Trước dịch COVID-19, Jerry Võ từng là học sinh nhiều trường quốc tế tại TP.HCM. Năm 2020, khi dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện ở châu Á, các lớp học phải chuyển sang học trực tuyến, Jerry không thích học online. Gia đình Jerry quyết định cho con chuyển tiếp sang Mỹ học nội trú tại Trường Cushing Academy (Massachusetts).
Tiền tỉ mỗi năm
Ở trường nội trú, Jerry học tập và sinh hoạt hoàn toàn trong không gian của trường. Các buổi học sáng chiều thường kết hợp các môn học trong chương trình chính khóa, xen kẽ với các lớp thể thao, hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ...
Buổi tối, học sinh thường sẽ tự học trong khu ký túc xá. Học sinh sẽ ăn ở cùng những bạn nội trú khác, bao gồm cả người Mỹ lẫn sinh viên quốc tế.
"Khác biệt lớn nhất ở trường nội trú với những môi trường khác là sự tự lập. Học sinh sẽ chủ động sắp xếp lịch học, sinh hoạt. Học sinh cũng sẽ tự lo những việc cá nhân từ giặt quần áo đến thể dục thể thao. Những ngày đầu, sắp xếp thời gian rất khó. Ngoài ra, giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Anh lúc đầu cũng không dễ dàng", Jerry Võ cho biết.
Giống như Jerry, gần đây nhiều gia đình Việt cho con sang Mỹ học trường nội trú - học tập và sinh hoạt hoàn toàn trong trường. Bạn N.M.T. - cựu sinh viên Đại học Colorado (Mỹ) - đã học trường nội trú tại Texas từ đầu năm lớp 9.
T. nhận định cũng giống như những trường nội trú ở Việt Nam, trường nội trú Mỹ khá coi trọng thành tích của học sinh. Vì vậy, lịch học cả ngày thường rất gắt. Bên cạnh đó là còn phải hoạt động thể thao, nghệ thuật, sinh hoạt ngoại khóa, hoạt động dự án...
"Một trong những mục đích lớn nhất của các trường này là cho học sinh vào được những trường đại học tốt. Các trường nội trú ở Việt Nam cũng thường lấy danh tiếng bằng việc "luyện" cho học sinh đậu vào đại học tên tuổi. Những phụ huynh cho con vào trường nội trú của Mỹ phần lớn cũng mong muốn đây là đòn bẩy cho con vào những trường xịn", T. nói.
Theo T., trường nội trú cũng dành cho những người không có nhiều người thân ở Mỹ. Các phụ huynh từ Việt Nam có phần cảm thấy an tâm khi con học và sinh hoạt hoàn toàn trong nhà trường, với sự kiểm soát của thầy cô, thay vì phải ở nhà người giám hộ. Tuy nhiên, cái giá cũng rất đắt đỏ.
T. cho biết bạn tốn khoảng 65.000 USD (1,5 tỉ đồng) cho một năm học nội trú. Ước tính, tổng chi phí cho học sinh quốc tế học trường nội trú tại Mỹ đang dao động từ khoảng 60.000 - 90.000 USD (1,4 - 2,1 tỉ đồng) cho một năm học. Thông thường khoản chi phí này đã bao gồm cả tiền học lẫn tiền ăn ở, sinh hoạt.
Thử thách hòa nhập
Quân Trần - học sinh tại Concord Academy (Massachusetts) - chia sẻ thông thường các học sinh châu Á sang học nội trú có xu hướng chơi chung với nhau. Nhiều bạn cảm giác hơi sợ khi phải giao tiếp với những học sinh từ phương Tây. Rào cản của các bạn không chỉ là ngôn ngữ mà còn vì chưa thể hòa nhập được với các bạn cùng trường.
Theo Quân Trần, các trường nội trú cũng nhận thấy điều này. Vì vậy, hiện nay hầu hết các trường đều có những tổ chức để kết nối các học sinh quốc tế với các học sinh bản địa.
"Ngược lại, mình nghĩ nếu đã chọn học nội trú, học sinh cũng cần kết nối với các bạn bằng cách tham gia những chương trình, hoạt động, câu lạc bộ hay đơn giản chỉ là nói chuyện với các bạn khác nhiều hơn", Quân nói.
Bill Hoàng - học tại Woodberry Forest School (Virginia) - hiện là thành viên trong một nhóm hỗ trợ sinh viên quốc tế mới nhập học. Bạn chia sẻ trong năm học này đã được bầu chọn vào nhóm 18 "huynh trưởng" từ trong 400 sinh viên nhà trường.
Nhóm đặt dưới sự quản lý của nhà trường, tổ chức những hoạt động đón tiếp, chỉ dẫn và giúp đỡ những học viên mới có thể hòa nhập. Mỗi tối, nhóm các bạn còn đi một vòng ký túc xá để nhắc nhở các học sinh mới từ chuyện học bài, giữ gìn vệ sinh đến cả giặt giũ, quét dọn.
Các học sinh buộc phải gắn kết với nhau như vậy một phần là bởi trường nội trú sống khá khép kín. Sự khép kín ấy đôi khi đúng cả nghĩa đen.
Bill Hoàng chia sẻ trường Woodberry Forest School của mình nằm ở giữa... rừng. Tại một trường nội trú ở vị trí như thế, học sinh chỉ có thể sinh hoạt nội bộ với nhau. Học sinh sẽ khó khăn khi giao lưu hay trải nghiệm cuộc sống đô thị.
Vì thế, theo Bill Hoàng, khi lựa chọn trường nội trú, vị trí địa lý là một phần rất cần cân nhắc. Nếu là người thích sôi động, bạn sẽ phù hợp với một trường nội trú ở trong thành phố. Còn nếu chuộng không gian yên tĩnh, có thể chọn những trường ở xa.
Một trường nội trú nằm ở khu nhiều người Việt cũng được nhiều gia đình Việt ưu tiên.
Cân nhắc nhiều yếu tố về văn hóa
Ông Xi Zhang - cựu sinh viên Đại học Harvard, sáng lập nền tảng tra cứu du học FindingSchool - cho rằng việc đưa học sinh du học trường phổ thông nội trú đồng nghĩa với việc cho con tiếp xúc với một nền văn hóa hoàn toàn khác biệt từ sớm. Đồng nghĩa, phụ huynh sẽ phải sẵn sàng khi con cái sẽ có nhiều thay đổi về văn hóa.
Thậm chí, sau một khoảng thời gian, con cái đôi khi sẽ không còn nói rành tiếng mẹ đẻ. Do vậy, phụ huynh cần cân nhắc nhiều về yếu tố văn hóa trước khi cho con học trường nội trú.
Tìm hiểu từ nhiều nguồn
Jerry Võ cho biết trước đây khi có ý định học trường nội trú, gia đình bạn liên hệ với một trung tâm tư vấn du học. Từ trải nghiệm cá nhân, Jerry cho rằng các trung tâm thường chỉ kết nối với một số trường có liên kết. Điều này dẫn tới cái nhìn của phụ huynh, học sinh về các lựa chọn du học nội trú sẽ bị hạn chế.
Theo Jerry, khi tìm hiểu, không nên chỉ đóng phí và nhờ cậy hết cho trung tâm tư vấn du học. Đôi khi, những trường mà trung tâm đưa ra chưa chắc là phương án tốt nhất. Thậm chí, cũng sẽ có trường hợp các trường mà trung tâm đưa ra không phù hợp với bạn.
Vì thế, Jerry cho rằng phụ huynh, học sinh cần mở rộng tìm hiểu trên nhiều nguồn thông tin, từ những trang web uy tín, tham khảo ý kiến của nhiều người để có góc nhìn đa chiều trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận