Theo lời một chuyên gia nói với Business Insider, ngoài việc cố gắng phá hủy mục tiêu thông thường, Nga cũng nhiều khả năng muốn thấy Ukraine dùng hết số đạn dược quý giá còn lại của hệ thống phòng không.
Nga lừa Ukraine tiêu hao đạn dược cho Patriot?
Vị chuyên gia này khẳng định mục tiêu cụ thể của Nga là các hệ thống tên lửa phòng không Patriot do Mỹ sản xuất.
Nếu Nga thành công trong việc làm tiêu hao đạn dược của Patriot, Ukraine sẽ suy yếu và chịu nhiều tổn thất hơn. Ngược lại, Nga cũng có thể thoải mái tấn công hơn vì ít lo thất bại.
Tiến sĩ Jade McGlynn - nhà nghiên cứu chính trị Nga, và hiện cũng là nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) - cho rằng việc làm cạn kiệt Patriot cũng như kho tên lửa khác của Ukraine "rõ ràng là một phần" trong chiến lược của Nga.
Tới nay, Ukraine đã nhận 5 khẩu đội tên lửa phòng không Patriot từ Mỹ, Đức và Hà Lan. Patriot từng được kỳ vọng như một nhân tố thay đổi cục diện ở Ukraine.
Về lý thuyết, hệ thống Patriot có thể giám sát 100 mục tiêu ở cự ly gần 100km. Các thông tin từ phương Tây cho biết tới nay Patriot đã chặn nhiều tên lửa Nga.
Hồi tháng 12, Ukraine nói họ sắp nhận thêm các hệ thống Patriot từ phương Tây, bao gồm Đức. Dù vậy Kiev không nêu rõ nguồn cung Patriot cụ thể là ai, giữa bối cảnh Mỹ chưa thể tiếp tục các đợt viện trợ quân sự vì rắc rối ở Quốc hội.
Ukraine bị oanh tạc, NATO mua thêm 1.000 tên lửa Patriot
Giữa thông tin Ukraine gặp khó từ các cuộc không kích của Nga, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm 3-1 tuyên bố sẽ thúc đẩy việc mua tới 1.000 tên lửa Patriot. Đây được xem là cách NATO giúp các đồng minh tự bảo vệ tốt hơn.
Theo cơ quan phụ trách việc hỗ trợ và mua sắm của NATO, họ sẽ giúp một nhóm quốc gia mua Patriot để chống tên lửa đạn đạo, tên lửa dẫn đường, cũng như máy bay của địch thủ. Các nước trong nhóm được hỗ trợ bao gồm Đức, Hà Lan, Romania và Tây Ban Nha.
Hãng tin AP dẫn lời các nguồn tin trong ngành cho biết hợp đồng thu mua sắp tới có giá trị khoảng 5,5 tỉ USD.
Ngoài việc tự vệ, đợt mua bán này cũng là cách các nước NATO lấp đầy kho dự trữ vũ khí của mình để tiện hỗ trợ Ukraine hơn.
"Các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga nhắm vào người dân, thành phố và các thị trấn của Ukraine cho thấy tầm quan trọng của những hệ thống phòng không hiện đại. Gia tăng sản xuất đạn dược là chìa khóa cho an ninh của Ukraine cũng như của chúng ta", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói trong tuyên bố liên quan tới vấn đề này.
Từ khóa "Patriot" cũng đang là tâm điểm trong xung đột Nga - Ukraine những ngày này. Tuần trước, Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo việc Nhật Bản gửi hệ thống Patriot cho Ukraine sẽ dẫn tới "những hậu quả to lớn" đối với quan hệ song phương Nhật - Nga.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận