06/03/2023 10:38 GMT+7

Rối tuyển sinh đầu cấp thời không hộ khẩu giấy

Mùa tuyển sinh đầu cấp đang đến gần, nhiều địa phương ở TP.HCM bắt đầu rà soát danh sách trẻ nhập học. Vấn đề nổi lên của kỳ tuyển sinh năm nay là bỏ hộ khẩu giấy thì xác nhận cư trú ra sao?

Người dân cầm giấy xác nhận cư trú tới nộp theo yêu cầu của Trường tiểu học Đông Ba - Ảnh Đ.THUẦN

Người dân cầm giấy xác nhận cư trú tới nộp theo yêu cầu của Trường tiểu học Đông Ba - Ảnh Đ.THUẦN

Mùa tuyển sinh năm nay, do sổ hộ khẩu bị bỏ nên việc xác định thông tin cư trú của trẻ (diện thường trú, tạm trú, thường trú từ 6 tháng - 1 năm...) để ưu tiên nhận hồ sơ theo chỉ tiêu được các địa phương, các trường lưu ý hơn.

Bắt nộp giấy xác nhận cư trú

Đầu tháng 2, chị T.A. (thường trú TP Thủ Đức, TP.HCM) được tổ trưởng dân phố kêu làm thủ tục đăng ký cho con (sinh năm 2017) vào lớp 1. Trong hồ sơ đăng ký yêu cầu phải cung cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú, mã định danh cá nhân và giấy khai sinh của trẻ. "Tổ trưởng hướng dẫn lên công an phường làm giấy xác nhận cư trú. Tổ trưởng nói giờ không còn sổ hộ khẩu nữa nên cần giấy xác nhận thông tin cư trú để trường có cơ sở sắp xếp nơi học cho các cháu" - chị T.A. kể.

Chị đến công an phường thì cán bộ tiếp dân đưa cho mẫu tờ khai thay đổi thông tin cư trú, hướng dẫn khai nội dung, có xác nhận của cảnh sát khu vực. Chị điền thông tin xong, nhờ cảnh sát khu vực ký xác nhận rồi nộp cho công an phường và hôm sau đến nhận kết quả. Có giấy xác nhận xong, chị T.A. mới nộp cho UBND phường để chuyển cho trường theo tuyến.

"So ra, việc đem sổ hộ khẩu đi sao y như trước đây đơn giản và tiết kiệm hơn nhiều so với việc đi xin giấy xác nhận cư trú" - chị T.A. nói.

Ông B.A. (ngụ quận Phú Nhuận), có con đang học lớp 5 tại Trường tiểu học Đông Ba (phường 7, quận Phú Nhuận), bức xúc cho biết giáo viên chủ nhiệm vẫn nhắc nhở phụ huynh nhanh chóng liên hệ công an phường xin giấy xác nhận thông tin về cư trú mẫu CT07. Con ông B.A. làm hồ sơ chuyển từ Trường tiểu học Đông Ba lên lớp 6 theo đúng tuyến.

"Theo thông báo của giáo viên chủ nhiệm thì việc này làm theo sự chỉ đạo của Phòng GD-ĐT quận Phú Nhuận để làm hồ sơ lớp 6, hạn chót là ngày 3-3-2023. Trường yêu cầu thì phải làm thôi vì sợ con không được đi học. Nhưng tôi không hiểu vì sao Thủ tướng vừa chỉ đạo tăng cường khai thác thông tin cư trú từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không yêu cầu người dân cung cấp giấy xác nhận cư trú nhưng phòng giáo dục thì vẫn yêu cầu xác nhận" - ông B.A. bức xúc nói.

Các quận, huyện nói gì?

Trả lời Tuổi Trẻ, đại diện Phòng GD-ĐT quận Phú Nhuận cho biết trước đây có việc yêu cầu xác nhận cư trú tại một số trường tiểu học với những trường hợp học sinh lớp 5 thay đổi chỗ ở. 

"Trong bảy cách quy định về xác định nơi cư trú, những cách thực hiện theo căn cước công dân thì học sinh chưa có nên các trường đã thực hiện cách thứ sáu là để công an xác nhận nơi cư trú cho học sinh. 

Tuy nhiên, sau khi có khuyến cáo không yêu cầu công dân phải nộp giấy xác nhận cư trú, chúng tôi cũng đã yêu cầu lại với công an về cách thức xác định nơi cư trú này của học sinh. Theo đó, với những trường hợp học sinh thay đổi nơi cư trú, trường sẽ liên lạc với bên công an để xin thông tin" - vị này giải thích.

Cũng theo vị này, ngay khi có thông tin từ báo Tuổi Trẻ, Phòng GD-ĐT quận Phú Nhuận đã làm việc với các trường tiểu học để yêu cầu các trường ngưng việc yêu cầu học sinh lớp 5 lấy giấy xác nhận cư trú từ công an. Có thể một số giáo viên chủ nhiệm vẫn chưa nắm đầy đủ thông tin nên đã yêu cầu học sinh xin giấy xác nhận. 

"Tôi xin báo lại là tất cả học sinh lớp 5 nếu thay đổi chỗ ở thì chỉ cần báo thay đổi chỗ ở, chứ không bắt buộc phải nộp giấy xác nhận cư trú" - đại diện Phòng GD-ĐT quận Phú Nhuận khẳng định.

UBND phường rà soát trẻ trong độ tuổi 5-6

Ông Trần Khắc Huy, trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Bình (TP.HCM), cho biết phòng đang chờ những thông tin chính thức từ Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM về tuyển sinh đầu cấp.

Phòng đã tham mưu với UBND quận Tân Bình yêu cầu UBND các phường rà soát trẻ trong độ tuổi 5-6, từ đó nắm lại tình hình chung để tính toán chỉ tiêu cho các trường. UBND phường phải chịu trách nhiệm về xác định nơi cư trú của học sinh.

Khó cho nhà trường

Hiện nay đã bỏ hộ khẩu rồi, không cho sử dụng giấy tờ gì hết là sẽ khó cho nhà trường. Số học sinh đã điều tra rồi thì nắm chắc ở phường được nhưng số sót lại sau đó thì phải giải quyết làm sao?

Làm sao xác nhận chính xác những học sinh sót đó? Phụ huynh lên đăng ký với trường thì trường phải làm sao? Đăng ký mà trong đó chỉ có mã định danh thôi thì phải làm sao? Không có giấy tờ xác nhận của địa phương thì làm sao biết xác nhận cư trú từ thời gian nào?...

Nếu đòi xác nhận cư trú thì không đúng quy định, nhưng không đòi thì làm sao để thực hiện một cách minh bạch nhất việc phân tuyến đúng cho học sinh và xác nhận chỗ học cho học sinh đây?

(Trưởng phòng GD-ĐT một quận ở TP.HCM)

Tuyển sinh đầu cấp: Trái tuyến khó, đúng tuyến chưa chắc dễTuyển sinh đầu cấp: Trái tuyến khó, đúng tuyến chưa chắc dễ

TTO - Nhân phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm rằng không thể vì hộ khẩu mà trẻ không được đến trường, câu chuyện khó khăn chỗ học lại được gợi ra vào thời điểm cận kề năm học mới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên