10/04/2017 11:35 GMT+7

Sách lược của Donald Trump

NGUYỄN NGỌC HÙNG
NGUYỄN NGỌC HÙNG

TTO - Trong quá trình vận động tranh cử, ông Donald Trump đã công kích thẳng thừng “bản tính yếu ớt” của người tiền nhiệm Barack Obama trong ứng xử với các diễn biến quốc tế gay cấn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tấn công Syria trong buổi họp báo đêm 6-4 (giờ Mỹ) - Ảnh chụp màn hình
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tấn công Syria trong buổi họp báo đêm 6-4 (giờ Mỹ) - Ảnh chụp màn hình

Về Trung Đông, ứng cử viên Donald Trump hết sức nặng lời với việc ký thỏa thuận nguyên tử với Iran. Ông này coi đó là “một sai lầm nghiêm trọng” của ông Obama, thậm chí còn nói tới khả năng hủy bỏ thỏa thuận này nếu ông trúng cử!

Tiêu diệt IS và kiềm chế Iran

Khi trở thành tổng thống, ông Trump chưa thể lập tức định hình cụ thể đường lối đối ngoại của mình, nhưng cam kết của ông sẽ “khôi phục sự vĩ đại của nước Mỹ” là kim chỉ nam cho mọi quyết sách.

Với Trung Đông, Tổng thống Trump xác định hai trọng tâm chiến lược là tiêu diệt tổ chức khủng bố IS và kiềm chế Iran. Syria và Iraq là địa bàn triển khai hai trọng tâm chiến lược này.

Thời tổng thống Obama, Mỹ rất do dự khi thực hiện các hoạt động nhằm chống IS ở cả Iraq và Syria.

Ông Obama luôn cố tránh mang tiếng “vi phạm chủ quyền của các chính phủ hợp pháp” tại hai quốc gia này.

Hơn nữa, bởi chính quyền Iraq và Syria đều là đồng minh rất thân cận với Iran, Washington thường né tránh va chạm với Tehran, thậm chí mặc nhiên coi Iran như một đối tác không tuyên bố trong cuộc chiến chống IS.

Nhưng ông Trump quyết đoán hơn, lẳng lặng giành lại thế chủ động cho Mỹ tại hai quốc gia này.

Ở Iraq, giành thế chủ động cho Mỹ trong cuộc chiến chống IS đồng nghĩa với việc phải đẩy Iran ra xa việc hoạch định chiến lược và chiến dịch đánh IS.

Điều này thể hiện rõ nét khi chiến dịch Mosul bước sang giai đoạn đánh vào nội thành phía tây của thành phố này hồi giữa tháng 2-2017.

Người ta không còn thấy bóng dáng của tướng Qasem Soleimani - tư lệnh khét tiếng của lực lượng Faylaq al-Quds thuộc Vệ binh cách mạng Iran - tại bộ chỉ huy chiến dịch, như ông này trước đây vẫn thường hiện diện.

Thay vào đó là các sĩ quan Mỹ. Mỹ đã có vai trò quyết định trong việc chọn hướng tấn công từ phía nam lên, thay vì phải vượt sông al-Furat đầy trắc trở nếu từ phía đông sang như phía Iraq trù tính.

Thậm chí, Mỹ can thiệp để đẩy lực lượng dân binh Shiite thân Iran về phía mặt trận hướng tây, để không thể can dự vào hướng tấn công chủ đạo do Mỹ trực tiếp yểm trợ hỏa lực.

Ở Syria, nơi Iran hầu như không có vai trò gì trong cuộc chiến đánh IS, ông Trump chủ trương ngăn cản mọi sự can dự trực tiếp của quân đội chính quyền Syria (thân Iran) vào chiến dịch chuẩn bị đánh thủ phủ của IS ở Raqqa.

Không thể hợp tác với chính quyền al-Assad, ông Trump quyết định chọn người Kurd làm đồng minh chiến lược tại chỗ.

Người Kurd Syria được cho là không “dính” đến bên nào trong các bên tranh chấp tại đất nước này, cũng hoàn toàn không bị sự chi phối của Iran.

Đã hé lộ chủ đích của Mỹ thể hiện ý đồ chiến lược trụ lại về quân sự tại Iraq và Syria sau khi xóa sổ các dinh lũy chính yếu của IS ở hai nước này.

Tướng Joseph Votel - tư lệnh Bộ chỉ huy trung tâm (CENTCOM) của quân đội Mỹ ở Trung Đông, khi đến Iraq và Syria trong thời gian mới đây đã công khai tuyên bố về việc này.

Lý do được nêu ra là IS vẫn sẽ tồn tại sau khi chúng thất thủ ở Mosul và Raqqa.

Giới quan sát Ả Rập cho rằng sự hiện diện quân sự lâu dài của Mỹ ở Iraq, Syria không chỉ nhằm chống IS, mà chủ yếu ngăn chặn Iran và đối trọng với các căn cứ quân sự mà Nga đã thiết lập ở Syria!

Một trong những ý tưởng của ông Trump là thiết lập một khu vực an toàn trong lãnh thổ Syria, với mục tiêu công khai là cưu mang người Syria tị nạn từ bên ngoài trở về.

Đây là một ý đồ chiến lược rất quan trọng, có nhiều mục tiêu khác nhau, phù hợp với lợi ích của Mỹ tại Syria và được sự hưởng ứng nhiệt tình của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như Ả Rập.

Một khu vực an toàn như vậy nếu hình thành sẽ trở thành thánh địa của phe đối lập ôn hòa được Mỹ ủng hộ, mà quân đội Syria và đồng minh của họ khó bề đụng tới.

Nếu Mỹ độc quyền giữ vai trò bảo lãnh cho việc đánh bại IS ở Raqqa và thiết lập được khu vực an toàn bên trong Syria, thì những tham vọng của Iran tại khu vực Đông Ả Rập nói chung và Syria nói riêng sẽ bị kiềm chế nghiêm trọng.

Chủ động áp đặt “sự đã rồi”

Với ưu tiên hàng đầu nhằm tiêu diệt IS và kiềm chế Iran, ông Trump cũng thẳng thừng công khai chấp nhận “những sự đã rồi” tại Syria, chí ít là trong ngắn hạn.

Một trong “những sự đã rồi” ấy là sự tồn tại của chính quyền Syria do ông al-Assad đứng đầu và sự hiện diện không thể phủ nhận của quân đội Nga.

Tên lửa Tomahawk được phóng đi từ tàu khu trục USS Ross trên Địa Trung Hải ngày 6-4 (giờ Mỹ) - Ảnh: Reuters
Tên lửa Tomahawk được phóng đi từ tàu khu trục USS Ross trên Địa Trung Hải ngày 6-4 (giờ Mỹ) - Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, quân đội Mỹ thời Tổng thống Trump đã có những hành động rất quyết đoán và nhanh nhạy để phản ứng tức thời mỗi khi cảm thấy “đối phương” sắp lấn tới.

Hồi cuối tháng 2-2017, khi Nga yểm trợ không quân cho quân đội Syria đánh lên phía thành phố Menbij ở gần mạn đông Raqqa, Mỹ lập tức điều 200 lính thủy đánh bộ đến, giương cờ Mỹ trên các thiết giáp tuần tra để “ngăn chặn nguy cơ xung đột giữa các bên Syria tranh chấp”.

Đến cuối tháng 3, quân đội Mỹ yểm trợ trực tiếp cho lực lượng vũ trang mang danh “quân đội dân chủ Syria” đánh chiếm sân bay Tabreq (do IS kiểm soát) cách Raqqa 50km về phía nam.

Hành động này diễn ra khi quân đội Syria được không quân Nga dọn đường đang tiến về hướng Tabreq.

Bình luận của người Ả Rập cho rằng Mỹ đang nhanh chóng đại tu sân bay này, biến thành căn cứ quân sự thường trực của Mỹ tại đông bắc Syria.

Mục tiêu trước mắt là để yểm trợ cho chiến dịch đánh Raqqa (có thể vào tháng 6), nhưng lâu dài rõ ràng là đối trọng với các căn cứ Nga ở phía tây bắc nước này.

Và cuộc bắn phá bằng tên lửa từ hạm đội ở Địa Trung Hải nhắm một căn cứ quân sự của Syria ở Homs ngày 7-4 là một minh chứng rõ nhất cho tính quyết đoán và phản ứng nhanh nhạy của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tân tổng thống Mỹ cho thấy ông sẵn sàng áp đặt “sự đã rồi” với người khác, chứ không chịu thụ động ứng xử khi đối phương nhanh chân hơn mình!

Mối đe dọa lớn nhất

Ngày 30-3, khi điều trần tại tiểu ban quân vụ thuộc Hạ viện Mỹ, tướng Joseph Votel - tư lệnh CENTCOM - cho rằng “Iran là một trong những hiểm họa lớn nhất đe dọa Mỹ”.

Ông Votel đề nghị “nhất thiết phải nghiên cứu các phương án quân sự và phi quân sự mà có thể làm tê liệt các hoạt động của Iran”.

Trước đó, ngày 9-3, tướng Votel cũng điều trần trước tiểu ban các lực lượng vũ trang thuộc Thượng viện Mỹ và cũng đưa ra nhận định “Iran là mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định của khu vực”.

>> Syria trong chính sách của Mỹ: Bất ngờ với 'Mùa xuân Ả Rập'

NGUYỄN NGỌC HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên