23/08/2020 07:08 GMT+7

Sai phạm đất đai ở Phan Thiết: Dân chờ từng ngày xem 'số phận đất' của mình

ĐỨC TRONG
ĐỨC TRONG

TTO - TAND Bình Thuận vừa tuyên án vụ "vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại TP Phan Thiết, đồng thời kiến nghị các cơ quan chuyên môn tiếp tục điều tra làm rõ một số nội dung liên quan và xem xét giải quyết hậu quả để lại.

Sai phạm đất đai ở Phan Thiết: Dân chờ từng ngày xem số phận đất của mình - Ảnh 1.

Khu dân cư hình thành tự phát, phá vỡ quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất và đô thị tại xã Phong Nẫm, TP Phan Thiết, Bình Thuận - Ảnh: MAI THỨC

Trong đó, ngoài mức án đã tuyên cho từng bị cáo nguyên là các lãnh đạo UBND TP Phan Thiết, hàng trăm người dân vẫn lo lắng về "số phận" các nền đất của mình mua hợp pháp trước đó trong vụ án sẽ được giải quyết ra sao?

Người mua đất "ngồi trên lửa"

Theo cáo trạng, các bị cáo Trần Hoàng Khôi, Đỗ Ngọc Điệp (nguyên là các phó chủ tịch và chủ tịch UBND TP Phan Thiết) cùng thuộc cấp đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao cố ý thẩm định, tham mưu, ký quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái quy định tổng cộng 132 thửa, tương đương 170.987m2, tổng giá trị khoảng 13 tỉ đồng. 

Những sai phạm này làm phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của UBND TP Phan Thiết đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, cơ quan điều tra xác định bị cáo Điệp ký 32 quyết định, còn bị cáo Khôi ký 100 quyết định. 

Các bị cáo còn lại chịu trách nhiệm về việc thẩm định, tham mưu, trực tiếp ký tờ trình liên quan đến 132 thửa đất này. Với lý do sai phạm như vậy, Cơ quan CSĐT Công an Bình Thuận đề nghị UBND TP Phan Thiết tạm dừng tiếp nhận, giải quyết hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đối với số thửa đất này đến khi có thông báo mới.

Nói thêm về hậu quả của vụ án, vị đại diện Viện KSND Bình Thuận giữ quyền công tố tại tòa cho biết các cơ quan chuyên môn địa phương đang "đau đầu" giải quyết số đất này vì phần lớn đã chuyển nhượng cho những người tiếp theo (còn gọi là bên thứ 3).

Trình bày tại tòa, một người dân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án yêu cầu Nhà nước phải trả lại quyền được mua - bán hợp pháp của mình. Họ cho rằng bản thân nhận chuyển nhượng một số thửa đất trong vụ án này là hợp lệ, thực hiện đầy đủ các thủ tục liên quan tại các cơ quan chuyên môn. Việc UBND TP Phan Thiết ra quyết định tạm dừng chuyển nhượng đã gây nhiều khó khăn cho họ trong việc sử dụng chính mảnh đất của mình gần một năm qua. Suốt thời gian diễn ra phiên tòa, hàng trăm người dân đến mong ngóng kết quả xử lý đất đã mua hợp pháp của mình.

Khi được hỏi về "số phận" của những thửa đất mình đang ở, hầu hết người dân tại các khu dân cư tự phát cho biết có nắm thông tin đang tạm dừng chuyển nhượng. Anh T. - người đã lỡ mua một thửa đất có diện tích khoảng 100m2 trong một khu dân cư tự phát ở xã Phong Nẫm - cho biết đang mong chờ từng ngày cơ quan chức năng thông báo chính thức "số phận" đất của mình. Anh T. cho biết đất của mình trước đây mua hợp pháp, ra văn phòng công chứng, đăng ký tại văn phòng đăng ký đất đai... mới được nhận quyền sử dụng đất. Bây giờ anh muốn chuyển quyền sử dụng đất này cho người thân nhưng bất thành.

Địa phương bắt đầu gỡ rối

Trong phần tuyên án, nói đến các biện pháp tư pháp, hội đồng xét xử (HĐXX) cho biết trong số 132 thửa đất được chuyển nhượng sai phạm trên có 6 quyết định đã được thu hồi. Còn lại 126 thửa đã được người dân tách thành 553 thửa nhỏ hơn, trong đó có nhiều diện tích hiến làm đường, tự ý làm cống thoát nước, kéo trụ điện... 

Tại phiên tòa, đại diện UBND TP Phan Thiết cho biết phần lớn các thửa đất được tách nhỏ này đã sang nhượng cho bên thứ 3. HĐXX xét thấy những thửa đất này có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của các bị cáo nhưng việc chuyển nhượng tiếp theo của người dân lại đúng quy định. Cho nên, HĐXX kiến nghị UBND TP Phan Thiết xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật trên cơ sở đảm bảo đúng với thực tế, tránh gây xáo trộn đời sống người dân.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo UBND TP Phan Thiết cho biết phải chờ nhận bản án của TAND Bình Thuận mới có những bước giải quyết tiếp theo đối với các thửa đất này. Theo vị lãnh đạo này, vụ việc sẽ còn mất thêm thời gian mới giải quyết xong. Cụ thể, khi nhận bản án, các phòng chuyên môn nghiệp vụ của địa phương sẽ họp bàn phương án giải quyết và phải xem xét từng quyết định của những thửa đất trên. Thậm chí, nếu gặp hồ sơ phức tạp thì địa phương phải tham vấn cơ quan cấp trên.

Pháp luật bảo vệ người mua đất?

Luật sư Đỗ Minh Trúc - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Bình Thuận - cho biết chiếu theo quy định để người dân được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải hội đủ 4 điều kiện sau: đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất không bị tranh chấp, đất không bị kê biên đảm bảo thi hành án và đất còn trong thời hạn sử dụng.

Đối với vụ án vi phạm quy định về quản lý đất đai này, cơ quan điều tra xác định số thửa đất trên được chuyển mục đích trái phép từ đất nông nghiệp sang đất ở tại nông thôn. Do vậy, để tránh xây dựng sai phép, làm phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng và để khắc phục hậu quả, việc cơ quan điều tra đề nghị UBND TP Phan Thiết tạm dừng việc chuyển nhượng là đúng quy định. Bởi lẽ, số thửa đất này còn là vật chứng trong vụ án.

Tuy nhiên, luật sư Trúc cho rằng vụ việc chỉ ở mức tạm dừng, chứ chưa phải là tịch thu hoặc cấm chuyển nhượng vĩnh viễn. Luật sư Trúc phân tích thêm: trong trường hợp cơ quan điều tra đã xác định việc địa phương cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất sai quy định thì có thể hủy giấy chứng nhận đối với các chủ đầu tư, chủ dự án hoặc người dân được cấp sổ ban đầu. Lúc này hiện trạng đất sẽ quay về ban đầu. 

Còn trường hợp số đất này đã chuyển nhượng quyền sử dụng cho bên thứ 3 thì luật pháp có quy định bảo vệ lợi ích hợp pháp cho họ. Cụ thể, giao dịch giữa người thứ 3 và người được cấp sổ ban đầu là ngay tình, đúng thủ tục nên không bị vô hiệu. Nói cách khác, người dân đã mua các thửa đất này ngay tình thì không bị thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được bảo vệ trước pháp luật.

Kiến nghị tiếp tục điều tra các hành vi liên quan

Trong phần tuyên án của vụ án "vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại TP Phan Thiết, HĐXX kiến nghị cơ quan cảnh sát điều tra tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý theo quy định đối với những hành vi của các đối tượng khác liên quan như: xác nhận hiện trạng đất, xác định vị trí thửa đất, tính tiền sử dụng đất, tách thửa đất... có sai phạm.

Nhiều khu dân cư tự phát

Thực tế tại xã Phong Nẫm, TP Phan Thiết - một trong 3 xã có diện tích đất chuyển đổi mục đích sai phạm lớn trong vụ án - đã hình thành nhiều khu dân cư tự phát. Cứ cách một khoảng trục đường chính của xã là các đường bêtông 4-5m nối vào những khu dân cư này. Tại khu dân cư có trụ điện, cáp quang, cống thoát nước... dọc các tuyến bêtông nhỏ. Và nhiều căn nhà cấp 4 đã xây dựng trên các khu dân cư này.

Các cựu lãnh đạo UBND TP Phan Thiết nhận án tù liên quan đến đất đai Các cựu lãnh đạo UBND TP Phan Thiết nhận án tù liên quan đến đất đai

TTO - Sau nhiều ngày xét xử, sáng 21-8, TAND Bình Thuận đã tuyên phạt các bị cáo nguyên là các lãnh đạo, trưởng phòng chuyên môn UBND TP Phan Thiết liên quan vụ vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

ĐỨC TRONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên