31/07/2018 13:02 GMT+7

Quan sát hơi thở, quên đi nghịch cảnh

XUÂN MAI
XUÂN MAI

TTO - Theo PGS.TS Phạm Huy Hùng - phó chủ tịch Hội Dưỡng sinh TP.HCM, thiền như liều thuốc “xóa bỏ sự lo lắng, căng thẳng, đem đến bình an trong tâm trí”.

Quan sát hơi thở, quên đi nghịch cảnh - Ảnh 1.

Ngồi thiền trong ngày hội yoga - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong thử thách giữa cái chết và sự sống, đừng suy nghĩ về cái chết mà hãy bình tâm, tập trung về những thứ giúp bạn thấy yêu cuộc sống. 

Lúc này, sự sống của bạn có thể được duy trì. Vừa qua, đội bóng nhí Thái Lan sống sót diệu kỳ dù mắc kẹt trong hang sâu hơn 10 ngày liền trong điều kiện thiếu ánh sáng, thức ăn, dưỡng khí... một phần nhờ thực hành thiền định.

Quan sát hơi thở

Đều đặn mỗi ngày, chị Nguyễn Thị Nhân (32 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) đều đi tập yoga. Trong giờ tập, chị có 15 phút cuối cùng ngồi thiền bên cạnh tập khí công, xoa bóp... 

"Yoga nói chung và thiền định nói riêng đã giúp cuộc sống của tôi trở nên tuyệt vời hơn rất nhiều, chúng giúp tôi sống chậm lại, nhìn xa hơn. Trước đây tôi hay căng thẳng vì áp lực công việc nên đã tìm đến yoga và thiền. Nay tôi thấy thật ổn, nếu không tập tôi thấy thiếu thiếu" - chị Nhân chia sẻ.

ThS tâm lý lâm sàng Võ Thị Minh Huệ cho biết thiền định dựa trên những nguyên tắc hoạt động của não bộ. 

Khi ta chỉ tập trung quan sát một đối tượng và không để những đối tượng khác (như hiện tượng, âm thanh, hình ảnh, suy nghĩ, cảm xúc...) tác động vào cơ thể, tâm trí của mình... là lúc não bộ được nghỉ ngơi chủ động.

Nhờ có sự tập trung quan sát nên chúng ta giữ được sự bình tĩnh, cân bằng được cảm xúc, tỉnh táo trong suy nghĩ và chủ động được hành vi của mình. 

Ngoài ra, thiền giúp tăng sự tập trung vào những việc mình làm, giúp cho công việc hiệu quả hơn.

Tăng sức đề kháng, giải tỏa căng thẳng

PGS.BS Phạm Huy Hùng cho biết thiền đang ngày càng phổ biến, được nhiều người tìm đến như một "liều thuốc" mang đến sự bình an trong tâm trí. 

Theo ông Hùng, thời buổi công nghệ 4.0, con người dần trở nên nhạy cảm hơn, dễ tổn thương hơn trước những biến động trong cuộc sống. Khi tinh thần không được kiểm soát, con người dễ rơi vào stress, căng thẳng...

Theo đông y, đây là nguyên nhân bên trong, chiếm phân nửa nguyên nhân gây bệnh. Tức là bệnh hình thành do 2 nguyên nhân chính, đó là nội nhân (nguyên nhân bên trong) và ngoại nhân (nguyên nhân bên ngoài).

Thực tế cho thấy có rất nhiều trường hợp bệnh trở nên nặng hơn, thậm chí thời gian sống bị rút ngắn do căng thẳng, lo lắng kéo dài, dẫn đến huyết áp tăng, đột quỵ... 

Vì vậy, có thể nói thiền là một giải pháp rất phù hợp với hoàn cảnh thế giới hiện nay về mặt tinh thần, sức khỏe và phòng chống bệnh tật.

Không nên lạm dụng quá mức

Hiện nay, có nhiều người đánh giá quá mức về thiền định như chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Đúng là thiền có chữa được bệnh nhưng chỉ qua việc ổn định tinh thần, tăng hệ miễn dịch. 

Khi hệ miễn dịch được cải thiện, sức khỏe được tăng lên, từ đó hỗ trợ tây y trong quá trình điều trị bệnh.

Cụ thể, khi thực hành thiền định 4-8 tuần trong 45 phút/ngày thì hệ miễn dịch được cải thiện hơn 50% và số lượng kháng thể cũng tăng lên đến 50% so với người không tập. 

Ngoài ra, ngồi thiền đều đặn sẽ giúp vỏ não trước trán trở nên dày lên. Đây là vùng chi phối sự lạc quan, hăng hái, yêu đời, phấn khởi, an lành…

Hiểu về thiền định

PGS.BS Phạm Huy Hùng cho biết thiền là một phương pháp trải nghiệm sự bình an, hạnh phúc, khơi nguồn sức mạnh bên trong con người bằng thực hành thư giãn, hô hấp sâu, tập trung tư tưởng, định thức thường xuyên (luôn luôn tỉnh táo), sống theo quy luật.

Từ đó khơi dậy cảm xúc, suy nghĩ sáng tạo, ứng xử hài hòa và hành vi tích cực.

Thiền không phân biệt tôn giáo, giới tính, tuổi tác. Mọi người đều có thể thực hành thiền.

Chúng ta thực hành thiền mọi lúc mọi nơi, trong từng khoảnh khắc của cuộc sống. Với trẻ em, thực hành thiền càng sớm thì càng tốt cho sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ - ThS Minh Huệ cho hay.


Lựa chọn đối tượng quan sát

Trong từng tình huống cụ thể, bạn sẽ chọn đối tượng phù hợp để tập trung quan sát.

* Khi bạn có cảm giác lo lắng, hồi hộp thì hãy quan sát hơi thở của mình. Bạn hít thở nhẹ, sâu, đều và chậm, và quan sát hơi thở.

* Khi đang nhận thấy mình sợ hãi, bạn hãy chọn những âm thanh để quan sát. Âm thanh có thể là một bản nhạc, hay chính bạn hát, bạn đọc, bạn ngâm nga.

* Khi đang bị sao nhãng, không tập trung thì bạn có thể chọn một bức tranh để quan sát, hoặc bạn vẽ, bạn tô màu.

* Khi bạn cảm thấy đói, hoặc không có thức ăn thì đừng nghĩ về món ăn, hãy chọn quan sát một đối tượng giúp bạn quên đi cảm giác đó.

ThS Võ Thị Minh Huệ

Bí mật của các thiền sư Nhật Bản: Tự ướp xác chính họ Bí mật của các thiền sư Nhật Bản: Tự ướp xác chính họ

TTO - Nhiều năm về trước, giới khoa học hết sức kinh ngạc khi lần đầu tiên nhìn thấy xác ướp của các nhà sư Nhật Bản. Họ không hề giống chút nào với các xác ướp vua chúa được tìm thấy ở Ai Cập. Bí mật nằm ở đâu?

XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên