Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu về vấn đề Iran đêm 8-1 theo giờ Việt Nam - Ảnh: REUTERS
Trong một cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ gần đây về năm 2020 của Việt Nam, GS Carl Thayer - một chuyên gia về Việt Nam và khu vực - từng điểm tên Iran vào những vấn đề Việt Nam sẽ tìm cách xử lý trong vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Việc căng thẳng Iran - Mỹ bùng nổ sau các vụ tấn công gần đây cho thấy gánh nặng của Việt Nam và các quốc gia đang có trách nhiệm trong những chương trình nghị sự nhằm duy trì hòa bình.
Việt Nam kêu gọi đối thoại
Liên quan tới căng thẳng Mỹ - Iran đã nêu, Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 9-1 cho biết Việt Nam đang lo ngại về Trung Đông và kêu gọi giải quyết bằng phương pháp hòa bình. Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói: "Việt Nam quan ngại trước những căng thẳng gần đây tại Trung Đông. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế tránh làm leo thang căng thẳng, không sử dụng vũ lực, bảo vệ thường dân, giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, vì hòa bình, ổn định tại khu vực và trên thế giới".
Trước đó, trong bối cảnh tình hình Trung Đông căng thẳng vì những diễn biến mới trong quan hệ giữa Iran và Mỹ, Chính phủ Việt Nam đã có những đánh giá và điều chỉnh nhằm bảo vệ tối đa lợi ích, an toàn của công dân và người liên quan.
Đơn cử hôm 8-1, trong công văn gửi các doanh nghiệp, Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động - thương binh và xã hội yêu cầu báo cáo về tình hình lao động Việt Nam làm việc tại các nước vùng Vịnh, cảnh báo nguy cơ xung đột vũ trang.
Các doanh nghiệp Việt Nam có lao động và cán bộ đại diện tại thị trường Trung Đông được giao nhiệm vụ thiết lập đầu mối liên hệ để gửi về ban quản lý lao động ở nước bạn và Cục Quản lý lao động ngoài nước phòng trường hợp cần hỗ trợ.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 9-1 ở Hà Nội, bà Thu Hằng cũng cho hay Bộ Ngoại giao đã ra thông báo, khuyến cáo công dân Việt Nam hạn chế đến các nước trong khu vực có khả năng chịu ảnh hưởng của xung đột.
"Bộ Ngoại giao cũng công bố đường dây nóng bảo hộ công dân của các cơ quan đại diện Việt Nam tại khu vực để công dân liên lạc trong trường hợp cần trợ giúp. Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại khu vực, các đơn vị liên quan trong nước theo dõi sát tình hình, sẵn sàng tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết" - người phát ngôn cho biết.
Hạ nhiệt nhưng vẫn căng
Cho tới nay, tín hiệu hòa bình đối với xung đột Iran - Mỹ ngày càng rõ nét. Phía Iran được biết đã cảnh báo cho Mỹ vài tiếng đồng hồ trước lúc thực hiện tấn công. Và trong lúc Tehran nói rõ sẽ ngưng tấn công nếu Mỹ không trả đũa, vừa qua Washington cũng không nhắc gì tới chuyện động binh vì không quân nhân nào của Mỹ thiệt mạng.
Vì lẽ này, giới phân tích hiện nay thiên về hướng cả Iran và Mỹ đều đã giữ được thể diện nên sẽ không leo thang căng thẳng, hoặc ít nhất không xung đột vũ trang trong ngắn hạn.
"Tôi nghĩ Iran đã cố gắng cân bằng giữa nhu cầu trả đũa và nhu cầu về việc ngăn một cuộc chiến toàn diện với Mỹ. Trong trường hợp vừa qua, các cuộc tấn công vào căn cứ của Mỹ có thể thấy đã thể hiện sự kiềm chế: họ có cảnh báo trước và không gây thiệt hại đáng kể" - TS Tytti Erästö, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu hòa bình Thụy Điển (SIPRI, trụ sở ở Stockholm), nói với Tuổi Trẻ.
Tuy nhiên, bà Erästö cho rằng việc Iran tấn công cũng mang một thông điệp cho phần còn lại rằng Tehran có thể gây thêm thiệt hại cho Mỹ nếu Washington khiến tình hình leo thang hơn nữa.
Kênh CNBC của Mỹ ngày 9-1 đồng ý với nhận định này khi dẫn lời ông Daniel Shapiro, cựu đại sứ Mỹ tại Israel từ năm 2011 tới 2017, khẳng định "đây là tín hiệu hi vọng, nhưng không có nghĩa là dấu chấm hết cho xung đột".
Ông Shapiro cảnh báo: "Nhiều khả năng phản ứng của Iran trước cái chết của ông Soleimani sẽ được thể hiện trong nhiều tuần, nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Chúng ta không nên tin rằng mọi thứ đã hoàn toàn ổn thỏa".
Trên thực tế, dù đã hạ giọng và đề cập tới việc phối hợp với Iran trong lĩnh vực chống khủng bố, ông Trump đêm 8-1 vẫn khẳng định sẽ trừng phạt kinh tế bổ sung đối với Tehran. Tương tự, đại giáo chủ Iran Ali Khamenei sau vụ tấn công căn cứ ở Iraq cũng ra thông điệp trên Twitter rằng "các hành động quân sự này vẫn chưa đủ đâu".
Như vậy, các đợt tấn công vừa qua dù chỉ là màn "rung cây nhát khỉ", cũng ít nhiều thể hiện mức độ leo thang mới về khả năng động binh, trong khi câu chuyện Iran - Mỹ giờ có thể quay lại điểm nóng cũ: làm sao tìm ra giải pháp cho vấn đề hạt nhân. Mỹ vẫn đòi trừng phạt để Iran thay đổi quyết định, còn Tehran nhất quyết bắt Washington phải tháo lệnh trừng phạt trước.
Khó có đột phá cho xung đột
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 9-1, TS Erästö chỉ ra chuyển biến đáng lo ngại từ các hành động quân sự đã qua: "Mặc dù sự xuống thang là vì lợi ích của cả hai bên, nhưng tình hình hiện tại đánh dấu sự thiếu tin tưởng hoàn toàn sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và nhắm vào các quan chức Chính phủ Iran. Sẽ khó thấy bất kỳ đột phá ngoại giao lớn nào giữa Mỹ và Iran dưới thời chính quyền ông Trump. Tình hình có thể thay đổi sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, mặc dù sau đó Mỹ sẽ phải đối mặt với một Iran cứng rắn hơn".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận