Ban chấp hành VFF khóa 7 - Ảnh: Tư liệu TT
"Ngày 29-5, ông Nguyễn Xuân Gụ - phó chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) nộp đơn từ chức đồng thời tuyên bố không ra tranh cử vào VFF khóa 8, sau một "sự cố" tại khách sạn.
Hành động này của ông Gụ được xem xuất phát từ "lòng tự trọng và danh dự" sau "sự cố" làm tổn hại đến hình ảnh bóng đá Việt Nam.
Nhưng khi đặt câu chuyện của ông Gụ trong thời gian chuẩn bị đại hội VFF nhiệm kỳ 8 này, với tư cách là một người hâm mộ bóng đá nước nhà, tôi có hai thắc mắc rằng: Có phải chuyện ông Gụ cũng nằm trong danh sách những cuộc đấu đá nội bộ VFF?
Và sau khi ông Gụ từ chức thì các quan chức ở VFF có nhìn lại chính mình, khi mà họ trong thời gian qua cũng luôn làm "tổn hại đến hình ảnh bóng đá Việt Nam" qua nhiều cách?
Là một người hâm mộ bóng đá Việt Nam, đáng lẽ tôi không quá quan tâm đến chuyện "thượng tầng" ở VFF, vì suy cho cùng đó không phải là chuyện của người hâm mộ.
Nhưng những chuyện xảy ra trong thời gian qua, trước kỳ đại hội nhiệm kỳ 8 của VFF này quả thực rất… ồn ào, và toàn chuyện đấu đá, tranh giành chức vị.
Dường như ai cũng chỉ quan tâm đến chiếc ghế sắp tới của mình, không ai quan tâm đến cái cần nhất là sự phát triển của bóng đá.
Nếu xâu chuỗi một loạt sự kiện trước thềm đại hội VFF thì sẽ thấy những cuộc đấu đá trong VFF sao mà "bài bản", "lớp lang" quá! Phải chăng các phe cánh ở "thượng tầng" VFF đã có "chiến lược" sẵn?
Nào là chuyện gạt bầu Đức ra khỏi danh sách đề cử Phó chủ tịch VFF, rồi đến chuyện "băng ghi âm cãi tay đôi giữa ông Trần Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch HĐQT VPF và ông Dương Văn Hiền, Phó Ban trọng tài VFF, và gần nhất là "sự cố" của ông Nguyễn Xuân Gụ.
Tất nhiên những cuộc đấu đá đó thật khó mà "chỉ tận tay, day tận mặt", nhưng với những người hâm mộ "ngoài cuộc" khi nhìn vào thì không khó để "khoanh vùng" ai đứng sau màn bi lẫn hài kịch này.
Và nói thẳng ra, những hành động rất không đẹp này hơn bao giờ hết làm "tổn hại đến hình ảnh bóng đá Việt Nam".
Vậy mà không thấy ai từ chức như ông Gụ?
Chuyện người hâm mộ bóng đá nước nhà phải chứng kiến những màn đấu đá nội bộ thực sự rất "ngán". Bề ngoài đó là những tranh cãi bình thường nhưng bên trong là lại sự giành giật chỗ đứng, quyền lực.
Và trước mỗi kỳ đại hội VFF dường như không có chuyện "chọn người có tài, có tâm" làm bóng đá, vì những người có tâm và tài luôn bị gạt ra bởi vô vàn "chiến lược" sắp đặt sẵn.
Vậy những người hâm mộ bóng đá như tôi chờ đợi gì ở VFF? Xin thưa chúng tôi chờ đợi các vị có tranh cãi thì hãy tranh cãi một cách "quang minh chính đại".
Chúng tôi muốn các vị nói cho chúng tôi biết nếu được bầu vào VFF thì sẽ làm gì để bóng đá nước nhà phát triển, và chiến lược các vị vạch ra là gì?
Chúng tôi muốn các vị dẫu theo "phe nào" thì phe đó cũng phải vì nền bóng đá Việt Nam chứ không phải vì chiếc ghế ở VFF với những món lợi "tiền to, tiền nhỏ, oai và quyền lực".
Nếu các vị ở "thượng tầng" VFF cạnh tranh một cách công khai vậy thì tốt biết mấy, thay vì có những "chiến lược" rất không "fairplay" như phao tin xấu của đối thủ, tung tin nhằm hạ bệ phía bên kia.
Trong năm qua, hình ảnh đẹp nhất của bóng đá Việt Nam chính là câu chuyện kỳ tích của U23. Phải nói rằng đó là một giấc mơ rất đẹp của hàng triệu người hâm mộ bóng đá nước nhà mà kéo dài cho đến hiện tại.
Nhưng rồi, thay vì tiếp thêm niềm tin về giấc mơ ngọt ngào đó thì VFF lại kéo người hâm mộ trở lại hiện thực - một hiện thực rất phũ phàng và xấu xí bởi những "pha bóng đấu đá chức vị".
Trở lại chuyện ông Nguyễn Xuân Gụ từ chức vì làm tổn hại đến hình ảnh bóng đá Việt Nam, tôi muốn nhấn mạnh câu hỏi rằng: Còn nhiều vị làm "làm tổn hại đến hình ảnh bóng đá Việt Nam" nữa sao không thấy ai lên tiếng từ chức? Sao các vị chỉ quanh co, tránh né không dám nhận mình đang làm những việc rất xấu xí?
Có lẽ, đúng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị: phải kiện toàn đội ngũ lãnh đạo Liên đoàn bóng đá VN đặc biệt là vị trí chủ tịch VFF vì đây là vị trí rất quan trọng.
Bởi nếu không làm rõ ràng, minh bạch thì VFF sẽ làm mất niềm tin người hâm mộ (vốn đang rất mong manh). Và khi đã mất niềm tin là mất tất cả".
Bạn đọc Khánh Hưng bày tỏ quan điểm: "Chúng tôi muốn các vị nói cho chúng tôi biết nếu được bầu vào VFF thì sẽ làm gì để bóng đá nước nhà phát triển, và chiến lược các vị vạch ra là gì?". Với tư cách người hâm mộ bóng đá, bạn có ủng hộ quan điểm này? Theo bạn, cần phải làm gì để cải tổ bộ máy VFF? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận