16/05/2023 16:24 GMT+7

Pita Limjaroenrat: từ doanh nhân công nghệ đến ứng viên thủ tướng Thái Lan

Pita Limjaroenrat làm giám đốc điều hành Grab Thái Lan trước khi bước vào chính trường. Người đàn ông trẻ tuổi tài cao này giành chiến thắng chấn động trong cuộc bầu cử ngày 14-5 vừa qua.

Pita Limjaroenrat: từ doanh nhân công nghệ đến ứng viên thủ tướng Thái Lan - Ảnh 1.

Pita Limjaroenrat (áo trắng), lãnh đạo của Đảng Tiến bước, vẫy tay chào những người ủng hộ ngày 15-5 sau chiến thắng trong bầu cử ngày 14-5 - Ảnh: REUTERS

Năm 2006, các nhân viên ngân hàng nói với Pita Limjaroenrat tại đám tang của cha anh rằng anh có 4 tháng để giải cứu công ty đang ngập trong nợ nần của gia đình mình. 

Hơn 10 năm sau biến cố với gia đình, anh bước chân vào con đường chính trị, một ngã rẽ bản thân chưa bao giờ nghĩ đến.

Con nhà tông

Pita Limjaroenrat sinh ngày 5-9-1980, là con trai cả của Pongsak Limjaroenrat, cựu cố vấn của bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan. Ông Pongsak là người sáng lập của CEO Agrifood, một công ty sản xuất dầu gạo. 

Chú của Pita là Padung Limjaroenrat, một phụ tá thân cận của cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra

Vì lẽ đó, với nhà Limjaroenrat, gia tộc Thaksin không mấy xa lạ. Con gái út của cựu thủ tướng, bà Paetongtarn Shinawatra, đã biết Pita Limjaroenrat từ thời hai người còn học trung học.

Paetongtarn đang lãnh đạo Đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) - đảng xếp thứ hai với 141 ghế tại Hạ viện trong cuộc bầu cử ngày 14-5. Trong khi đó, Pita Limjaroenrat dẫn dắt Đảng Tiến bước (MFP), đảng giành chiến thắng với số ghế nhiều nhất tại Hạ viện (152 ghế). 

Xuất thân trong gia đình có quan hệ phức tạp với giới chính trị Thái Lan nên từ nhỏ cậu bé Pita Limjaroenrat đã được gia đình tạo điều kiện phát triển tốt nhất. Phần lớn thời gian niên thiếu của anh là ở New Zealand. Đó cũng là nơi khơi dậy mối quan tâm của chàng trai trẻ đối với chính trị.

"Tôi được chuyển đến một nơi xa xôi hẻo lánh ở New Zealand và hồi đó truyền hình chỉ có ba kênh. Hoặc bạn xem phim truyền hình dài tập của Úc, hoặc bạn xem các cuộc tranh luận tại quốc hội", Pita Limjaroenrat nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn với chương trình Aim Hour của YouTube Thái Lan. 

Từ dạo đó, các bài phát biểu của thủ tướng New Zealand lúc bấy giờ là ông Jim Bolger trở thành bạn đồng hành của Pita Limjaroenrat mỗi khi làm bài tập về nhà. 

New Zealand cũng giáo dục chàng trai trẻ về giá trị của lao động thay vì tận hưởng những gì có sẵn. Anh được một gia đình trung lưu New Zealand cho ở nhờ, nhưng phải làm những công việc khác để chi trả cho các nhu cầu cá nhân. Những công việc bán thời gian như phát báo, giao sữa Pita Limjaroenrat đều đã làm qua.

Biến cố xảy ra vào năm 2006, chỉ vài tuần sau khi Pita Limjaroenrat đến Mỹ học thạc sĩ. Đó cũng là năm xảy ra cuộc đảo chính lật đổ ông Thaksin. 

Anh được gọi trở về quê hương Thái Lan để tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình sau cái chết của cha. Một Pita Limjaroenrat nặng trĩu nỗi buồn đã đáp hai chuyến bay từ Mỹ để về Thái Lan. Chuyến đầu tiên từ New York (Mỹ) sang London (Anh). 

Ít ai biết trên cùng chuyến đi đó còn có ông Thaksin và các quan chức ủng hộ ông. Vài người trong số đó quen biết với nhà Limjaroenrat. Nhưng Pita Limjaroenrat không quan tâm, vì nỗi buồn mất cha quá lớn.

Khi đó Pita Limjaroenrat mới 25 tuổi. Công ty tâm huyết của người cha quá cố ngập trong nợ nần. Nhưng dưới sự lãnh đạo của anh, CEO Agrifood đã trở thành một trong những nhà sản xuất dầu cám gạo lớn nhất châu Á. 

Khi đã ổn định chuyện nợ nần của công ty, Pita Limjaroenrat trở lại Mỹ để hoàn thành hai chương trình thạc sĩ tại Đại học Harvard và Viện công nghệ Massachusetts.

Pita Limjaroenrat: từ doanh nhân công nghệ đến ứng viên thủ tướng Thái Lan - Ảnh 3.

Pita Limjaroenrat thường xuyên sử dụng mạng xã hội để đăng các hình ảnh đời thường. Trong ảnh: anh khoe hình chụp cùng con gái trên mạng xã hội Instagram - Ảnh: Instagram Pita Limjaroenrat

Công nghệ dẫn Pita Limjaroenrat vào chính trị

Rời Mỹ sau một thời gian thử sức với các công ty lớn, Pita Limjaroenrat trở về cố hương. Anh ngồi vào ghế giám đốc điều hành Grab Thái Lan từ năm 2017 đến 2018. 

Rũ bỏ áo doanh nhân, Pita Limjaroenrat bước chân vào chính trường bằng cuộc bầu cử năm 2019. Đó là cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên sau đảo chính năm 2014 - cuộc binh biến lật đổ một người nữa của gia tộc Shinawatra.

Khi đó Pita Limjaroenrat ra tranh cử một ghế tại Hạ viện với tư cách là thành viên của Đảng Tương lai mới. Sau chiến thắng bất ngờ dù chỉ mới thành lập, đảng này nhanh chóng gặp rắc rối với chính quyền Thái Lan và bị giải thể không lâu sau đó.

Tài hùng biện đã giúp Pita Limjaroenrat nhanh chóng nổi lên. Những người ủng hộ đảng vừa bị giải thể tập hợp xung quanh anh. Điều đó đưa anh trở thành lãnh đạo của MFP, một đảng có tư tưởng gần gũi với Đảng Tương lai mới.

MFP được xem là sự kế thừa của đảng bị giải thể. Nhờ tài ăn nói của Pita Limjaroenrat, đảng này thu hút sự chú ý của người trẻ Thái Lan. Những người có cảm tình với Đảng Tương lai mới cũng quay sang ủng hộ MFP.

Phương tiện truyền thông xã hội và phân tích dữ liệu được sử dụng mạnh mẽ để kết nối MFP với giới trẻ Thái Lan. Đó là một chiến thuật đã chứng minh hiệu quả khi giúp ứng viên Barack Obama giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2008.

Pita Limjaroenrat hiểu tầm quan trọng của việc xây dựng sự ủng hộ trên mạng xã hội. Anh đã đồng hành cùng các bạn học người Mỹ, những người tình nguyện tham gia chiến dịch tranh cử của Obama khi còn học tại Trường Kennedy của Đại học Harvard.

Sự phổ biến của Pita Limjaroenrat đã góp phần quan trọng vào chiến thắng được đánh giá là "địa chấn" trong chính trường Thái Lan của MFP vừa qua.

Hai kịch bản hậu bầu cử Thái LanHai kịch bản hậu bầu cử Thái Lan

Chiến thắng áp đảo của các đảng có xu hướng cấp tiến trong cuộc bầu cử ngày 14-5 vừa qua đã phản ánh tâm lý mong chờ một luồng sinh khí chính trị cởi mở hơn từ thế hệ cử tri Thái Lan trẻ tuổi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên