Từ thư đề nghị của dân làng Dạ Lê Chánh (TP Huế), Hội Nghiên cứu và Phát triển di sản văn hóa Huế đã tiến hành nghiên cứu để làm rõ nghi vấn nói trên. Kết quả nghiên cứu vừa được đưa ra tại tọa đàm ngày 24-6 ở làng Dạ Lê Chánh, thuộc phường Thủy Vân, TP Huế.
Sách sử triều Nguyễn chép rằng, sau khi giành lại vương quyền, vua Gia Long đã "tận pháp trừng trị" vua quan nhà Tây Sơn. Hài cốt của ba vị vua Quang Trung, Quang Toản và Thái Đức đã bị giã nát vứt đi, riêng hộp sọ của các vua thì đem giam vào ngục thất.
Tù nhân và lính canh ngục gọi là "ba ông vò". Sau biến cố kinh đô Huế thất thủ (ngày 23-5 Ất Dậu 1885), "ba ông vò" biến mất. Theo sách Những khám phá về hoàng đế Quang Trung của tác giả Đỗ Bang, có hai ông tên Phan Công Hắc và Phan Công Vá đã lấy hộp sọ trong vò rồi mang về chôn ở khu vực gần Miếu Đôi của làng Thanh Thủy Chánh.
Làng Dạ Lê Chánh nằm sát cạnh làng Thanh Thủy Chánh cũng có một ngôi miếu gọi là Miếu Đôi.
Trong thư của làng Dạ Lê Chánh gửi nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân vào ngày 5-11-2022, dân làng cho biết: "Miếu Đôi thỉnh thoảng có tế lễ nhưng không biết thờ ai".
Người lớn tuổi trong làng cho biết họ đã nghe ông cha kể lại rằng sau ngày kinh đô thất thủ, tù nhân đã mở cửa nhà ngục lấy hai cái vò đựng sọ dừa của Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ chạy về chôn ở một ụ đất ruộng cuối làng Dạ Lê Chánh.
Về sau lũ lụt xóa mất dấu tích, dân làng đã dựng lên hai cái miếu thờ hai người khuất mặt. Nhưng vì sợ nhà Nguyễn biết nên đã giữ bí mật, vì vậy về sau không ai biết Miếu Đôi thờ ai.
Từ tư liệu của PGS.TS Đỗ Bang và lời kể của dân làng, cùng kết quả nghiên cứu thực địa và nhiều tài liệu liên quan khác, nhóm nghiên cứu do nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân chủ trì đã đi đến kết luận: Miếu Đôi làng Dạ Lê Chánh đã đáp ứng các đặc điểm cần và đủ để trả lời: niềm tin của dân làng rằng Miếu Đôi là nơi thờ hai vò xương sọ anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ là đúng với sự thật lịch sử.
Tuy nhiên, ý kiến phản biện của các nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh, Trần Viết Điền, Nguyễn Thế, Trần Đình Hằng cho rằng cần phải thận trọng và tiếp tục nghiên cứu để có đủ chứng cứ xác định rõ ràng.
Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh cho biết không chỉ làng Dạ Lê Chánh mà nhiều làng khác lân cận ở vùng Huế cũng có Miếu Đôi để thờ các vị thần hay các vị có công lớn với làng.
Theo ông Vinh, xem xét các lớp vật liệu xây dựng thì Miếu Đôi của làng Dạ Lê Chánh đã xây dựng từ thế kỷ 17 dưới thời chúa Nguyễn, là nơi thờ các vị phúc thần, nhưng do lũ lụt trôi hết, không còn dấu vết gì, nên đời sau không biết thờ ai.
Có thể có chuyện đưa hai "ông vò" về vùng này, nhưng không phải Miếu Đôi này lập để thờ hai ông vua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận