Câu chuyện dạy thêm, học thêm được mang ra bàn thảo cả thập kỷ qua, rồi trở thành điều bị lên án, trở thành thứ để nhiều người chế giễu, coi thường nhà giáo. Và giờ đây, khi nhà giáo vừa dạy thêm vừa nơm nớp bị bắt, nhà giáo rưng rưng ký vào biên bản sai phạm giữa giờ dạy và chấp nhận để học sinh trở thành nhân chứng thì việc dạy thêm, học thêm đã trở thành một tội danh và nhà giáo trở thành phạm nhân - phạm nhân mắc tội đi “bán chữ”.
Điều đó khiến chúng tôi, những người đã lựa chọn nghề này, thấy đau xót vô cùng.
Xã hội muốn các nhà giáo phải là tấm gương, phải mô phạm, đúng mực nên có bất cứ lỗi to nhỏ nào của nhà giáo cũng bị mang ra soi xét. Không phải ai cũng hiểu nhà giáo có thể phải từ chối một bộ cánh đẹp chỉ vì nó không đứng đắn trước mặt học trò. Nhà giáo không được tức giận khi bị oan ức, chà đạp. Nhà giáo cũng luôn phải tươi cười, hòa nhã với học sinh và cha mẹ học sinh dù mệt mỏi, đau khổ. Nhà giáo ra khỏi lớp không phải hết nhiệm vụ, trách nhiệm còn theo họ về nhà khi chấm bài, khi soạn giáo án, khi giải quyết những vướng mắc của học sinh. Có rất nhiều điều nhà giáo phải làm nhưng xã hội không phải lúc nào cũng biết và chia sẻ.
Trong khi đó, lương trung bình tính cả phụ cấp của một nhà giáo ở Việt Nam chỉ trên 3 triệu đồng/tháng - mức lương không đủ nuôi sống bản thân họ, chưa kể phải đảm đương việc nuôi dạy con cái. Họ không thể sống đàng hoàng nếu như chỉ dành trọn vẹn thời gian và tâm sức ở trường. Nhà giáo phải có nghề phụ. Có những nhà giáo phải làm thêm các công việc tầm thường khiến họ trở nên hèn đi, luộm thuộm đi, khiến họ cũng thấy khó có thể đủ tư cách và niềm tin để dạy học sinh những điều tốt đẹp ở đời. Trong bối cảnh ấy, nhà giáo dạy thêm và có khả năng để dạy thêm, xem ra đó là việc đàng hoàng nhất.
Tất nhiên, có một số nhà giáo tìm cách ép học sinh đi học, lấy số lượng học sinh học thêm để tăng thu nhập, sẵn sàng dạy trước, dạy vượt chương trình để thu hút học sinh đi học thêm. Những người đó đáng lên án và cần xử lý nghiêm khắc. Nhưng không thể vì những giáo viên tiêu cực mà nhìn nhận không công bằng về những nhà giáo giỏi và có tâm huyết, trách nhiệm với học trò.
Tôi chắc chắn trong giáo giới, nhiều người cũng không vì bảo vệ nghề của mình mà che khuất tiêu cực của đồng nghiệp. Chúng tôi ủng hộ và đồng tình, thậm chí tha thiết mong mỏi nhà quản lý giáo dục xây dựng được một hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, một cơ chế xử lý vi phạm cụ thể, nghiêm ngặt để dẹp bỏ tiêu cực. Vì chỉ có thế, những nhà giáo tử tế mới dám ngẩng cao đầu đi dạy học.
Nhưng đồng thời với việc chống tiêu cực, hãy có những giải pháp để nhà giáo đủ sống, hãy tạo cơ chế để nhà giáo có đủ niềm tin và dũng khí đi giữa lằn ranh sáng - tối mà không phạm sai lầm. Giải pháp để kéo những nhà giáo từng đã và đang làm điều khuất tất, tiêu cực trở lại đúng chức trách nhiệm vụ và đạo đức của mình hay hơn nhiều giải pháp cấm đoán, lên án, phủ nhận, “đánh” dập đầu những nhà giáo lỡ vì miếng cơm manh áo mà sai phạm. Chúng ta vẫn mong có một nền giáo dục nhân văn, muốn giới trẻ nhìn nhận cuộc sống bằng sự nhân văn, độ lượng và sẻ chia. Xin hãy nhìn nhận và giúp đỡ nhà giáo bằng sự nhân văn, độ lượng và sẻ chia đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận