07/09/2015 07:30 GMT+7

Rơi nước mắt với Bụt giữa đời thường

VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG - TÀI PHONG
VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG - TÀI PHONG

TTO - Hàng ngàn bạn đọc xúc động trước nghĩa cử của cụ bà 78 tuổi trao tặng 5 lượng vàng để giúp đỡ tân sinh viên khó khăn, nhất quyết không cho công bố danh tính.

Cụ bà chỉ đồng ý cho chụp mình ở góc ảnh này - Ảnh: Bích Ly

Tích góp từ lương hưu trong hơn 20 năm mới được 5 lượng vàng, cụ bà cho biết, cố gắng ăn uống đạm bạc một chút, tiêu xài ít đi một chút nhưng giúp thêm được cháu nào mừng cho cháu đó, để xã hội mình ngày càng tốt đẹp hơn.

Gặng hỏi mãi, Tuổi Trẻ vẫn không sao biết được họ tên của cụ vì cụ bà nhất quyết không cho biết mà chỉ nói là mình đang sống cùng với con cháu ở Q.3 (TP.HCM).

Tử tế theo cách của mỗi người

Bác sĩ M.X (công tác tại TP.HCM) cho rằng: Không gì tốt bằng đầu tư cho thế hệ mai sau. Cụ bà đã có hành động thiện nguyện một cách thầm lặng thật tuyệt.

Những việc làm thầm lặng thế này đã giúp ích cho những hoàn cảnh khó khăn, góp phần khuyến khích người khác cùng làm, tạo ra hiệu ứng lan tỏa nay người này làm, mai người kia làm và nhiều người cùng làm.

Đều đặn mỗi năm thực hiện 8-10 lần khám chữa bệnh miễn phí cho bà con khó khăn ở vùng biên giới, bác sĩ M.X cùng đồng nghiệp đã thực hiện công việc này tròn 5 năm với lần khám ít nhất là 500 bệnh nhân, nhiều nhất lên đến 2.000 người.

Bác sĩ M.X cho biết rằng không phải lúc mình có kinh tế thoải mái thì mới chia sẻ với cộng đồng. Khi về vùng sâu vùng xa, bản thân mới hiểu được bà con thiếu thứ gì, có những bệnh lý thông thường mà chưa chắc họ đã được chăm sóc tốt. Một buổi khám không đơn thuần khám và phát thuốc mà bác sĩ còn có điều kiện tư vấn hướng dẫn chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bà con.

“Làm việc tử tế ngay từ chính vốn kiến thức và thế mạnh của mình. Cảm giác được chia sẻ với bà con vùng sâu vùng xa khó tả lắm”, bác sĩ M.X nhấn mạnh.

Tiến sĩ Lý Tùng Hiếu (khoa Văn hóa học, ĐH KHXH&NV TP.HCM) nói: “Lá lành dùm lá rách, làm chuyện tử tế thì ai cũng có thể làm được. Người già, người trẻ, người khá giả hay khó khăn đều có thể làm từ những việc bình thường nhất”.

Thầm lặng giúp ích cho xã hội

Anh Phạm Ngọc Huấn - trưởng nhóm một nhóm từ thiện chuyên thực hiện những chuyến phát quà đêm tại TP.HCM cho biết: “Xuất phát từ việc mỗi khi di chuyển trên đường vào ban đêm, mình thường thấy những người vô gia cư phải ngủ ngoài trời, thiếu thốn nhiều thứ, không được ngủ trong phòng đầy đủ tiện nghi với nệm, mền như mình. Vậy nên mình muốn ủng hộ tinh thần và chia sẻ với họ bằng việc chạy dọc các tuyến đường trong nội ô thành phố để phát quà cho người vô gia cư, người bán vé số hoặc lượm ve chai…”.

Anh Huấn cho biết, nhiều lần nhóm gặp khó khăn về kinh phí, các thành viên nản, muốn bỏ cuộc nhưng khi thấy những trường hợp phải nằm ngủ trên những chiếc xích lô hay công viên thì mỗi người lại nhận ra mình đang may mắn hơn họ để tự động viên cố gắng nhiều hơn.

Còn chị H.Trinh (CLB N.) chia sẻ: “Để có kinh phí giúp đỡ bà con tại các tỉnh Miền Tây hay các bệnh viện ở TP.HCM, thành viên CLB phải bán nước nha đam gây quỹ. Lúc đầu tham gia, mình rất nản vì nói nhưng người ta không tin, cứ nghi ngờ là lừa đảo. Nhiều trường hợp ủng hộ nhưng lại quăng tiền như bố thí vậy”.

Theo chị Trinh, cũng có nhiều người rất nhiệt tình, mua nước nhưng không lấy nước và âm thầm ủng hộ CLB. Khi về các vùng quê xa xôi, thấy nụ cười của bà con khi được nhận quà, được giúp đỡ, cả đội đều rưng rưng trong niềm hạnh phúc.

Chị H.Trinh cho biết: “Thành viên CLB mình không chỉ có những người khá giả mà có cả nông dân, công nhân, người có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên xa nhà,…Dù vất vả nhưng mọi người đều chịu khó thức khuya dậy sớm, mỗi người một việc, một thế mạnh riêng, ai cũng có tinh thần tình nguyện”.

“Đôi khi, trong hoàn cảnh khó khăn mới hiểu được khó khăn của người khác. Đi thiện nguyện giúp mình tìm được những người bạn cùng chung chí hướng, chia sẻ nhiều điều để nhận ra cuộc sống không vô cảm như mình vẫn nghĩ.”, chị Trinh nói.

Cho đi là nhận lại

Bác sĩ M.X cho biết, quá trình làm tình nguyện là sự chia sẻ, ngoài ra còn kết nối cho các em tình nguyện viên và vun đắp tình thân cho nhân viên trong công ty để họ thay đổi cách sống, thay đổi quan điểm, trân trọng đồng tiền và khi cần là sẻ chia.

Tiến sĩ Tùng Hiếu cho rằng những cử chỉ tử tế mang lại giá trị vật chất lẫn tinh thần, vừa giúp đỡ những người khó khăn bằng của cải vật chất có giá trị nhất định vừa là lời chia sẻ, động viên họ cố gắng nhiều hơn vì ông bà ta vẫn nói “của cho không bằng cách cho”.

Khi ai cũng làm chuyện tử tế thì cái tốt sẽ được nhân lên, bảo vệ và sinh sôi để lấn át cái xấu. Xã hội từ đó sẽ tốt đẹp hơn.

“Người cho đi cũng sẽ nhận lại hạnh phúc, làm được việc có ý nghĩa và tin vào những điều tốt đẹp sau này là văn hóa truyền thống Việt Nam”, ông Hiếu nói.

Hi vọng người được giúp sẽ tiếp tục giúp người khác

Sinh viên Nguyễn Lệ Diễm - Ảnh: Mạnh Khang

Cuối năm 2013, thủ khoa trường ĐH Đồng Tháp - Nguyễn Lệ Diễm - đứng trước nguy cơ phải bỏ học vì gia đình làm nghề đan bội trồng hoa nhưng mỗi chiếc bội có giá cao nhất chỉ 800 đồng.

Chia sẻ về câu chuyện của cụ bà 78 tuổi và những nhà hảo tâm gắn bó với các chương trình thiện nguyện, cô sinh viên năm thứ ba đại học nghẹn ngào: “Học bổng “Tiếp sức đến trường” của Tuổi Trẻ hỗ trợ em rất nhiều trong sinh hoạt và học tập. Giúp em có động lực hơn để học tập tốt và đỡ gánh nặng cho gia đình. Em cảm thấy tự hào vì xã hội vẫn có những tấm lòng vàng sẵn sàng chung tay góp sức xây dựng thế hệ mai sau.

Hi vọng có nhiều tấm lòng như vậy để hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Giúp các họ vượt qua số phận để thành công sau này và tiếp tục giúp đỡ những người có hoàn cảnh giống mình”.

Mời bạn đọc nghe các phát biểu:

>> Chị Bích Huệ

>> Anh Phạm Ngọc Huấn

>> Chị H.Trinh

>> Bác sĩ M.X

>> TS Lý Tùng Hiếu

>> Sinh viên Nguyễn Lệ Diễm

 

VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG - TÀI PHONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên