Thứ 5, ngày 4 tháng 3 năm 2021
Lấy điểm sàn thấp, các trường đại học có sai?
TTO - Mùa tuyển sinh năm nay, nhiều trường đại học, phân hiệu trường đại học trên cả nước công bố mức sàn thấp, dưới 14 điểm khiến Bộ GD-ĐT phải ra khuyến cáo.

Trong khi nhiều thí sinh đang phải điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển thì không ít thí sinh trúng tuyển đã hoàn tất thủ tục nhập học. Trong ảnh: thí sinh nộp hồ sơ xác nhận nhập học diện xét tuyển thẳng vào trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) - Ảnh: NHƯ HÙNG
Đến chiều qua 25-7, sau khi Bộ GD-ĐT có khuyến cáo đối với các trường có điểm sàn thấp, nhiều trường cho biết đã điều chỉnh tăng điểm sàn đại học (ĐH) lên mức 14 điểm.
Đảm bảo đúng quy chế
Tại Trường ĐH Bạc Liêu, hầu hết các ngành bậc ĐH năm nay có điểm sàn 13, riêng hai ngành chăn nuôi và bảo vệ thực vật có điểm sàn chỉ 12.
Trường ĐH Nội vụ Hà Nội công bố điểm sàn của trường dao động 12-17. Mức sàn thấp dành cho các ngành đào tạo tại phân hiệu của trường ở TP.HCM và Quảng Nam, với hầu hết các ngành mức điểm 12; 12,5; 13 và hai ngành 14 điểm.
Tại Trường ĐH Cửu Long, ngoại trừ hai ngành sức khỏe theo điểm sàn của bộ là 18, các ngành còn lại của trường đều có điểm sàn 12,5.
Trong khi đó, các ngành đào tạo tại hai phân hiệu của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM ở Gia Lai và Ninh Thuận có điểm sàn chỉ từ 13. Còn phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị các ngành đều có điểm sàn 13, riêng ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa 15 điểm.
Trong văn bản gửi Bộ GD-ĐT giải thích về điểm sàn ở hai phân hiệu Gia Lai và Ninh Thuận, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cho biết điểm sàn trường đưa ra căn cứ vào quy chế tuyển sinh, công văn hướng dẫn công tác tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, đồng thời với điều kiện thực tế số nguyện vọng đăng ký vào trường và tình hình xét tuyển các năm qua của phân hiệu.
"Với mức điểm sàn là 13/tổ hợp môn, trường sẽ căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh, tình hình đăng ký nguyện vọng xét tuyển và kết quả lọc ảo để xác định điểm chuẩn đảm bảo chất lượng đầu vào, đảm bảo đúng quy chế và phù hợp với chỉ tiêu được Bộ GD-ĐT phê duyệt" - PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng nhà trường, khẳng định.
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 25-7, TS Võ Hoàng Khiêm - phó hiệu trưởng Trường ĐH Bạc Liêu - xác nhận nhà trường vẫn chưa nhận được văn bản nhắc nhở gì của Bộ GD-ĐT về vụ điểm sàn.
Giải thích về mức điểm sàn trường đưa ra khá thấp, ông Khiêm nói: "Hiện nay, một số trường ĐH lớn cũng xác định điểm sàn thấp nên trường chúng tôi cũng lấy theo. Hơn nữa, năm nay Bộ GD-ĐT cho phép các trường tự chủ trong việc xác định điểm sàn. Ngoài ra, những năm qua trường luôn tuyển không đủ chỉ tiêu, như năm 2018 chỉ tuyển được khoảng 60%".
Nhiều trường tăng điểm sàn
Đến chiều 25-7, hàng loạt ĐH trước đó công bố điểm sàn ở mức thấp (dưới 14 điểm) đã điều chỉnh lên mức cao hơn.
ĐH Đà Nẵng thông báo điều chỉnh điểm nhận đăng ký xét tuyển vào phân hiệu tại Kon Tum theo kết quả thi THPT quốc gia năm 2019 là 14 điểm đối với tất cả các ngành (trừ các ngành sư phạm) so với điểm sàn trước đây là 12,5.
Trường ĐH Đồng Tháp cũng tăng điểm sàn lên 14 điểm đối với tất cả các ngành ngoài sư phạm, thay vì 13,5 điểm như thông báo trước đó.
Tương tự, Trường ĐH Phú Yên cũng điều chỉnh mức điểm sàn ĐH tăng lên thành 14, thay cho mức điểm sàn các ngành đào tạo của trường công bố là 13 (trừ các ngành đào tạo sư phạm).
TS Trần Lăng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Phú Yên - cho biết trường chủ động điều chỉnh điểm sàn theo mức cao hơn bởi nhận thấy để ngưỡng 13 điểm là "không hay", chứ không phải do Bộ GD-ĐT nhắc nhở.
"Theo số liệu nguyện vọng thí sinh nộp vào trường năm nay, ví dụ với mức điểm 14, trường có thể tuyển được hơn 100 thí sinh, việc để ngưỡng 13 cũng chỉ tuyển được vài thí sinh nữa, nhưng nghĩ lại thấy mức điểm thấp quá có thể ảnh hưởng chất lượng đầu vào. Do đó trưa 24-7, nhà trường đã quyết định thay đổi điểm sàn các ngành ngoài sư phạm" - ông Lăng nói.
Bộ GD-ĐT không yêu cầu giải trình, chỉ khuyến cáo
Liên quan tới thông tin Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường giải trình về việc xác định điểm sàn dưới 14, ngày 25-7, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT - khẳng định với Tuổi Trẻ không có việc này.
"Bộ GD-ĐT chỉ quy định ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) với khối đào tạo giáo viên và sức khỏe. Các trường thuộc khối đào tạo khác tự chủ trong phương thức xét tuyển, trong đó có việc xác định điểm.
Vụ Giáo dục ĐH không yêu cầu các trường có điểm sàn dưới 14 giải trình như thông tin báo chí đưa, mà chỉ khuyến cáo các trường không nên xem chỉ tiêu tuyển sinh là căn cứ để xác định điểm sàn, dẫn tới việc xác định điểm sàn quá thấp không đảm bảo chất lượng" - ông Hùng chia sẻ. (Ngọc Hà - Vĩnh Hà)
-
TTO - Công ty TNHH Diageo Việt Nam, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đồ uống có cồn, đã đến ủng hộ 3 tỉ đồng cho chương trình 'Cùng Tuổi Trẻ góp vắc xin COVID-19' do báo Tuổi Trẻ phát động.
-
TTO - Trung tâm Phục hồi chức năng và dưỡng sinh của ông Võ Hoàng Yên chỉ hoạt động hơn một năm thì bỏ hoang. Hiện cơ sở vật chất trong trung tâm này đã xuống cấp trầm trọng, nhiều hạng mục hư hỏng, nhếch nhác.
-
TTO - Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt vào loại lớn nhất nước, vừa thông báo giá khám bệnh mới. Theo đó, mức khám theo yêu cầu với giáo sư là 550.000 đồng/lượt, với phó giáo sư là 450.000 đồng, tiến sĩ là 300.000 đồng.
-
TTO - Hôm nay, 4-3, giá bán vàng miếng SJC tại một số tiệm vàng đã rơi xuống dưới 56 triệu đồng/lượng, do giá vàng thế giới lao dốc mạnh, có thời điểm rơi xuống mức đáy trong vòng 9 tháng qua.
-
TTO - Lý do những trạm y tế phường, xã bị ngừng hợp đồng khám chữa bệnh BHYT ban đầu do bác sĩ đứng tên trên giấy phép hoạt động đã về hưu hoặc đã luân chuyển...
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận
Xem thêm bình luận