02/08/2019 07:47 GMT+7

'Rối' điểm sàn đại học, vì sao?

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Từ ngày 1-8, Thanh tra Bộ GD-ĐT bắt đầu thanh tra điều kiện đảm bảo chất lượng tuyển sinh tại 4 trường đại học. Đây là những trường từng công bố điểm sàn mức thấp (dưới 14 điểm).

Rối điểm sàn đại học, vì sao? - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 của ĐH Quốc gia TP.HCM. Điểm trung bình của 2 đợt thi là 692 điểm, nhưng có trường ĐH đưa ra mức điểm chuẩn chỉ đạt... 400 điểm - Ảnh: NHƯ HÙNG

Những gì xảy ra trong kỳ tuyển sinh năm nay cho thấy không chỉ các trường đại học (ĐH), mà ngay cả Bộ GD-ĐT vẫn loay hoay với điểm sàn.

Thanh tra trường tự xác định điểm sàn thấp

Theo ông Nguyễn Huy Bằng - chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT, thanh tra bộ quyết định thanh tra tuyển sinh năm 2019 tại 4 trường gồm ĐH Nội vụ Hà Nội, ĐH Lâm nghiệp, ĐH Hùng Vương TP.HCM và ĐH Bạc Liêu được thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GD-ĐT.

Trước đó, cả bốn trường này đều công bố điểm sàn năm nay với mức thấp (dưới 14 điểm).

Cụ thể, Trường ĐH Nội vụ Hà Nội từ 12-17 điểm, mức sàn thấp nhất ở cơ sở Hà Nội là 13 điểm; hai phân hiệu của trường tại TP.HCM và Quảng Nam với hầu hết các ngành 12 và 12,5 điểm.

Trường ĐH Lâm nghiệp tại cơ sở Hà Nội có 28/32 ngành điểm sàn 13; phân hiệu của trường tại Đồng Nai có 16/16 ngành điểm sàn 13.

Mức 13 điểm là điểm sàn của hầu hết các ngành ở Trường ĐH Bạc Liêu, trong đó còn có 2 ngành 12 điểm.

Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM không công bố điểm sàn trên website của trường theo quy định, mà chỉ cập nhật mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển trên Cổng thông tin tuyển sinh Bộ GD-ĐT là 12 điểm.

Theo định nghĩa của Bộ GD-ĐT, điểm sàn là "ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào" và còn có nghĩa khác là "mức điểm tối thiểu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển".

Từ năm 2018, Bộ GD-ĐT đã cho phép các trường tự xác định điểm sàn, bộ chỉ công bố điểm sàn với nhóm ngành sư phạm, năm nay thêm nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề.

Trước việc nhiều trường tự công bố điểm sàn ĐH thấp, Bộ GD-ĐT đã khuyến cáo "các trường không nên xem chỉ tiêu tuyển sinh là căn cứ để xác định điểm sàn, dẫn tới xác định điểm sàn quá thấp không đảm bảo chất lượng".

Ngay sau đó, hàng loạt trường đã nâng điểm sàn lên 14, vừa vi phạm quy định phải công bố trước ngày 22-7 vừa đẩy một số thí sinh vào thế "việt vị" nếu đã điều chỉnh nguyện vọng trước khi trường công bố lại mức điểm sàn xét tuyển mới.

Kẽ hở

xét tuyển học bạ

Nộp hồ sơ xác nhận nhập học diện xét tuyển học bạ tại ĐH Giao thông vận tải TP.HCM - Ảnh: N.HÙNG

Trong khi Bộ GD-ĐT đang giám sát điểm sàn với phương thức xét tuyển bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, nhưng thực tế có trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác (học bạ, đánh giá năng lực, xét tuyển kết hợp...) lại không quy định điểm sàn. Đây là kẽ hở để các trường "lách luật" vơ vét thí sinh bằng mọi giá.

Hậu quả của "phong trào" mở trường ĐH?

Lãnh đạo một trường ĐH có tên trong đợt thanh tra đợt này cho rằng, bộ không có văn bản buộc phải công bố điểm sàn nên trường không thực hiện là không sai phạm.

"Về pháp lý, khi thí sinh hoàn thành bậc học ở dưới thì được quyền học bậc tiếp theo. Điều kiện để được học ĐH là 'tốt nghiệp THPT'. Thí sinh tốt nghiệp THPT là đã vượt qua điểm sàn. Học sinh tốt nghiệp THPT là hoàn thành bậc học ở dưới, vậy lấy lý do gì không cho các em được xin xét tuyển ĐH?" - vị hiệu trưởng đặt vấn đề.

Một chuyên gia tuyển sinh cho rằng theo Vụ Giáo dục ĐH - các trường có quyền xác định điểm sàn thấp hoặc không công bố điểm sàn, nhưng sau đó xác định điểm chuẩn không thấp (từ 17 điểm) là hoàn toàn phù hợp.

"Do vậy, trường không công bố điểm sàn vẫn không sai phạm. Vấn đề chất lượng đầu vào nằm ở chỗ điểm chuẩn trúng tuyển, chứ không phải điểm sàn" - chuyên gia này nhấn mạnh.

Thật ra, việc các trường xác định điểm sàn thấp cũng với mục đích tuyển được nhiều thí sinh. Tuy nhiên, nhiều năm qua cho thấy các trường "tốp đáy" luôn khó khăn trong tuyển sinh, dù điểm chuẩn bằng điểm sàn, cũng chỉ tuyển được 40 - 60% chỉ tiêu.

Lãnh đạo ĐH Phú Yên xác nhận trường cạn kiệt nguồn tuyển từ vài năm nay. Năm 2017, trường chỉ tuyển được 41% chỉ tiêu và năm 2018 được khoảng 40% . Điều này chỉ ra những câu hỏi về "phong trào" tỉnh nào cũng có ĐH, ĐH mở phân hiệu ở các tỉnh trước đây.

* TS Võ Hoàng Khiêm (phó hiệu trưởng Trường ĐH Bạc Liêu): "Hiện nay, một số trường ĐH lớn cũng xác định điểm sàn thấp, nên trường chúng tôi cũng lấy theo. Ngoài ra, những năm qua trường luôn tuyển không đủ chỉ tiêu, như năm 2018 chỉ tuyển được khoảng 60%".

* TS Mai Hải Châu (phó giám đốc phân hiệu Trường ĐH Lâm nghiệp tại Đồng Nai): "Với đề thi năm nay được đánh giá có tính phân loại tốt, những thí sinh đạt 13, 14, 15 điểm không chênh lệch nhau nhiều nên vẫn đủ năng lực học ĐH".

* PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng (phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM): "Sở dĩ các trường ĐH xác định mức điểm sàn thấp tại phân hiệu do không có nguồn tuyển".

Nhiều trường đại học lấy điểm sàn thấp, điều gì xảy ra? Nhiều trường đại học lấy điểm sàn thấp, điều gì xảy ra?

TTO - Dù có lấy điểm sàn thấp đến đâu, những trường đại học có mức xét tuyển thấp cũng khó lòng tuyển đủ chỉ tiêu, bởi vấn đề không nằm ở chỗ điểm sàn là bao nhiêu mà ở chỗ số thí sinh đăng ký xét tuyển nhiều hay ít.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên