14/07/2014 04:55 GMT+7

Rối với ưu tiên khu vực: giải pháp nào?

TS NGUYỄN ĐỨC NGHĨA (ĐH Quốc gia TP.HCM)
TS NGUYỄN ĐỨC NGHĨA (ĐH Quốc gia TP.HCM)

TT - Theo chúng tôi, có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng rối rắm này: một là các thông tin về ưu tiên khu vực (KV) 1 không đầy đủ hoặc thậm chí bị sai, và hai là giải pháp kỹ thuật (xử lý dữ liệu tuyển sinh) đã bỏ sót một số thí sinh thuộc diện được hưởng ưu tiên KV1.

Được chỉnh sửa đối tượng, khu vực ưu tiên sau khi thi Vẫn rối rắm khu vực ưu tiên trước ngày thi ĐH đợt 2 Ngày đầu làm thủ tục dự thi: mỏi tay sửa sai sót

KVM7Ni0k.jpg

Việc điều chỉnh ưu tiên, đặc biệt là ưu tiên KV1 trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2014, đã có những bước hợp lý hơn khi đặt trên những cơ sở pháp lý rõ ràng như các quyết định (QĐ) 539 của Thủ tướng Chính phủ và 447 của Ủy ban Dân tộc. Từ 21 tỉnh được ưu tiên KV1 trên toàn bộ địa bàn trong những năm trước, trong năm 2014 chỉ còn 17 tỉnh được ưu tiên trên toàn bộ địa bàn và ở nhiều tỉnh ưu tiên KV1 cũng được điều chỉnh lại theo đúng nội dung của các QĐ trên. Ước tính số thí sinh được ưu tiên KV1 sẽ giảm bớt 10-15% tổng số thí sinh.

Tuy nhiên, các giải pháp kỹ thuật để thực thi việc điều chỉnh ưu tiên KV1 lại chưa được cập nhật đồng bộ, dẫn đến việc khá nhiều thí sinh có yêu cầu điều chỉnh bổ sung lại tập trung đông vào ngày đầu tiên của hai đợt thi ĐH vừa qua khiến các trường lúng túng, còn phụ huynh và thí sinh thì lo lắng, bức xúc. Những thông tin từ báo chí cho biết trong hai đợt tuyển sinh ĐH vừa qua nhiều trường có hàng trăm thí sinh, cá biệt có trường đến hàng ngàn thí sinh yêu cầu điều chỉnh dữ liệu dự thi, phần lớn liên quan đến ưu tiên khu vực.

Nhiều thông tin được cung cấp sai

Đề nghị kéo dài thời gian chỉnh sửa

Theo quy định tại điều 23 quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hiện hành, việc điều chỉnh, bổ sung dữ liệu của thí sinh phải thực hiện trong ngày thi đầu tiên của kỳ thi. Với hiện trạng như vừa nêu trên, việc kiểm dò để xác nhận đúng là thí sinh được hưởng ưu tiên KV1 hay không phải thực hiện thủ công cho từng thí sinh kèm theo các minh chứng, trước hết là bản sao hộ khẩu thường trú, do vậy các trường không thể thực hiện kịp trong một ngày nếu có quá đông thí sinh yêu cầu điều chỉnh. Do vậy, cần có văn bản chính thức cho phép các trường được kéo dài thời gian chỉnh sửa này để bảo đảm quyền lợi của thí sinh.

Tuy nhiên về lâu dài, việc xét ưu tiên khu vực tuyển sinh cần được giải quyết căn cơ không chỉ bằng các giải pháp kỹ thuật (dữ liệu thông tin và phần mềm tuyển sinh) mà phải xuất phát từ quan điểm và chủ trương vì thật ra các QĐ 539 và 447 chỉ tính đến giai đoạn năm 2015, còn sau mốc thời gian này sẽ như thế nào? Đó là chưa kể còn phải giải quyết “nguy cơ” ngay trong năm tuyển sinh 2015 sắp tới liệu có những “dòng chảy hộ khẩu” về các xã có tên trong các QĐ 539 và 447 hay không.

Những rối rắm này cần hết sức được lưu ý khi tiến hành cải cách tuyển sinh, đừng để các vấn đề kỹ thuật nhỏ gây hậu quả lớn cho một kỳ thi mà xã hội đặt nhiều kỳ vọng.

Một trường hợp khá điển hình là huyện Ninh Phước của tỉnh Ninh Thuận. Huyện Ninh Phước có một thị trấn (huyện lỵ) và tám xã, tất cả đơn vị hành chính này thuộc diện được hưởng ưu tiên KV1 vì đều có tên trong các QĐ 539 và 447. Thế nhưng theo quyển Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ 2014 (tạm viết tắt thành “Những điều cần biết...”) thì huyện Ninh Phước chỉ có bốn xã An Hải, Phước Hải, Phước Thái, Phước Vinh được hưởng ưu tiên KV1, thị trấn Phước Dân và các xã còn lại chỉ được hưởng ưu tiên KV2-NT (thí sinh mất 0,5 điểm).

Hơn thế nữa, xã Thành Hải là xã duy nhất của thành phố Phan Rang - Tháp Chàm nhưng cũng được hưởng ưu tiên KV1 theo QĐ 447, tuy nhiên quyển Những điều cần biết... lại gán xã Thành Hải thành KV2 giống như các phường khác của thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (thí sinh mất 1 điểm).

Tình trạng tương tự cũng xảy ra cho nhiều huyện ở một số tỉnh khác. Dẫu rằng quyển Những điều cần biết... không phải là cơ sở pháp lý chính thức để xác định ưu tiên khu vực, nhưng đây là tài liệu tham khảo phổ biến cho rất nhiều thí sinh (không phải thí sinh nào cũng đọc được các QĐ 539 và 447), do vậy có khả năng nhiều thí sinh “không biết” hoặc “biết nhầm” về ưu tiên khu vực của mình.

Ngay cả trong danh mục chính thức dùng làm cơ sở dữ liệu cho xét ưu tiên KV1 được cung cấp cho các sở GD-ĐT và các trường ĐH, CĐ, do rà soát chưa kỹ nên một vài trường THPT như THPT Quảng Xương 4 và Hậu Lộc 4 (tỉnh Thanh Hóa) với tổng số đăng ký dự thi lên đến 1.100 lượt thí sinh bị xếp thành KV2-NT thay vì KV1. Dù đã có văn bản đính chính vào giữa tháng 6 vừa qua, nhưng đến thời điểm đó các trường ĐH, CĐ in xong và đã gửi giấy báo dự thi cho thí sinh.

Nhiều khả năng xử lý xét ưu tiên KV1 bị sót

Nguyên tắc chung để xét ưu tiên tuyển sinh theo khu vực là địa bàn nơi trường THPT mà thí sinh học và thi tốt nghiệp THPT. Chỉ một số ít đối tượng thí sinh được xét ưu tiên khu vực căn cứ theo hộ khẩu thường trú.

Để thực hiện việc điều chỉnh ưu tiên KV1, Bộ GD-ĐT đã ban hành thông tư 06 ngày 11-3-2014 bổ sung một đối tượng được xét ưu tiên KV1 theo hộ khẩu thường trú thay vì theo địa chỉ trường THPT như đại trà các thí sinh khác, đó là các thí sinh có hộ khẩu thường trú tại các thôn đặc biệt khó khăn, các xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi quy định tại các QĐ 539 và 447 với điều kiện phải học trung học tại địa điểm thuộc huyện, thị xã có các thôn, xã mà thí sinh thường trú.

Tuy nhiên, trong hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh, ở mục 10 chỉ thể hiện đến thông tin tỉnh, huyện (không đến xã), do vậy việc gán ưu tiên KV1 khi nhập dữ liệu tuyển sinh ở nhiều sở GD-ĐT chỉ có thể căn cứ vào mục 11 (mã trường THPT). Điều này dẫn đến việc thí sinh có hộ khẩu thường trú ở các xã nằm trong QĐ 539 và 447, nhưng nếu các xã này không có trường THPT và các em phải sang học ở những trường THPT tại những xã lân cận có ưu tiên khu vực khác để học thì nguy cơ bị gán nhầm thành ưu tiên KV2-NT rất cao, thậm chí thành KV2 như trường hợp thí sinh của xã Thành Hải (không có trường THPT) của thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.

Một ví dụ điển hình khác phức tạp hơn như trường hợp của huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Huyện Ninh Hải có một thị trấn và tám xã, trong đó có hai xã Vĩnh Hải và Xuân Hải được xếp ưu tiên KV1. Tuy nhiên, ba trường THPT của huyện này (Trường THPT Ninh Hải, Trường THPT Tôn Đức Thắng và Trường THPT Phan Chu Trinh) đều ở các xã thuộc KV2-NT. Như vậy, tại ba trường này (với số lượt học sinh đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2014 lên đến 1.500 lượt, chiếm hơn 10% tổng số thí sinh của tỉnh Ninh Thuận) có cả học sinh thuộc diện ưu tiên KV1 (nếu có hộ khẩu thường trú tại các xã Vĩnh Hải và Xuân Hải) và học sinh thuộc diện ưu tiên KV2-NT (nếu có hộ khẩu thường trú ở các xã khác trong huyện Ninh Hải).

Tuy nhiên, nếu tinh thần của thông tư 06 không được hiểu đúng và thực hiện thì tất cả thí sinh của ba trường này đều chịu chung số phận là KV2-NT. Đó là chưa kể đến chi tiết là trong tài liệu “Danh sách các trường THPT đóng tại các huyện, thị xã có xã theo QĐ 447 và 539” do Bộ GD-ĐT công bố gần đây nhất, ngày 29-6-2014 trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm giúp các trường ĐH, CĐ có thông tin xử lý cũng chỉ nêu tên xã Vĩnh Hải chứ không có xã Xuân Hải.

TS NGUYỄN ĐỨC NGHĨA (ĐH Quốc gia TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên