16/01/2019 14:48 GMT+7

'Sao chữ cháu xấu đến thế?'

THANH NGUYỄN
THANH NGUYỄN

TTO - 'Sao chữ cháu xấu đến thế? Bình thường ở nhà cháu viết chữ đẹp lắm', vị phụ huynh thất vọng.

Sao chữ cháu xấu đến thế? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: AFP

Hôm qua, cô con gái học lớp 1 của tôi về khoe được 9,5 điểm kiểm tra môn Tiếng Anh tăng cường. Con kể có một câu hỏi thầy giáo đặt ra nhưng con không biết trả lời. Tôi nghĩ con đã khá lắm rồi và bằng lòng với kết quả của con. 

Tối đến, một phụ huynh gọi điện hỏi thăm và kể con gái mình chỉ được 9 điểm. 

Chị cho biết con mình đang theo học chương trình tiếng Anh cùng trung tâm với đơn vị mà nhà trường liên kết và điểm số đó khiến chị băn khoăn có nên đổi trung tâm ngoại ngữ cho con không.

Tôi chợt nhớ đến một người mẹ khác dịp đầu năm học đã từng sững sờ: "Sao chữ cháu xấu đến thế?". Chuyện là bọn trẻ lớp 1 theo quy định phải để toàn bộ sách vở ở trường sau mỗi buổi học, khoảng 2-3 tuần mới đem vở chính tả và toán về nhà để bố mẹ xem và ký tên.

Một ngày, khi các bé mới học được vài tuần, tôi gặp một phụ huynh đang trò chuyện với cô giáo với quyển vở chính tả của con trên tay. Chị ấy hỏi cô: "Sao chữ cháu xấu đến thế? Bình thường ở nhà cháu viết chữ đẹp lắm!". Sự thất vọng hiện rõ trong ánh mắt và lời nói của chị.

Cô giáo bình tĩnh giải thích rằng hai mẹ con ở nhà loay hoay cả tiếng để viết chừng ấy chữ tất nhiên là viết cẩn thận hơn, rèn chữ kỹ hơn. Còn thời gian ở lớp có hạn, trong 35 phút của tiết học được chia nhỏ cho nhiều hoạt động, nên chắc chắn từng nét chữ có thể không được tròn trịa, thẳng đều được.

Cô giáo cũng đề nghị chị cần động viên con cố gắng chứ đừng tạo áp lực nhiều cho bọn trẻ mới vào lớp 1. Nhưng tôi thấy người mẹ ấy dường như vẫn lăn tăn chuyện chữ con ở lớp xấu hơn ở nhà...

Ngành giáo dục đang phấn đấu để "mỗi ngày đến trường là một ngày vui". Chúng ta kêu gọi không biết bao nhiêu lần rằng hãy trả lại tuổi thơ cho con trẻ. Chúng ta vẫn luôn mong mỏi cởi trói cho con trẻ khỏi áp lực của điểm số, bài kiểm tra... 

Nhưng dường như điều đó sẽ khó thành hiện thực nếu bố mẹ cứ thúc ép con phải học, chất vấn và dằn vặt khi con bị điểm thấp và mãi "đứng núi này trông núi nọ" về thành tích của con.

Nhiều bậc phụ huynh đang khiến con đường đến trường của trẻ vất vả hơn, nặng nề hơn khi buộc con phải chở ước mơ của người lớn: đạt điểm số tuyệt đối, danh hiệu học sinh giỏi, phấn đấu lọt vào tốp đầu, đậu trường chuyên này, vào được lớp chọn kia…

N.V.

Xấu hổ vì con... 9 điểm! Xấu hổ vì con... 9 điểm!

TT - “Lần sau mẹ đi họp phụ huynh cho con nha, ba không đi nữa!”. Vừa trở về nhà từ cuộc họp sơ kết học kỳ 1 cho con trai năm nay học lớp 3, chồng tôi đã bực dọc thốt ra câu nói trên.

THANH NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên