Theo thông tin từ Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an), hiện nay ứng dụng định danh điện tử VNeID đã tích hợp thêm tính năng Thông tin cư trú (xác nhận cư trú hộ gia đình).
Để sử dụng tính năng này trên ứng dụng định danh điện tử VNeID, người dân cần liên hệ công an phường để đăng ký tài khoản định danh điện tử mức 2. Tiếp đó cần cài đặt ứng dụng VNeID trên điện thoại thông minh và cập nhật phiên bản mới nhất là 2.0.7.
Sau khi ứng dụng VNeID được kích hoạt, người dân đăng nhập vào ứng dụng.
Để truy cập tính năng thông tin cư trú, người dân truy cập vào mục “Ví giấy tờ”.
Tiếp đến, người dùng phải nhập mật khẩu (passcode) để kiểm tra được thông tin cư trú. Sau khi nhập xong, thông tin cư trú sẽ được hiển thị, bao gồm:
Thông tin về hành chính như: hình chân dung, họ và tên, số định danh, dân tộc, quốc tịch, quê quán…
Thông tin cư trú: nơi thường trú, nơi tạm trú, nơi ở hiện tại, họ tên chủ hộ, số định danh chủ hộ, quan hệ với chủ hộ...
Thành viên khác trong hộ gia đình: hiển thị họ tên, ngày sinh, giới tính, quan hệ với chủ hộ… của các thành viên trong hộ gia đình của người dùng.
Theo quy định nghị định 104, kể từ ngày 1-1-2023 khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bị bãi bỏ thì người dân đi làm thủ tục hành chính, giao dịch chỉ cần xuất trình thẻ căn cước công dân gắn chip để chứng minh thông tin cư trú.
Đồng thời, nghị định 59 cũng quy định về định danh và xác thực điện tử (có hiệu lực từ ngày 20-10-2022) quy định 2 mức độ về tài khoản định danh điện tử của cá nhân.
Và quy định cá nhân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trong các hoạt động, giao dịch điện tử thay căn cước công dân khi làm thủ tục hành chính, giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ căn cước công dân.
Như vậy căn cứ quy định, với thông tin "hộ khẩu điện tử" được tích hợp trong ứng dụng VNeID, người dân có thể xuất trình khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch mà cần đến thông tin nhân khẩu, hộ khẩu...
Còn lại việc xác minh, đối chiếu thông tin cư trú để giải quyết cho người dân là trách nhiệm của cán bộ, cơ quan nhà nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận