18/04/2013 13:15 GMT+7

Rủi ro khi làm việc chui tại Angola

VŨ TOÀN - HỒ VĂN
VŨ TOÀN - HỒ VĂN

TT - Liên tiếp những vụ người VN bị tử nạn tại thị trường lao động Angola khiến dư luận - nhất là những phụ nữ có chồng, những gia đình có con đang lao động tại nước này - lo lắng, bất an.

Hầu hết lao động đi Angola bằng hợp đồng cá nhân hợp pháp, nhưng khi sang Angola không có cơ quan, công ty tiếp nhận nên ra ngoài làm việc và trở thành lao động bất hợp pháp.

Một xóm 5 người tử nạn

Căn nhà cấp 4 của mẹ con chị Tăng Thị Thúy Hằng (32 tuổi, ở xóm Thắng Lợi, xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) những ngày này trở nên vắng lặng. Sau ngày đưa tang chồng là anh Đậu Xuân Thường, chị Hằng nằm liệt trong căn buồng nhỏ với hai cô em dâu và con gái Đậu Tăng Thảo Nguyên đang tuổi mẫu giáo. Cô em dâu của chị Hằng cho biết: “Anh Thường sang Angola làm nghề sửa chữa xe gắn máy chưa đầy tám tháng thì bị tử nạn ngày 15-3 nhưng 23 ngày sau mới đưa được thi thể về nước”.

Chị Hằng nói chồng chết “do tai nạn” nhưng những người ở xóm đang lao động tại Angola cho gia đình biết “anh Thường bị kẻ xấu đánh chết bên đường”. Một người dân ở cạnh nhà chị Hằng nói: “Riêng xóm Thắng Lợi này có 30 người đang lao động bên Angola. Đến nay đã có năm người tử nạn”.

Ở đây còn có chị Nguyễn Thị Thảo, 28 tuổi, lấy chồng về xóm 5B Mỹ Thịnh, xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đang sống cảnh như chị Hằng do chồng bị kẻ xấu bắn chết ở Angola ngày 17-11-2012. Bà Hồ Thị Thủy là mẹ chồng của chị Thảo vừa nhắc đến chuyện con trai là anh Chu Văn Toản gặp nạn đã ôm mặt khóc: “Con tôi mới 31 tuổi, vừa sang Angola làm thợ xây đúng một năm thì gặp nạn. Chiều hôm đó, con tôi làm bữa cơm chia tay bạn bè để về quê đón tết dương lịch nhưng khi anh em đến dự tiệc thì thấy con tôi nằm chết trong góc nhà với nhiều vết đạn”. Bà Thủy đưa bàn tay sạm gầy gạt nước mắt: “Tôi còn một đứa cháu là Cao Quang Thưởng, 34 tuổi, theo con tôi làm thợ xây cũng từng bị kẻ xấu trấn lột. Cháu vừa đi được năm tháng nhưng chứng kiến cảnh con tôi chết, mong về quê mà chưa kiếm đủ tiền”.

Cạnh đó là ngôi nhà mới xây của bà Bùi Thị Thu ở xóm 1, Hưng Mỹ, xã Hưng Chính. Bà Thu là mẹ anh Lê Văn Tuấn, 27 tuổi, cũng bị bắn chết hồi tháng 1-2012 ở Angola. Bà Thu ngậm ngùi kể nỗi đau về đứa con trai độc nhất: “Tháng 3-2010, Tuấn theo cậu ruột sang Angola làm thợ xây, tốn 70 triệu đồng chi phí dọc đường. Được hơn năm, thấy Tuấn làm ăn khá nên được tách ra cho làm chủ thầu. Tết năm 2012, Tuấn về ăn tết và trở lại Angola được ba ngày thì bị bắn chết. 22 ngày sau gia đình tôi mới đưa Tuấn về quê được. Cái nhà này là do tiền của Tuấn gửi về làm. Tôi có hai con gái và một mình Tuấn là con trai. Nó chưa vợ con gì cả...”.

Phấp phỏng ngóng chồng

Bà Trần Thị Hương (42 tuổi, trú tại xóm 3, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) phân trần: “Ngày 4-4, tôi đi viếng hai nạn nhân ở xã Nghi Hòa và xã Nghi Kim bị chết do dịch sốt rét mà lo cho chồng. Chồng tôi là Ngô Xuân Thương sang Angola chưa tròn hai tháng nhưng bị sốt rét phải nằm viện một tháng. Hiện chưa có tiền gửi về vì một tháng làm 26 công (26 ngày) vừa đủ trả viện phí gần 1.000 USD. Tôi mong sao chồng mau trở về, mất hơn 6.000 USD chi phí cho đường dây ở Hà Tĩnh cũng cam chịu, còn người hơn còn tiền”.

Nghe bà Hương nói, bà Nguyễn Thị Thảo (42 tuổi, bạn một thời đi lao động ở Malaysia với bà Hương) rút điện thoại gọi sang Angola hỏi chồng bị sốt rét đã xuất viện chưa. Chồng bà là ông Phan Văn Quyết cho biết đã ra viện, đang đi làm nhưng tình hình bên này rợn lắm. Ngoài dịch sốt rét đang hoành hành còn lo sợ bị đánh đập và bị bắn chết nên ngoài giờ đi làm không dám ra khỏi nhà”.

Theo bà Thảo, tháng 2-2012 chồng bà được ông Trí, người xã Hưng Chính, đến rủ đi lao động bên Angola, đóng 2.500 USD tiền cọc để làm thủ tục. Sau đó, vay ngân hàng thêm 4.000 USD để nộp trọn gói cho ông Trí. Bà Thảo nhẩm tính sau hơn một năm ông Quyết gửi về được 2.500 USD rồi nói: “Mấy hôm tôi phải đi vay ngoài để trả nợ ngân hàng. Nay phải vay tiếp để gửi sang cho chồng về. Còn chồng hơn còn tiền”.

Chiêu lừa đảo

Theo giám đốc một công ty xuất khẩu lao động từng sang Angola khảo sát thị trường, chưa có bất kỳ một công ty xuất khẩu lao động nào ở VN đưa lao động sang Angola làm việc. Nhưng tại sao lao động VN sang Angola làm việc rất đông? Vị giám đốc này giải thích: “Hiện Angola như một đại công trình xây dựng, các công ty trúng thầu chủ yếu là Trung Quốc và có thêm Bồ Đào Nha, Hàn Quốc. Các công ty trúng thầu này được phép tuyển lao động đưa sang làm việc theo công trình. Lợi dụng việc này, những người VN làm việc lâu năm ở Angola mua giấy tờ của các công ty trúng thầu nhằm hợp pháp hóa việc tuyển lao động. Sau đó, họ lập đường dây môi giới tuyển lao động VN đưa sang Angola. Khi đến Angola, chỉ số ít được làm tại các công trường của các công ty xây dựng. Vì vậy, khi đi lao động có giấy tờ hợp pháp của công ty tiếp nhận, nhưng sang đến Angola làm việc cho các thầu nhỏ khác nên trở thành lao động bất hợp pháp”.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết thời gian qua nhiều lao động theo thu xếp của một số công ty, cá nhân đã nhập cảnh vào Angola bằng thị thực lao động. Khi đến Angola, nhiều người không có việc làm ổn định, mức lương thấp không như hứa hẹn ban đầu. Vì vậy, nhiều người đã chấp nhận làm việc trong môi trường không an toàn, nhiều dịch bệnh... Một số lao động đã bị chính quyền Angola bắt và trục xuất.

“Tôi từng qua Angola để khảo sát tình hình. Khi qua đây mới biết được tình hình rất phức tạp, việc làm lương cao nhưng không dễ sống. Hầu hết lao động VN qua đây đều làm cho các nhóm thầu xây dựng tự do của người Việt. Khi có việc làm thì thu nhập đạt 800-1.000USD/tháng, nhưng thời gian ngồi chơi xơi nước cũng nhiều. Cuộc sống ở Angola rất đắt đỏ, nhất là chi phí chữa bệnh. Nếu lao động bị bệnh vào bệnh viện khám ít nhất cũng tốn 1.000 USD/lần khám, chưa kể bệnh nặng tốn hàng chục ngàn USD. Cơm ăn bình dân tốn 70USD/bữa. Tình hình bệnh dịch sốt rét và các bệnh về môi trường rất dễ xảy ra, cướp giật cũng rất phức tạp...” - ông Quỳnh cho hay.

GSe8SNDt.jpgPhóng to
Bà Bùi Thị Thu nhạt nhòa nước mắt thương con - Ảnh: VŨ TOÀN

Đã có 18 người chết

Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, hiện cộng đồng người Việt đang sinh sống và làm việc tại Angola khoảng 40.000 người bao gồm: chuyên gia, người buôn bán, đông nhất là lao động phổ thông. Còn theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, đến nay đã có 18 người VN chết tại Angola vì dịch bệnh và tai nạn lao động (chưa kể mới đây có thêm mấy người chết được đưa về Nghệ An, Hà Tĩnh chưa cập nhật).

Cũng theo ông Quỳnh, hiện giữa VN và Angola chưa ký kết các hiệp định về tiếp nhận và phái cử lao động (dạng xuất khẩu lao động chính thống). Chỉ có cán bộ, chuyên gia được cử đi Angola làm việc theo từng dự án giữa hai chính phủ. Các chuyên gia này được hưởng thu nhập rất cao, như chuyên gia trong lĩnh vực y tế có thể thu nhập 2.800 USD/tháng trở lên.

VŨ TOÀN - HỒ VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên