Theo Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Trung Quốc khóa 14 sẽ bắt đầu vào ngày 5-3.
Trong kỳ họp cũng là đầu tiên của Quốc hội sau Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 10-2022) này, các chức chủ tịch nước, thủ tướng và phó chủ tịch nước sẽ được bầu.
Quốc hội cũng sẽ phê chuẩn một loạt chức vụ cấp cao trong Quốc vụ viện - tức Chính phủ Trung Quốc và một số cơ quan, tổ chức khác, theo Thời báo Hoàn Cầu.
Bầu nhân sự cấp cao Trung Quốc
Theo báo South China Morning Post (SCMP), kỳ họp Quốc hội lần này là tâm điểm chú ý vì một loạt chức vụ chủ chốt trong hệ thống chính trị Trung Quốc sẽ có gương mặt mới.
Ông Tập Cận Bình gần như chắc chắn sẽ được bầu làm chủ tịch nước, đánh dấu nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp của ông kể từ năm 2013. Trung Quốc đã bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ đối với chủ tịch nước vào năm 2018.
Thủ tướng Lý Khắc Cường, người không có tên trong danh sách Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 20, sẽ được thay bằng người khác.
Nhân vật số 2 trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc là ông Lý Cường, khả năng cao sẽ trở thành thủ tướng, theo SCMP.
Ông Triệu Lạc Tế, người đứng thứ ba trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị, có thể trở thành chủ tịch Quốc hội. Ông Vương Hỗ Ninh, nhà lý luận tư tưởng của ông Tập, dự kiến sẽ trở thành người đứng đầu Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc (Chính hiệp - CPPCC).
Tất cả các phó thủ tướng hiện tại, những người chịu trách nhiệm về các lĩnh vực chính sách khác nhau, đều có khả năng bị thay thế.
Theo SCMP, ông Đinh Tiết Tường, người đứng thứ 6 trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, dự kiến sẽ được bổ nhiệm làm phó thủ tướng thứ nhất
Các ghế phó thủ tướng còn lại nhiều khả năng cũng sẽ do các thành viên Bộ Chính trị đảm nhận. Trong số này có ông Lưu Quốc Trung, cựu bí thư Thiểm Tây và ông Trương Quốc Thanh, cựu bí thư Liêu Ninh.
Kỳ họp mang tính bố cáo với thế giới
Các quyết sách phát triển Trung Quốc hậu COVID-19 sẽ được thảo luận tại Quốc hội. Các mục tiêu kinh tế, bao gồm tốc độ tăng trưởng GDP nằm trong số các ưu tiên hàng đầu.
Theo các chuyên gia, mục tiêu tăng trưởng GDP cho năm 2023 có thể được đặt ở mức trên 5%, với các chính sách tài khóa chủ động và tiền tệ thận trọng.
Giáo sư Lý Hải Đông thuộc Viện Quan hệ quốc tế (Trung Quốc) cũng cho biết kỳ họp Quốc hội được thiết lập để thông báo cho thế giới về các đề xuất của Trung Quốc cho những vấn đề quốc tế lớn.
Bằng việc quan sát các diễn biến của kỳ họp, thế giới sẽ có cái nhìn thoáng qua về các xu hướng mới trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc, với tư cách là kế hoạch phát triển của nền kinh tế số hai thế giới.
Do diễn ra song song với Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc (CPPCC) nên còn được gọi là kỳ "lưỡng hội".
Theo truyền thông Nhà nước Trung Quốc, 2.172 đại biểu của CPPCC đã bắt đầu họp tại Bắc Kinh từ chiều 4-3.
CPPCC đóng vai trò cố vấn cho chính phủ, các cơ quan lập pháp và tư pháp, đồng thời đưa ra đề xuất về các vấn đề chính trị và xã hội lớn của Trung Quốc.
Các đại biểu CPPCC cũng sẽ có mặt tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khóa 14 với tư cách những người tham dự không biểu quyết. Theo truyền thông Trung Quốc, họ sẽ lắng nghe và thảo luận một số báo cáo, trong đó có báo cáo công tác của Chính phủ Trung Quốc.
Ngân sách quốc phòng sẽ được hé lộ
Theo Hãng tin Reuters, ngân sách của Trung Quốc cho quốc phòng năm 2023 sẽ được công bố trong kỳ họp Quốc hội lần này.
"Việc hiện đại hóa quân đội Trung Quốc sẽ không gây ra mối đe dọa cho bất kỳ quốc gia nào", đại diện Quốc hội Trung Quốc khẳng định ngày 4-3.
Khi được hỏi ngân sách quốc phòng sẽ tăng bao nhiêu trong năm nay và có tăng mạnh so với các năm trước không, vị này từ chối trả lời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận