Khu Bàn Cờ trên bản đồ Sài Gòn 1955 (chưa có đường Bàn Cờ) - Ảnh tư liệu của tác giả
Lần đầu tiên, Sài Gòn có các chung cư bình dân (nay gọi nhà ở xã hội), trong số này có chung cư Nguyễn Thiện Thuật. Dân nhà lá Bàn Cờ được "lên lầu", cách sống thay đổi hẳn.
Và rồi, các nhà mặt tiền dọc các con phố từ "nhà cây" lẹ làng "biến hình" thành nhà gạch nhiều tầng, buôn bán tấp nập.
Chợ của dân tứ xứ
Bàn Cờ từ cuối những năm 1960 giống như một khu phố lớn "kiểu mẫu" với nhiều tiện nghi: chợ, siêu thị mini, nhà hàng, cửa tiệm đủ loại và rồi trường học, đền chùa, nhà thờ, nhà bảo sanh, bệnh viện, bót cảnh sát...
Nơi đây cũng là cái "túi người", đầy đủ ngành nghề, đầy đủ Trung, Nam, Bắc và không thiếu người Hoa. Giàu, nghèo; trí thức và bình dân; quan chức và dân thường đều có mặt. Bàn Cờ là xã hội thu nhỏ điển hình của Sài Gòn qua các thời kỳ.
Ai biết Bàn Cờ, hẳn nhớ đầu tiên là chợ, nơi tập trung và lan tỏa nhộn nhịp cho cả vùng. Nhưng chợ Bàn Cờ không phải là chợ nhà lồng như chợ Tân Định hay chợ Phú Nhuận. Ngược lại, chợ chỉ họp trong hẻm, bắt đầu từ con hẻm lớn số 664 đường Phan Đình Phùng (Nguyễn Đình Chiểu) và rồi tỏa ra hai bên theo nhiều con hẻm nhỏ, giống như một bộ xương cá khổng lồ.
Chợ cũng không chia thành nhiều khu chuyên bán một mặt hàng cụ thể. Người ta có thể mua rau, mua thịt ngay bên hàng chạp phô, hàng vải. Mua bún, mua trái cây, mua gà hay cá không xa hàng mã, hàng nón, hàng guốc dép.
Trong chợ cũng có tiệm vàng, tiệm may, tiệm uốn tóc và quán ăn, quán nước đủ các kiểu. Bác tôi, mẹ tôi và dì tôi đều có sạp bán hàng ở chợ, nhờ đó đắp đổi cuộc sống qua ngày.
Thuở đầu, các sạp trong chợ đều bằng gỗ lợp tôn, có cái để trần, có cái gắn cửa gỗ hay cửa sắt chắc chắn. Khoảng những năm cuối 1980, các sạp chợ Bàn Cờ mới được xây kiên cố theo kiểu kiốt liền kề chật hẹp nhưng chỉ có ở con hẻm lớn.
Còn chợ chồm hổm, lộ thiên và các nhà quanh các hẻm hóa thành cửa tiệm vẫn tồn tại cho đến tận bây giờ. Thậm chí có phần "bung ra"ồ ạt, trong đó những năm gần đây hẻm 51 Cao Thắng trở nên đông đúc từ sáng đến tối vì là nơi bán hàng giày dép, túi xách, valy "sida".
Còn hẻm 212 Nguyễn Thiện Thuật bỗng trở thành nơi bán quần áo, đồ chơi, bánh kẹo "hàng thùng". Tất cả đều là hàng xài rồi hay hàng xách tay, hàng "tiểu ngạch", "mại zô" (mua đi), không cần nói thách.
Gần góc Cao Thắng, trên đường Phan Đình Phùng đầu những năm 1970 đã xuất hiện một "mini mart", có tên gọi là "siêu thị Bàn Cờ" của tư nhân. Tại đây có hàng hóa đa dạng và bán hàng theo kiểu tự chọn, rất mới mẻ. Sau tháng 4-1975, siêu thị hiếm hoi này đóng cửa, ngôi nhà vẫn còn nhưng chỉ bán hàng lặt vặt.
Chợ Bàn Cờ nay càng đông đúc hơn - Ảnh: TỰ TRUNG
Những hàng quán nổi danh
Trong khi ấy, quanh các đường phố lớn nhỏ của Bàn Cờ, có khá nhiều cửa tiệm và cơ sở thương mại, giải trí thuộc loại "số dách"(số 1) của Sài Gòn. Trước nhất là hàng ăn gốc Hà Nội, có đến hai tiệm phở Bắc lừng danh ở Hà thành di cư vào Nam đều tề tựu về đây.
Đó là phở Nghi Xuân mở tiệm ở góc Cao Thắng - Phan Đình Phùng (Nguyễn Đình Chiểu) và phở Tàu Thủy trên đường Nguyễn Thiện Thuật. Thêm nữa, bánh mì Hà Nội ở đường Nguyễn Thiện Thuật và bánh mì Hòa Mã ở đường Cao Thắng.
Trong khi ấy, cà phê "chính hiệu Sài Gòn" không đâu qua mặt cà phê Năm Dưỡng và cà phê Cheo Leo nằm trong hai con hẻm lớn gần nhau, thông ra cả đường Lý Thái Tổ lẫn đường Nguyễn Thiện Thuật.
Mặt khác, không thể quên cái hẻm Mỹ Hương trên đường Nguyễn Thiện Thuật. Con hẻm này và con hẻm đối diện thông ra chợ Bàn Cờ chính là một loại "food court" (khu ẩm thực nhiều loại) có từ rất sớm, bao gồm nhiều nhà hàng và xe hàng ăn.
Trong đó, nổi bật ngoài các món nhậu, còn có cháo Tiều, mì, hủ tiếu, bánh cuốn, bánh mì kẹp thịt, bột chiên, cơm tấm, chè sâm bửu lượng...Hiện tại, hẻm Mỹ Hương và các con hẻm ăn uống gần đó vẫn hoạt động sôi nổi từ chiều đến đêm.
Bổ sung vào danh sách "ẩm thực Bàn Cờ" còn phải kể đến chè Hiển Khánh trên đường Phan Đình Phùng và "hẻm cocktail" - phía sau chùa Kỳ Viên.
Một dãy hàng bán yaourt, trái cây dầm, sinh tố ra đời trong hẻm này nhờ "ăn theo" trung tâm dạy thêm toán lý hóa của thầy Nguyễn Bác Dụng mở ra từ những năm 1980.
Trong chợ trước năm 1978, có cái quán cà phê và mì Tàu đầy hương vị xưa như trong truyện của Bình Nguyên Lộc, nhưng rất tiếc chủ người Hoa sau đó phải ngưng hoạt động. Hai gian nhà lớn của quán trở thành cửa hàng hợp tác xã!
Trường học, bệnh viện, rạp hát, đền chùa...
Đối với tôi, Bàn Cờ còn là những ngôi trường đầu đời. Trường tiểu học công lập Phan Đình Phùng ở hẻm 491 Phan Đình Phùng là nơi tôi học từ lớp nhất đến lớp năm. Trên sân trường có một cây phượng lớn, đã đi vào bài tập làm văn của nhiều thế hệ học sinh. Trước cửa trường, có lớp dạy thêm luyện thi đệ thất (lớp 6) của cô Hạnh.
Quang cảnh lớp giống như cảnh thầy đồ xưa dạy học. Cô ngồi giữa giảng bài, chung quanh là học trò ngồi yên ghi chép. Cô rất nghiêm, khi dạy luôn có... cây roi mây thật to để trên bàn. Trò hư, trò lười là bị cô cho "ăn roi mây" thẳng cánh!
Trong khu Bàn Cờ, lạ thay, còn có khá nhiều trường tư, nổi tiếng nhất là Tiểu học Rạng Đông, kế đến Mẫu giáo và tiểu học Minh Tâm, Tiểu học Trường Sơn, Trung học Thăng Long, Trung học Trí Đức, Trung học Tiền Giang (đã giải thể).
Ngay tại Bàn Cờ có đến ba nhà bảo sanh tư: Đức Chính (đối diện rạp Đại Đồng), Đức Huệ (cạnh rạp Thăng Long) và Cô Mười (Phan Đình Phùng). Ngoài ra, còn có Viện Bài lao ở gần rạp Long Vân, trên đường Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ).
Đặc biệt, ở chùa Phước Hòa, gần Trường Phan Đình Phùng, có một "chẩn y viện" là phòng khám từ thiện phục vụ người lớn, trẻ nhỏ miễn phí. Dân Bàn Cờ còn "hưởng lợi" từ bốn bệnh viện gần nhà, đó là Từ Dũ, Bình Dân, Nhi Đồng và Saint Paul!
Tại Bàn Cờ còn có nhà thờ và nhiều đền chùa. Nổi tiếng nhất là Tam Tông Miếu trên đường Cao Thắng và Kỳ Viên Tự trên đường Phan Đình Phùng. Không những thế, Bàn Cờ có đến ba rạp hát là Đại Đồng, Long Vân và Việt Long (về sau xây mới là rạp Capitol, sau 1975 đổi là Thăng Long).
Khoảng năm 1973, tại góc đường Phan Đình Phùng - Bàn Cờ, mọc lên tòa nhà chi nhánh Ngân hàng Việt Nam Thương Tín, xây cất lộng lẫy. Trên đường Bàn Cờ ra đời nhà sách Thương Thương, nơi có thể tìm mua nhiều sách hay, không cần phải ra đến nhà sách Khai Trí trên đường Lê Lợi.
Những năm 1974-1975, xe buýt đời mới thanh tú, thay thế cho "xe buýt vàng" kềnh càng xưa cũ, nhộn nhịp qua lại Bàn Cờ. Bọn nhỏ xóm tôi bắt đầu có cái thú "nhảy tọt" lên xe buýt để đi học, đi chơi nhanh gọn, thay vì đi bộ hay đi xe đạp.
Sau 30-4-1975, đất và người Bàn Cờ cũng như nhiều nơi khác trên đất Sài Gòn đã trải qua một thời kỳ biến đổi khó khăn, "lọ lem" hơn mười năm, nhớ lại càng thấy bùi ngùi.
Nhưng rồi, may mắn, thời cuộc đổi mới đã diễn ra, tất cả các phường xóm của Sài Gòn không những hồi phục được sự phồn thịnh mà còn tiếp tục tiến triển bất ngờ. Với tôi, Bàn Cờ không chỉ là quê nhà ruột rà mà còn là những trang đời về lịch sử vùng đất và số phận con người vẫn chưa khám phá hết!
Từ xưa, chợ Bàn Cờ là "đại thương xá" giá rẻ không chỉ cho dân tại chỗ mà còn cho dân từ các quận khác tới, không kể sang hèn. Vào những buổi sáng cuối tuần, tôi thường gặp một loạt cánh "mày râu" ngồi gật gù trên xe Honda ở đầu các con hẻm dọc đường Bàn Cờ và Nguyễn Thiện Thuật.
Họ kiên nhẫn đợi các "bà xã" vào chợ "tảo thanh" hàng hóa hay đi uốn tóc, làm móng chân móng tay. Đôi lúc, tôi nhận ra có những vị giáo sư, bác sĩ khả kính vẫn không quên đảm đương vai trò "đức lang quân" chịu khó chờ vợ đi chợ!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận