03/08/2020 19:08 GMT+7

Sẽ có hướng dẫn mới về phòng chống dịch, hợp lý, vừa đủ

T.HÀ - N.AN
T.HÀ - N.AN

TTO - Chính phủ sẽ có chỉ thị mới về phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong tình trạng mới và sẽ nghiên cứu đề xuất của Bí thư Nguyễn Thiện Nhân về việc cách ly tại nhà đối với vùng dịch tại Đà Nẵng.

Sẽ có hướng dẫn mới về phòng chống dịch, hợp lý, vừa đủ - Ảnh 1.

Chính phủ sẽ có chỉ thị mới về các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong tình trạng mới - Ảnh: VIỆT DŨNG

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ chiều tối 3-8, các cơ quan báo chí đã đặt câu hỏi về việc áp dụng biện pháp để tận dụng thời gian vàng đầu tháng 8 nhằm ngăn chặn hiệu quả dịch COVID-19 cũng như việc ban hành chỉ thị mới của Chính phủ. 

Đồng thời, quan điểm của Chính phủ đối với đề nghị của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân áp dụng kinh nghiệm của Vũ Hán với Đà Nẵng để thực hiện phong tỏa ra sao?

Trả lời những vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng ổ dịch tại ba bệnh viện Đà Nẵng đã được khoanh vùng ngay, được phát hiện vào ngày nghỉ nhưng Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt và đưa ra giải pháp đồng bộ. Các quán hàng xung quanh đóng cửa, khuyến cáo người dân không đến nơi có dịch, hạn chế chuyên chở khách đến vùng dịch...

"Quan điểm chung là các vùng dịch phải khoanh, dập, đám lửa to khoanh to, đám lửa nhỏ khoanh nhỏ. Còn vùng khác không phải ổ dịch, như một thôn của Thái Bình, thì chỉ khoanh vùng thôn này thôi, giãn cách xã hội. 

Ta khoanh vùng với bán kính nhỏ, vừa đủ để dập dịch và đảm bảo kinh doanh, thông thương và nền kinh tế. Các nước cũng đều áp dụng chiến lược và mục tiêu kép như vậy" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh cần tính toán phương án khoanh vùng cách ly, phong tỏa vừa đủ. Ông dẫn chứng từ bài học Singapore, khi có 380.000 người ở khu công nhân dịch bùng phát, đóng cửa nền kinh tế thì phải trả giá 100 tỉ đô la Singapore. Nhiều ý kiến cho rằng chỉ cần cách ly khu ký túc xá công nhân thì không gây ra hậu quả lớn cho nền kinh tế.

Theo bộ trưởng, việc thực hiện giãn cách, phong tỏa thế nào là rất quan trọng. Trước đó, khi các tỉnh có xu thế lây nhiễm cộng đồng, khác với lây chéo trong phạm vi, Thủ tướng đã thực hiện áp dụng chỉ thị 16 về giãn cách xã hội và cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu áp dụng đề xuất của bí thư Thành ủy TP.HCM.

Bộ trưởng cũng cho biết đã hoàn thiện thông báo kết luận của Thủ tướng cuộc họp chiều 2-8, sau đó giao cho Bộ Y tế xây dựng chỉ thị trong tình hình mới. 

"Việc công bố virus biến thể cần được cân nhắc kỹ, tránh gây lo ngại người dân" - ông Dũng lưu ý. "Do đó, trên cơ sở kết luận của Thủ tướng sẽ sớm soạn thảo chỉ thị mới, trong điều kiện hiện nay là hoạt động kinh tế xã hội, chung sống trong tình trạng mới với chỉ thị mới hợp lý, vừa đủ, đảm bảo hai mục tiêu (chống dịch và phát triển kinh tế xã hội - PV)". 

"Tinh thần đưa ra giải pháp mạnh nhất, chủ động nhất, kịp thời. Đối với Đà Nẵng sẽ tăng cường các nguồn lực con người, trang thiết bị" - ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Thông tin cụ thể hơn về nội dung này, nêu quan điểm về bài học Vũ Hán, ông Trương Quốc Cường - thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của Bí thư Nguyễn Thiện Nhân là "phải chuẩn bị tinh thần ở mức cao nhất, mọi người không ra đường và chỉ ra đường khi cần thiết mua đồ ăn..." để nghiên cứu. 

Ông Cường cho biết để khống chế dịch Đà Nẵng và khi nào dỡ bỏ phong tỏa, lãnh đạo Bộ Y tế đã cử đội có nhiều kinh nghiệm nhất do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm trưởng đoàn, Thứ trưởng Sơn đã khẳng định sẽ ở lại đến khi nào hết dịch. 

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói về đề xuất ở lại Đà Nẵng

Tối 3-8, trao đổi với Tuổi Trẻ Online về quyết định này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nói: "Không phải chỉ riêng tôi, mà tất cả Bộ chỉ huy tiền phương sẽ ở lại tâm dịch Đà Nẵng cho đến khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát ổn định. Đây là trách nhiệm của ngành y tế phải làm".

Theo thứ trưởng Sơn, việc ông ở lại Đà Nẵng sẽ giúp nắm được tình hình thực tế để có thể quán xuyến, xử lý mọi công việc nhanh, gọn, kịp thời hơn. "Tôi ở đây nửa chừng rồi về cũng phải cách ly 14 ngày, nếu điều các anh em khác vào rồi về cũng phải cách ly 14 ngày nên rất ảnh hưởng tới công việc chung. Do đó, tôi xin ở trong này để cho các anh em khác tập trung công việc chỉ đạo ngành ở các tỉnh, thành khác cả nước", ông Sơn nói.

Khi xung phong ở lại tâm dịch Đà Nẵng, thứ trưởng Sơn bảo rằng với ông không có khó khăn gì cả, bởi con cái đều đã lớn khôn, bà xã ở nhà cũng có công việc của mình. "Cá nhân tôi không vấn đề gì hết, chỉ có nhớ cháu ngoại thôi (Cười...). Và lúc nhớ tôi thường giao lưu với cháu qua facetime (gọi video)", ông chia sẻ. (HOÀNG LỘC)

Ngoài ra, các đội chuyên gia, cán bộ có kinh nghiệm nhất đưa vào Đà Nẵng, tiến hành khoanh vùng, cách ly, tiêu độc, khử trùng ở ba cụm bệnh viện… Tiến hành khoanh vùng ở nơi có nguy cơ lây nhiễm cao, triển khai truy vết người tiếp xúc gần, cách ly tập trung lấy mẫu giám sát những người nghi ngờ, có tiếp xúc, cũng như huy động cả hơn 1.000 người hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch ở Đà Nẵng.

Việc gỡ bỏ phong tỏa Đà Nẵng, theo lãnh đạo Bộ Y tế, phải căn cứ tình hình thực tế trong những ngày tới. Hiện đang kiểm soát tốt để dịch không lây lan trên diện rộng, nên hi vọng thời gian sớm sẽ tháo gỡ. 

Đối với việc đề nghị cách ly tại nhà, lãnh đạo Bộ Y tế cho hay hiện khu cách ly tập trung tương đối đông, quá tải nên cũng sẵn sàng phương án cách ly tại nhà. 

Đây là phương án được chuẩn bị từ lâu, cách ly tại khu dân cư, trường học, nhà máy, nên sẽ triển khai sẵn sàng khi có ý kiến đồng ý của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia.

Ý kiến đề xuất của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân

"Về tổng thể, Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Nội, TP.HCM và 3 tỉnh giáp ranh Đà Nẵng là Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Đắk Lắk cần có biện pháp kiểm soát đặt biệt để năng dịch lan tỏa. Đà Nẵng có hơn 100 người nhiễm COVID-19 trong khi có 1 triệu người, bình quân 1 triệu người Đà Nẵng có hơn 100 người nhiễm, gấp 10 lần chỉ số 1 quốc gia có thể coi là có dịch mà WHO công bố. Đà Nẵng mức độ rất cao, gấp 10 lần chỉ số đó. Còn cả nước tỉ lệ 2,7 người nhiễm/1 triệu dân.

Cho nên tôi cho rằng cần xác định Đà Nẵng là một trung tâm dịch đặc biệt nguy hiểm, nhất là Bộ Y tế nói dịch đã diễn ra ở Đà Nẵng 2 - 2,5 chu kỳ, mỗi chu kỳ khoảng 2 tuần, tức là đã diễn ra 2 tháng nay rồi. Cho nên số ca ở Đà Nẵng tăng vọt lên là do chúng ta xét nghiệm kiểm tra thôi, chứ còn họ đã nằm đấy sẵn rồi, còn nhiều lắm.

Chúng tôi đề nghị Đà Nẵng áp dụng biện pháp cao nhất để ngăn chặn. Cao nhất là thế nào thì các đồng chí đã biết kinh nghiệm quốc tế rồi. Tôi chỉ nói kinh nghiệm Vũ Hán khi xảy ra mức cao nhất thì tất cả gia đình ở nhà, 1 ngày 1 người được đi chợ 1 lần, phát cho cái phiếu chỉ người đó được đi chợ thôi. Sau một thời gian khỏi cho đi chợ luôn, họ nhận thông báo nhu cầu thực phẩm và giao đến từng nhà. Tôi nói ví dụ căng thẳng đến thế"...

Thủ tướng: TP.HCM chưa nên giãn cách xã hội, đồng ý đưa 400 người kẹt ở Đà Nẵng về địa phương Thủ tướng: TP.HCM chưa nên giãn cách xã hội, đồng ý đưa 400 người kẹt ở Đà Nẵng về địa phương

TTO - 'Giãn cách xã hội đặt ra tới đâu chứ không phải cả nước giãn cách. Nhưng một vài địa phương vì quá nóng vội đã giãn cách xã hội. Hoan nghênh TP.HCM, Hà Nội đã dừng lại một số ngành dịch vụ, giải trí nhưng vẫn giữ các ngành sản xuất'.

T.HÀ - N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên