09/04/2017 20:06 GMT+7

Syria trong chính sách của Mỹ - Kỳ 2: Đổi Syria lấy Iran

NGUYỄN NGỌC HÙNG
NGUYỄN NGỌC HÙNG

TTO - Đến giữa năm 2013, cuộc nội chiến Syria trở nên dai dẳng và khốc liệt vượt ngoài mọi tiên liệu. Tàn phá, giết chóc khủng khiếp. Hàng triệu người phải ly tán sang các quốc gia láng giềng sống trong những trại tị nạn.

Lực lượng quốc tế hỗ trợ phá hủy vũ khí hóa học ở Syria từ đầu tháng 10-2013 - Ảnh: AFP
Lực lượng quốc tế hỗ trợ phá hủy vũ khí hóa học ở Syria từ đầu tháng 10-2013 - Ảnh: AFP

Nhiều chính quyền Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ khẩn thiết mong mỏi Mỹ can thiệp lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad vì họ coi sự tồn tại cầm quyền của ông này là nguyên nhân chính của mọi thảm họa hằng ngày ở Syria.

Chính giới Mỹ cũng ngày càng có nhiều tiếng nói, nhất là từ phe Cộng hòa, gây sức ép hối thúc tổng thống Barack Obama hành động để chấm dứt chính quyền al-Assad.

Có được Iran

Nhưng ông Obama có lý riêng của mình để không thuận theo hướng dùng vũ lực hao người tốn của và trái luật pháp quốc tế nếu đơn phương can thiệp quân sự vào Syria.

Syria vốn không thuộc diện địa bàn chiến lược thiết yếu đối với lợi ích của Mỹ trong khu vực, khi Mỹ đã có các đồng minh truyền thống vững chãi như Israel, Ai Cập, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ...

Hơn nữa, tổng thống Obama đang có tham vọng chiến lược thật độc đáo theo hướng chuyển hóa Cộng hòa Hồi giáo Iran trở thành một lực lượng có thể tham gia duy trì và bảo vệ thế cân bằng lực lượng trong khu vực; bớt gánh nặng trách nhiệm cho Mỹ như suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Chủ trương này phù hợp với mục tiêu chiến lược mà ông Obama luôn chú tâm thực hiện: chấm dứt can dự vào các cuộc xung đột ở Trung Đông, chuyển hướng chiến lược sang châu Á - Thái Bình Dương.

Đây có thể là lý giải được coi là dễ chấp nhận nhất cho việc tổng thống Obama quyết định không tấn công đánh phá Syria hồi tháng 9-2013, sau vụ chính quyền al-Assad bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường. Khi ấy mọi hỏa lực khổng lồ của Mỹ bao quanh Syria đã trong tình thế “đạn đã lên nòng”, chỉ còn chờ lệnh từ tổng thống Obama!

Nga đã kịp thời tháo ngòi nổ bằng một giải pháp buộc chính quyền Syria chấp nhận giải giáp kho vũ khí hóa học bí mật của họ. Giải pháp này cứu cho chính quyền Syria một đòn trí mạng từ phía Mỹ, đồng thời giúp giải tỏa cho tổng thống Obama thoát khỏi tình thế buộc ra lệnh đánh phá Syria dù thực tâm ông vẫn muốn tránh.

Với việc giải giáp vũ khí hóa học của Syria, ông Obama tập trung trở lại với ván bài Iran đầy tham vọng và rủi ro. Cửa đột phá mà ông Obama nhắm đến là gỡ bỏ chương trình hạt nhân của Iran, mà dư luận tin rằng có tham vọng sở hữu vũ khí hủy diệt.

Các cuộc tiếp xúc do Mỹ chủ động được thực hiện bí mật thông qua nhiều kênh đa dạng trong hoàn cảnh Mỹ và Iran vẫn đoạn tuyệt quan hệ ngoại giao.

Oman - quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé, nằm ở bờ tây của eo biển chiến lược Hormuz mà bên đông là Iran - đóng một vai trò tế nhị lặng lẽ trong cuộc “đi đêm” giữa Mỹ và Iran để tiến đến đạt được thỏa thuận nguyên tử được chính ông Obama coi là “có tính chất lịch sử” vào tháng 7-2015.

Kết quả trực tiếp lớn nhất mà tổng thống Obama đạt được thông qua thỏa thuận hạt nhân với Iran là nước cộng hòa Hồi giáo này chịu chấp nhận ngưng chương trình nguyên tử của mình trong thời gian 10 năm tới và lời cam kết này được đặt dưới sự giám sát của LHQ.

Nhưng mất đồng minh

Nhưng từ sau khi có thỏa thuận nguyên tử với Iran, vị thế của Mỹ ở Trung Đông không hề được cải thiện. Bản thân tổng thống Obama nhận lấy thêm nhiều bất mãn và chỉ trích nặng nề từ phía tất cả các đồng minh truyền thống trong khu vực.

Israel bất mãn nhất. Chính quyền Tel Aviv coi thỏa thuận này là “hợp thức hóa tham vọng hạt nhân của Iran”, bởi Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho rằng thỏa thuận không buộc Iran phải dỡ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân của họ.

Israel đoan chắc là không ai có thể giám sát được những hành động bí mật của Iran tiếp tục nghiên cứu chế tạo vũ khí hạt nhân.

Saudi Arabia và nhiều quốc gia Ả Rập khác coi thỏa thuận đó là thả lỏng cho Iran thẳng tay tăng cường các hoạt động “bành trướng thế lực” sang các quốc gia ở khu vực Đông Ả Rập, cụ thể là Iraq, Syria, Lebanon, Yemen, Bahrain.

Có lẽ cũng vì tập trung toàn lực bảo đảm an toàn cho tiến trình chiêu dụ Iran chấp nhận thỏa thuận hạt nhân mà tổng thống Obama đã không quan tâm đúng mức đến sự phục hồi của tổ chức al-Qaeda tại Iraq ngay từ khi ông vào Nhà Trắng (đầu năm 2009).

Không phải hệ thống tình báo đa dạng của Mỹ u mê trước sự hồi sinh của tổ chức khủng bố này trong môi trường hỗn loạn chính trường ở Iraq khi Mỹ rút đi, và trong hoàn cảnh nội chiến tương tàn ở Syria. Nhưng tổng thống Obama đã gạt sang một bên mọi ý kiến tham mưu có thể khiến ông phải xao nhãng khỏi mục tiêu thu phục Iran.

Hơn nữa, tổng thống Obama tiên liệu rằng nếu Mỹ tăng cường giúp đỡ phe đối lập vũ trang ở Syria thì sẽ “đụng chạm” tới Iran và Nga - quốc gia có vai trò rất quan trọng trong việc thuyết phục Iran chấp nhận thỏa thuận hạt nhân!

Hẳn vì thế, khi bước vào nhiệm kỳ 2, từ đầu năm 2013 tổng thống Obama đã lần lượt loại bỏ liên tiếp các cộng sự thân cận nhất liên quan đến vấn đề Syria và chống khủng bố. Đó là ngoại trưởng Hillary Clinton, cố vấn an ninh quốc gia James Jones, bộ trưởng quốc phòng Robert Gates, giám đốc CIA Leon Panetta...

Nga và Iran hưởng lợi

Nhờ vai trò hữu hiệu giúp hoàn thành việc xóa vũ khí hóa học tại Syria năm 2013 và thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015, nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin chính thức bắt đầu khôi phục được vai trò vốn có trước đây của Liên Xô ở khu vực này.

Bước khởi đầu này dọn đường cho việc Nga công khai can thiệp quân sự vào Syria, theo đề nghị của Tổng thống al-Assad, từ tháng 9-2015.

Nhờ đó, Nga cứu được chính quyền al-Assad khỏi nguy cơ thất trận đến nơi hồi mùa hè năm ấy; giúp quân đội của tổng thống Syria và đồng minh đánh bại lực lượng vũ trang đối lập ở mặt trận chiến lược Aleppo cuối năm 2016; để từ đầu năm 2017 đến nay Nga hầu như thế chân Mỹ trở thành nhân tố điều phối quốc tế chủ yếu cho các cuộc hòa đàm giữa đôi bên Syria.

Cũng nhờ chấp nhận thỏa thuận nguyên tử năm 2015, Iran hầu như không bị Mỹ cản trở gì đáng kể trong các hoạt động ráo riết giành lợi thế rất căn bản và to lớn cho các thế lực thân Iran tại Syria, Iraq, Lebanon và Yemen.

Chính quyền của Tổng thống Hassan Rouhani thậm chí còn hi vọng ở khả năng được dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt quốc tế, giúp Iran hòa nhập trở lại với cộng đồng thế giới sau khi bị cô lập suốt từ năm 1979 đến nay.

_______________ 

Kỳ tới: Sách lược của Donald Trump

>> Kỳ 1: Bất ngờ với 'Mùa xuân Ả Rập'

 

NGUYỄN NGỌC HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên