06/03/2012 12:06 GMT+7

Putin thắng cử: phản ứng của thế giới

HẢI MINH
HẢI MINH

TTO - Bất chấp việc ông Vladimir Putin giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống mà ông hoàn toàn áp đảo ở Nga, các nhà lãnh đạo phương Tây đã tỏ ra miễn cưỡng trong việc chúc mừng ông.

jSFWphoJ.jpgPhóng to
Tân Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) cùng ngôi sao võ thuật của Nga Fedor Emelianenko trong buổi tiệc mừng chiến thắng ngày 6-3 - Ảnh: Getty Images

Theo Đài truyền hình Nga RT ngày 6-3, Mỹ ra một thông báo chúc mừng nhân dân Nga đã hoàn tất cuộc bầu cử tổng thống, nhưng lại không nhắc gì đến cá nhân ông Putin.

“Nước Mỹ chúc mừng nhân dân Nga hoàn tất cuộc bầu cử tổng thống và trông đợi hợp tác với tổng thống được bầu sau khi các kết quả được xác nhận và ông ấy đã tuyên thệ”, RT dẫn lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland. Mỹ cũng không quên nói Nga cần phải tiến hành “điều tra độc lập, đáng tin cậy tất cả những thông báo về vi phạm trong bầu cử”.

Thủ tướng Anh David Cameron đã trao đổi với ông Putin qua điện thoại sau khi kết quả bầu cử được công bố về việc phát triển “mối quan hệ mạnh mẽ hơn”, bất chấp “những khác biệt còn tồn tại ở nhiều lĩnh vực”. Ông Cameron cũng không nói lời chúc mừng ông Putin.

Catherine Ashton, Cao ủy đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), nói tổ chức này “theo dõi những kết quả bầu cử sơ bộ của cuộc bầu cử tổng thống và chiến thắng rõ ràng cho ông Putin”, nhưng cũng không nói lời chúc mừng. Phản ứng từ Đức tỏ ra thân thiện hơn. Thủ tướng Angela Merkel chúc mừng ông Putin và đảm bảo với ông rằng bà sẽ nỗ lực tiếp tục phát triển quan hệ song phương.

Từ Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã gửi một điện chúc mừng cho ông Putin, China Daily dẫn lời bộ ngoại giao nước này. “Trung Quốc tôn trọng lựa chọn của nhân dân Nga và ủng hộ Nga lựa chọn loại hình phát triển phù hợp với tình hình của mình - tuyên bố của bộ ngoại giao nói - Chúng tôi tin rằng Nga sẽ tiếp tục duy trì được ổn định chính trị và xã hội, tiếp tục phát triển kinh tế và đóng một vai trò ngày càng lớn hơn trên trường quốc tế”.

Các quan sát viên của Trung Quốc thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) làm nhiệm vụ giám sát bầu cử ở Nga cũng khẳng định cuộc bầu cử đã diễn ra tự do, minh bạch và dân chủ.

Zhang Deguang, người đứng đầu đoàn quan sát viên Trung Quốc, nói cuộc bầu cử năm 2012 “được tổ chức tốt hơn” và “diễn ra suôn sẻ hơn so với năm 2008”.

Zhang từng là quan sát viên của cuộc bầu cử tổng thống Nga năm 2008 và nói ông ấn tượng với các máy quay được lắp tại những điểm bầu cử để đảm bảo tính minh bạch. Các quan sát viên của SCO đã đến giám sát ở 51 điểm bầu cử trên toàn nước Nga.

Từ Nhật Bản, chánh văn phòng nội các Osamu Fujimura nói ông hi vọng chiến thắng của ông Putin sẽ giúp giải quyết những tranh chấp lãnh thổ đã kéo dài giữa hai nước, theo The Japan Times. “Chúng tôi muốn giải quyết vấn đề lãnh thổ dựa trên các thỏa thuận và tài liệu quá khứ, và trên cơ sở pháp luật và công lý”, ông Fujimura nói. Nhật Bản từ lâu đã muốn sát nhập trở lại các hòn đảo mà nước này gọi là vùng lãnh thổ phương bắc, hiện do Nga kiểm soát.

Cuối cùng, từ Brussels, NATO nói họ hi vọng tiếp tục sự hợp tác với Nga trong các vấn đề Afghanistan, chống cướp biển và các hợp tác khác dưới nhiệm kỳ tổng thống mới của ông Putin, theo AP.

Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cũng khẳng định ông hi vọng tổ chức quân sự này và Matxcơva sẽ đạt được những tiến triển trong vấn đề lá chắn tên lửa ở châu Âu vì “cả Nga và NATO sẽ có lợi từ một sự hợp tác như thế”.

“Kết quả (của cuộc bỏ phiếu) nhiều khả năng sẽ là sự tiếp nối về mặt lãnh đạo và chính sách ở Nga - ông Fogh Rasmussen nói với các phóng viên - Tôi trông đợi các tiến triển tiếp theo trong sự hợp tác giữa NATO và Nga”. Ông cũng hi vọng ông Putin sẽ đến tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO ở Chicago, Mỹ vào tháng 5 tới, nơi hai phía có thể cân nhắc vấn đề lá chắn tên lửa.

HẢI MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên