11/09/2022 08:52 GMT+7

Sau mỗi vụ cháy

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - Đã năm ngày rồi, sức nóng từ ngọn lửa thảm họa trong quán karaoke ở Bình Dương vẫn chưa nguội đi mà vẫn âm ỉ trong lòng nhiều người.

Nhiều người đã nhắc lại thảm họa các vụ cháy quán karaoke cũ, người thân của nạn nhân ngày ấy vẫn kể lại câu chuyện kinh hoàng như vừa hôm qua.

Khi kể lại các vụ cháy quán karaoke, cánh đàn ông thường tỏ ra bản lĩnh kể kinh nghiệm: "Đến nhà hàng, karaoke, hay cả sảnh tiệc cưới, việc đầu tiên là nhìn đường thoát hiểm.

Hễ không thấy thì ngồi một lát là tìm cách cáo từ". Lại có nhiều anh thành thật thú nhận: "Karaoke thường là "tăng hai", mấy ai vào đó mà còn tỉnh táo". Và cộng đồng mạng, nhạy bén như mọi khi, sáng tác ngay bức ảnh mà trong đó mỗi "ca sĩ" trong phòng karaoke đều ôm sẵn một bình cứu hỏa.

Thật là những hình ảnh và câu chuyện cười ra nước mắt. Karaoke được coi là một trong những sáng tạo tuyệt vời nhất của người Nhật, mang cho mỗi người phút thư giãn thoải mái và khả năng thể hiện mình đến thăng hoa. 

Từ ngày có karaoke, mỗi nhóm bạn đều có cho mình một "quán ruột", và mỗi khi đến đó, chắc chắn rất ít người để mắt tìm lối thoát hiểm, chẳng ai hỏi nhân viên bình chữa cháy khẩn cấp ở đâu, cũng không bao giờ chất vấn ông chủ về tiết diện dây dẫn có đảm bảo công suất điện. 

Cũng sẽ rất ít người nhớ chất liệu của những bức tường cách âm, nệm sofa êm ái, đèn xanh đỏ quanh mình sẽ lập tức biến thành nguồn khí độc giết người nếu có một ngọn lửa.

Mọi người bước vào phòng karaoke với nụ cười đón đợi những phút giây hưng phấn và giao phó hoàn toàn tính mạng mình vào trách nhiệm của nhân viên, của chủ quán và các cơ quan chức năng đã giám sát trách nhiệm ấy. 

Điều đó chẳng phải là bất cẩn mà là dĩ nhiên, là quyền được hưởng sự bảo vệ trong xã hội của mỗi con người.

Vậy nhưng đã liên tiếp những vụ cháy thảm khốc xảy đến, trước vụ ở Bình Dương là vụ cháy quán karaoke năm tầng ở đường Quan Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội). 

Mỗi khi ngọn lửa tắt, cùng với nỗi đau khôn cùng của thân nhân nạn nhân là những đợt ra quân tổng kiểm tra tiêu chuẩn PCCC, là những đợt huấn luyện kỹ năng chữa cháy tại chỗ và cứu hộ cứu nạn. Và tiếp sau đó lại là một vụ cháy khác.

Còn nhớ sau thảm họa ITC giữa trung tâm TP.HCM đã sắp tròn 20 năm, một trong những nguyên nhân gây thương vong được điều tra kết luận là sự bố trí các gian hàng san sát trong tòa thương xá đã chặn lối thoát hiểm và cung cấp thêm cho ngọn lửa rất nhiều vật liệu dễ cháy. 

Cả một chiến dịch tăng cường PCCC đã được khởi động ở tất cả các tòa nhà, các chợ, các cơ sở dịch vụ. 20 năm đã qua và sự kinh hoàng của ITC giờ trở lại với câu chuyện karaoke An Phú. 

Chiến dịch PCCC lại sắp được khởi động rầm rộ, như đã từng rầm rộ với các vụ cháy karaoke khác ở các nơi thời gian qua.

Nhưng các vụ cháy vẫn cứ xảy ra thật đau lòng. Lần tới bước vào một quán karaoke, các vị khách như tôi lại vẫn sẽ giao tính mạng của mình cho trách nhiệm của những nhân viên, chủ quán, cơ quan chức năng. 

Niềm tin đó sẽ được bảo vệ để biến thành những phút giây thảnh thơi, hay bị bỏ lơ để lúc nào đó cháy như hòn than trong lò lửa, phụ thuộc hoàn toàn vào họ, vào trách nhiệm của từng người đã được xã hội và pháp luật phân định rõ.

Vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương: Vì sao số người chết nhiều? Vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương: Vì sao số người chết nhiều?

TTO - Có thể thấy khi mới phát sinh cháy, lực lượng tại cơ sở đã không xử lý hiệu quả nên dẫn đến đám cháy lan nhanh, lan rộng.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên