Xe đón khách trên đường Nguyễn Thái Bình, quận 1 (TP.HCM) vào tối 22-11 - Ảnh: T.T.D.
Có hay không chuyện bảo kê cho "xe dù, bến cóc" và thế lực nào đang bảo kê? Các ý kiến tại tọa đàm nêu ra thực trạng vấn nạn "xe dù, bến cóc" tồn tại và phát triển nhanh chóng ở các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM. Những phương án xử lý hiện nay mang tính "bắt cóc, bỏ dĩa" chứ không giải quyết được dứt điểm. Hiện còn thiếu quy hoạch luồng tuyến vận tải và điểm đón trả khách ở nội thành. Điều này dẫn tới mất trật tự an toàn giao thông, làm méo mó thị trường cạnh tranh giữa các hãng xe...
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam - cho biết hiện lượng khách của các tuyến cố định đã giảm từ 35 - 40%, công suất của bến xe có giảm từ 18 - 30%. Nhiều doanh nghiệp đang muốn bỏ tuyến và chuyển sang chạy "dù" như trên nếu như tình trạng "xe dù, bến cóc" không được giải quyết triệt để. Tình trạng xe chạy "dù" phá vỡ luồng tuyến và quy hoạch bến xe, gây ra ùn tắc giao thông ở những TP lớn như TP.HCM, Hà Nội và cả Đà Nẵng.
Trước thực trạng này, TS Khuất Việt Hùng - phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - khẳng định vấn đề lớn nhất dẫn tới tình trạng "xe dù, bến cóc" tồn tại, phát triển là việc chúng ta tổ chức và bố trí những bến xe tương đối xa khu vực mà người dân đang sinh sống. Trong khi đó, giao thông công cộng hiện nay lại chưa kết nối hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu hành khách. Rất nhiều địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM..., không quan tâm bố trí các điểm đón trả khách.
Do đó, để giải quyết được "xe dù, bến cóc" thì mỗi địa phương cần xem xét, rà soát lại quy hoạch bến bãi, quy hoạch luồng tuyến vận tải và điểm đón trả khách hiện nay. Người dân, doanh nghiệp cũng cần tuân thủ và thực thi pháp luật.
Cùng với đó, các đơn vị tăng cường ứng dụng tối đa công nghệ hiện đại, căn cứ dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để xử phạt xe đón trả khách sai quy định. Nhà xe nào làm sai quy định nhiều lần thì thậm chí có thể tính tới tăng nặng xử phạt, thu hồi phù hiệu... Quá trình xử lý của lực lượng chức năng, chính quyền địa phương cũng cần siết chặt và phối hợp nhịp nhàng hơn nữa.
Đồng quan điểm trên, bà Phan Thị Thu Hiền - phó cục trưởng Cục Đường bộ, Bộ GTVT - cho rằng chính cách tổ chức bến xe chưa hợp lý dẫn đến cơ hội cho những đơn vị hoặc cá nhân tạo ra "bến cóc, xe dù" hoạt động nhiều hơn. Bà Hiền cũng đề nghị các TP cố gắng tính toán lại việc tổ chức các điểm đón trả khách trong đô thị, kết nối các phương thức vận tải công cộng nhằm tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi.
Phát hiện bảo kê, hãy báo công an
Cũng trong buổi tọa đàm này, TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - chia sẻ: "Xe dù, bến cóc" dẹp mãi không được mà còn phát triển biến tướng tràn lan, nhiều người dân đã đặt ra câu hỏi liệu có chuyện "bảo kê" những nhà xe hoạt động sai quy định, thách thức pháp luật này không?
TS Lưu Bình Nhưỡng - phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội - cho rằng có bảo kê thật sự ở các bến xe, bãi đỗ tự lập. "Có hai dạng bảo kê. Một loại mang tính quyền lực, tức là bảo kê của các cơ quan công quyền, của những lực lượng chức năng, thậm chí của một số cá nhân cán bộ thoái hóa biến chất. Bảo kê thứ hai là bảo kê ngoại biên, đó chính là các băng nhóm xã hội đen.
Trả lời vấn đề này, thượng tá Tạ Thị Hồng Minh - phó trưởng Phòng hướng dẫn tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) - có ý kiến: Người dân gặp tình trạng "xe dù, bến cóc" hay phát hiện cò mồi, bảo kê xe khách hoạt động sai quy định thì nên tố đến lực lượng chức năng và có thẩm quyền xử lý.
Theo thượng tá Minh, người dân có thể tra trên mạng xã hội để có số điện thoại đường dây nóng của Cục Cảnh sát giao thông, Cục Cảnh sát hình sự hoặc thậm chí Cục Cảnh sát điều tra... hoặc nhanh nhất là cung cấp thông tin theo số điện thoại 113.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận