10/06/2024 19:11 GMT+7

Phục hồi đất, chống hạn hán không thể tách rời kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Đó là yêu cầu được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh tại lễ phát động quốc gia Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát động Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường năm 2024 - Ảnh: VIÊN PHONG

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát động Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường năm 2024 - Ảnh: VIÊN PHONG

Lễ phát động quốc gia Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường năm 2024 hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5-6) với chủ đề "Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa" và Ngày Đại dương thế giới (8-6) với chủ đề "Hiểu biết sâu sắc hơn về đại dương" do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 10-6, tại TP Nha Trang, Khánh Hòa.

Hạn hán, xâm nhập mặn ở Việt Nam gia tăng nhanh

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngày Môi trường thế giới 2024 đã được Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) phát động với chủ đề "Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa".

Chủ đề được lựa chọn xuất phát từ thực tế hiện nay có 40% diện tích đất đai trên hành tinh bị suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp đến một nửa dân số thế giới và đe dọa khoảng một nửa GDP toàn cầu.

Tần suất và thời gian hạn hán đã tăng 29% kể từ năm 2000, nếu không có hành động khẩn cấp, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số thế giới vào năm 2050.

Tại Việt Nam, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn biến phức tạp. Dòng chảy trên các sông, hồ chứa khu vực Bắc Bộ phổ biến thiếu hụt so với trung bình nhiều năm 30 - 60%, trên các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên phổ biến thiếu hụt 25 - 50%.

Hiện tượng El Nino kết hợp với nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong ở mức thấp và hiện tượng triều cường đã làm nghiêm trọng hơn tình trạng xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long, các đợt xâm nhập mặn vào sâu 40 - 66km, có nơi sâu hơn, như Tiền Giang và Bến Tre vào sâu 70 - 76km.

Ngoài ra, Việt Nam hiện có trên 11,8 triệu ha, chiếm 35,74% tổng diện tích đất tự nhiên chịu tác động của thoái hóa, hoang hóa nguy cơ dẫn tới sa mạc hóa.

Tình trạng này vẫn đang tiếp tục gia tăng và sẽ ảnh hưởng lớn đối với ngành nông nghiệp của nước ta.

Một nông dân Cà Mau bên đám ruộng khô cằn vì hạn hán - Ảnh: THANH HUYỀN

Một nông dân Cà Mau bên đám ruộng khô cằn vì hạn hán - Ảnh: THANH HUYỀN

4 nhiệm vụ, giải pháp cấp bách

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đề nghị thực hiện ngay bốn nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, triển khai hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên biển, đảo; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính; quản lý chất lượng môi trường đất, quản lý rác thải nhựa đại dương;

Nâng cao trữ lượng carbon thông qua bảo tồn, quản lý bền vững tài nguyên rừng; tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon.

"Đặc biệt, các cấp chính quyền cần nâng cao nhận thức, coi nội dung phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa là một phần không thể tách rời của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội" - ông Khánh nhấn mạnh.

Tăng cường điều tra đánh giá thực trạng hoang mạc hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu về sa mạc hóa, xây dựng bản đồ hạn hán cho các khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp.

Kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải từ hoạt động xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp…; đặc biệt nghiêm cấm việc xả thải không đúng quy định ra môi trường.

Thứ hai, tăng cường công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là vùng biển ven bờ; cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường biển, ngăn chặn sự suy thoái tài nguyên, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; xử lý tốt các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển và đại dương từ đất liền, giảm thiểu rác thải nhựa.

Tận dụng tối đa lợi thế để phát triển các ngành du lịch và dịch vụ biển để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới; khai thác đồng bộ, hiệu quả các cảng biển và dịch vụ vận tải biển.

Thứ ba, tiếp tục mở rộng và tăng cường hợp tác với các quốc gia, các đối tác và tổ chức quốc tế và khu vực về biển và đại dương trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, quyền và các lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, các quốc gia trên lưu vực sông, tuân thủ luật pháp quốc tế, bảo đảm an ninh và an toàn nguồn nước, an toàn hàng hải, góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Thứ tư, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa, ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; biến nhận thức thành ý thức tự giác và hành động cụ thể, thiết thực ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp và từng cá nhân.

Dự báo nắng nóng kỷ lục, Thủ tướng yêu cầu có phương án phòng chống hạn hánDự báo nắng nóng kỷ lục, Thủ tướng yêu cầu có phương án phòng chống hạn hán

Trước dự báo nắng nóng kỷ lục, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương xây dựng và thực hiện phương án phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên