huyện Hóc Môn được Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng “đánh giá cao vì trả lời cụ thể, quyết liệt”. Lời khen này được đưa ra sau khi các lãnh đạo sở, ngành nói trên trả lời 21 vấn đề mà cử tri Hóc Môn nêu ra tại buổi tiếp xúc cử tri của tổ bầu cử đại biểu Quốc hội số 9 (Hóc Môn, Củ Chi) sáng 4-8. Cử tri Huỳnh Thị Liên (Xuân Thới Đông) nói: “Đường 13 thuộc đường Bà Triệu nối dài, quy hoạch 30m nhưng lâu quá chưa động tĩnh gì. Nếu chưa thực hiện thì để người dân che mái nhà cấp bốn, sau này giải tỏa thì không đòi đền bù có được không?”. Ông Đỗ Phi Hùng - phó giám đốc Sở Xây dựng - trả lời nếu theo Luật xây dựng mới thì không được vì “kiểu gì cũng vướng”. Nhưng từ trước khi Luật xây dựng có hiệu lực, TP.HCM đã có quyết định 27 cho phép người dân được sửa nhà, xây nhà tạm với điều kiện khi tiến hành giải tỏa đền bù sẽ không được bồi thường. “Đây là chuyện TP cho phép nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho dân” - ông Hùng nói. Cử tri Trần Văn Thủy (xã Bà Điểm) nêu: “10 năm qua rồi mà không mở được đường Phan Văn Hớn”. Ông Nguyễn Văn Tám - phó giám đốc Sở GTVT - trả lời: TP đã có chủ trương nâng cấp mở rộng đường Phan Văn Hớn nhưng chưa cân đối nguồn lực. Để tháo nút thắt này, Sở GTVT tính toán đến việc đầu tư đường song hành cách đường Phan Văn Hớn vài trăm mét, chi phí thấp hơn nhưng hiệu quả hơn. Trả lời chung về những kiến nghị của cử tri xung quanh vấn đề quy hoạch, phó giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc Nguyễn Thanh Toàn thẳng thắn cho rằng làm sao không bức xúc được khi chỉ cách nhau một lằn ranh, một đường kẻ trên bản đồ quy hoạch nhưng hai khu vực giáp ranh nhau đã khác nhau hoàn toàn về chính sách. “Quan điểm của Sở Quy hoạch - kiến trúc là những khu vực nào phức tạp, không khả thi thì trước mắt phải xóa để trả hiện trạng cho dân” - ông Nguyễn Thanh Toàn khẳng định. Trước các câu hỏi khác của cử tri về vấn đề ô nhiễm môi trường, bà Đỗ Thị Lâm Tuyền - phó chủ tịch UBND huyện Hóc Môn - cho biết đã cùng các sở ngành rà soát, kết quả xác định được 1.300 doanh nghiệp thuộc dạng không phù hợp quy hoạch, sẽ có báo cáo TP để xử lý di dời. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận