Sách sử ngắn gọn mà bao quát, tổng quan mà cụ thể, nhiều phương cách tiếp cận dành cho độc giả, nhiều câu chuyện, nhiều so sánh, đánh giá khách quan, nhiều chi tiết cuốn hút mà khoa học, nhiều hình ảnh, nhiều hiện vật, lại thêm kết nối đến những video minh họa trực quan, sinh động...
Một cuốn sách sử với những đặc điểm đáng mơ ước ấy vừa ra đời: Quân đội Tây Sơn - Lịch sử bằng hình ảnh của tác giả Đào Nguyên Khánh.
Trẻ - đam mê lịch sử - tư duy khoa học và chắc là "ngoại đạo" với giới nghiên cứu, những phỏng đoán của tôi về tác giả đã hầu như đúng khi biết Khánh là một chàng trai 36 tuổi đang làm việc trong một tập đoàn kinh doanh đa quốc gia.
"Tôi là người đam mê lịch sử nước nhà, là người con Bình Định yêu kính Quang Trung hoàng đế", Khánh giải thích động lực suốt 5 năm nghiên cứu, sưu tầm tư liệu cho cuốn sách đầu tay của mình đơn giản như vậy.
Và Đào Nguyên Khánh đã tạo ra một cuốn sử Tây Sơn với tâm thế của một đứa trẻ ưa tò mò cùng tư duy nghiên cứu tư liệu khá bài bản.
Dòng lịch sử, thời cuộc được lướt qua rất nhanh, nhường chỗ để trả lời những câu hỏi thuộc về chi tiết:
Quân đội Tây Sơn đã được tổ chức như thế nào?
Bộ binh, tượng binh, thủy binh quy mô, hoạt động ra sao?
Những người lính áo vải đã được tuyển chọn, huấn luyện, trang bị vũ khí như thế nào?
Tư duy quân sự của mỗi trận đánh, chiến lược và chiến thuật của mỗi chiến thắng?
Đâu là bí mật sức mạnh vượt trội của đội quân bách chiến bách thắng của Nguyễn Huệ?
Hỏa khí - những khẩu súng đầu tiên đã xuất hiện bằng cách nào, và nếu mất một phút để bắn một viên đạn thì làm cách nào để phát huy hiệu quả?...
Từng thắc mắc được kiến giải cặn kẽ bằng tư liệu, hình ảnh hiện vật, tranh vẽ mà tác giả đã dày công sưu tập, tổng hợp từ nhiều nguồn sử liệu và chụp lại ở các bảo tàng trong - ngoài nước.
Thú vị hơn cả là những so sánh, tìm tòi, đối chiếu sự tương quan trong khu vực, thời đại hay với chính đối phương để giải mã những câu hỏi: trang bị giữa quân Tây Sơn so với quân Trịnh - Nguyễn, thần công trên voi chiến Tây Sơn với quân Xiêm, kết cấu những chiến thuyền, đặc điểm những đội quân dân tộc vùng thượng đạo, đối sánh quân Tây Sơn với quân Thanh trước những trận đánh Tết Kỷ Dậu 1789...
Người viết sách lúc này như một nhà đạo diễn đang nghiên cứu về bối cảnh, phục trang, đạo cụ, mô hình để tái hiện lịch sử, và người đọc còn được mã QR dẫn đến những đoạn clip đã được tác giả tìm tòi và thực hiện:
Cách bắn súng hỏa mai của quân đội Hà Lan mà những chiếc tàu buôn của Công ty Đông Ấn Hà Lan đã làm cầu nối để sớm du nhập vào Đàng Trong từ nửa sau thế kỷ 16.
Những mảnh bổ tử võ quan tỉ mỉ chi tiết của nhà Thanh đối lập với đội quân đơn sơ áo vải cờ đào.
Những so sánh xác đáng về sự tương đồng giữa hoàng đế Quang Trung và Alexander đại đế...
Thú vị, đầy đam mê là cách làm sử của người trẻ, và hẳn nhiên cảm giác ấy sẽ được truyền ngay đến với người đọc, người xem, khơi nên tình yêu với lịch sử và gợi thêm những mong mỏi tiếp cận, tiệm cận với lịch sử.
Đấy chính là giá trị lớn nhất mà cuốn sách "lịch sử bằng hình ảnh" này đã làm được... Đào Nguyên Khánh cho biết anh đang ấp ủ chuẩn bị cho một cuốn sách mới.
Nó cũng sẽ tiếp tục vun bồi cho tình yêu lịch sử - con người - quê hương - đất nước của tác giả, của cả độc giả nữa.
Một số hình ảnh trong cuốn sách Quân đội Tây Sơn - Lịch sử bằng hình ảnh:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận