Tại một số bệnh viện ở các tỉnh phía Bắc, một tuần gần đây ghi nhận bệnh nhân cao tuổi nhập viện gia tăng.
Bệnh nhân tăng cao, có nơi tăng gấp đôi
Tại khoa khám bệnh Bệnh viện Lão khoa trung ương (Hà Nội), hàng dài người dân xếp hàng chờ khám. Theo bác sĩ Hà Thị Vân - phó trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Lão khoa trung ương, những ngày qua ghi nhận số bệnh nhân nhập viện tăng lên rõ rệt.
"Trung bình khoa khám bệnh có khoảng 8-10 bệnh nhân nhập viện thì những ngày qua số bệnh nhân phải nhập viện tăng gấp đôi, khoảng 16-20 bệnh nhân nhập viện mỗi ngày.
Bệnh nhân nhập viện chủ yếu do huyết áp dao động nhiều, đợt suy tim cấp, viêm phổi, đau thần kinh tọa nặng", bác sĩ Vân thông tin.
Ngồi chờ tới lượt khám bệnh, ông Nguyễn Văn Tiến (75 tuổi, Hà Nội) chia sẻ bắt đầu ho, sổ mũi từ ba ngày trước. "Do thời tiết lạnh, lại thi thoảng có mưa nên tôi ngại đi thăm khám mà tự uống thuốc cảm cúm ở nhà.
Ba ngày nay tình trạng không giảm, ho nhiều hơn nên tôi mới đi thăm khám. Bác sĩ nói tôi bị viêm phế quản. May mắn bệnh chưa nặng nên tôi chưa phải nhập viện mà được điều trị ngoại trú", ông Tiến cho hay.
Còn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam những ngày qua ghi nhận số bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp nhập viện tăng cao, đa số là người cao tuổi.
Bác sĩ Đinh Ngọc Tuấn, phó trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam, cho hay đa số bệnh nhân đột quỵ khi chuyển vào khoa đều trong tình trạng khá nặng.
"Bệnh nhân thường bị xuất huyết não, do mạch máu não đột ngột bị vỡ do tăng huyết áp cấp tính. Những bệnh nhân mắc các bệnh lý về hô hấp nhập khoa cấp cứu thường bị suy hô hấp rất nặng, phải đặt ống thở máy.
Thay đổi thời tiết, thời tiết giá lạnh, rét đậm, rét hại chính là nguyên nhân khiến nhiều người có tiền sử tăng huyết áp, loạn nhịp tim, rối loạn mỡ máu, người hút thuốc lá, lạm dụng bia rượu, có bệnh lý về máu, thừa cân, ít vận động… dễ bị đột quỵ", bác sĩ Tuấn cho hay.
Cẩn trọng liệt dây thần kinh số 7
Bên cạnh các bệnh lý liên quan đến hô hấp, tim mạch, đột quỵ, thời tiết rét đậm, rét hại cũng khiến nhiều người bị liệt dây thần kinh số 7. Tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) gần đây mỗi ngày tiếp nhận 3 - 5 bệnh nhân nhập viện do liệt dây thần kinh số 7, trong đó có cả người cao tuổi và người trẻ.
Theo bác sĩ Đoàn Văn Phúc - phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, trưởng khoa thần kinh, có đến 70-80% người bệnh liệt dây thần kinh số 7 là do chủ quan, không giữ ấm đủ khi thời tiết rét đậm.
Qua khai thác dịch tễ, nhiều người trẻ vừa tắm xong đã ra ngay khu vực không kín gió. Hay có trường hợp tập thể dục buổi sáng nhưng ăn mặc phong phanh rồi bị nhiễm lạnh… dẫn đến liệt dây thần kinh số 7.
"Để phòng tránh, người dân cần mặc ấm, thời tiết hạ sâu như những ngày qua không nhất thiết ngày nào cũng phải tắm. Khi tắm xong cần lau khô, giữ ấm ngay", bác sĩ Phúc khuyến cáo.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo người cao tuổi cần chú ý giữ ấm cơ thể khi nhiệt độ hạ sâu. Đặc biệt, khám sức khỏe định kỳ, theo dõi các bệnh lý nền như tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch… Khi có triệu chứng ho, sốt, mệt mỏi… cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận